1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ xung đột khi Trung Quốc đơn phương đòi tàu nước ngoài khai báo

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát cảnh báo rằng, việc Trung Quốc yêu cầu tàu nước ngoài phải khai báo khi vào khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền có thể châm ngòi xung đột và bất ổn.

Nguy cơ xung đột khi Trung Quốc đơn phương đòi tàu nước ngoài khai báo - 1

Tàu tuần duyên Nhật Bản và tàu Trung Quốc trên vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Reuters).

Cuối tuần qua, Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo kể từ tháng 9, các tàu nước ngoài đi vào vùng mà Bắc Kinh gọi là "lãnh hải" nước này phải khai báo hàng loạt thông tin về hàng hóa, lộ trình, phương tiện… Nếu các tàu nước ngoài không khai báo theo quy định, cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc sẽ áp dụng các luật, quy định, quy tắc và điều khoản liên quan để xử lý.

Theo các chuyên gia, vấn đề chính của quy định này nằm ở khái niệm "lãnh hải" và việc thực thi quy định mới có thể gây xung đột, xét trong tình hình hiện tại.

Khái niệm "lãnh hải" của Trung Quốc bị phản đối khi họ đơn phương đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là "đường chín đoạn" - khái niệm bị cộng đồng quốc tế bác bỏ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku (Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông.

Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, việc Trung Quốc đơn phương thực thi quy định hàng hải mới có thể dẫn tới kịch bản xung đột với Mỹ và Nhật Bản vì 2 nước này gần như chắc chắn không thực hiện yêu cầu của Bắc Kinh .

Về mặt nguyên tắc, giới quan sát cho rằng quy định của Trung Quốc gần như đi ngược lại với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). UNCLOS có quy định về quyền đi lại vô hại, trong đó nêu rõ một quốc gia ven biển sẽ không cản trở quyền qua lại của tàu thuyền nước ngoài nếu chúng không đe dọa đến an ninh của quốc gia đó.

Chuyên gia Robert Ward từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh) cho rằng, Trung Quốc dường như đang cố gắng tung "tấm lưới pháp lý" để bao phủ khu vực mà họ "tuyên bố chủ quyền để bình thường hóa những tuyên bố đó".

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple hôm 2/9 tuyên bố, họ kiên định với lập trường rằng, "bất kỳ luật hay quy định hàng hải nào cũng không được vi phạm quyền tự do hàng hải, hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế".

Ông Michael McAllister, chỉ huy Tuần Duyên Mỹ khu vực Thái Bình Dương, hôm 3/9 nhận định quy định mới của Trung Quốc "rất đáng quan ngại" và cho rằng "điều đó bắt đầu tạo nền tảng cho bất ổn và các cuộc xung đột tiềm tàng" ở Biển Đông.

Mỹ đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ đã thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải, tự do hàng không tại khu vực nhằm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.

Các chuyên gia nhận cũng nhận định, khu vực dễ xảy ra bất ổn hơn sau khi Trung Quốc áp quy định hàng hải mới có thể sẽ là ở biển Hoa Đông, cụ thể là khu vực biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Alessio Patalano, giáo sư tại đại học King ở London, nhận định rằng, tại khu vực vùng biển xung quanh Senkaku, việc Trung Quốc thực hiện các quy tắc hàng hải mới nghiêm ngặt có nguy cơ cao dẫn tới một cuộc xung đột với lực lược tuần duyên của Nhật Bản.

Theo phía Tokyo, tàu hải cảnh Trung Quốc trong năm nay bị cáo buộc đã 88 lần đi vào vùng biển thuộc lãnh hải Nhật Bản gần Senkaku. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng họ chỉ tuần tra xung quanh quần đảo Điếu Ngư mà họ tuyên bố chủ quyền. Truyền thông Trung Quốc cũng cảnh báo về kịch bản họ có thể sử dụng vũ lực với những tàu đi vào "lãnh hải" của họ.

Từ năm 2013, Trung Quốc đã thúc đẩy việc tuyên bố chủ quyền ở Senkaku, quần đảo đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản. Bắc Kinh tuyên bố Senkaku nằm trong Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ), động thái bị Nhật Bản phản ứng dữ dội.

Với tình hình căng thẳng hiện nay các nhà phân tích cảnh báo rằng, các cuộc xung đột có thể thường bắt nguồn từ những sai lầm nhỏ, như một mệnh lệnh không đúng đắn, thông tin sai lệch, những trục trặc nhỏ với khí tài quân sự. Tất cả những điều này đều có nguy cơ châm ngòi xung đột và một khi súng đã nổ, thì việc quay đầu rút lui là rất khó thực hiện.