1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nguy cơ thảm họa hạt nhân ở biển Đông

Nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc sẽ gây ra thảm họa hạt nhân nếu xảy ra xung đột hay thảm họa thiên tai.

Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển Đông của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng cường quân sự, đồng thời gây thêm lo ngại về môi trường và an ninh. Bài viết với đầu đề “Các dự án năng lượng hạt nhân của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo” đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 22-4 (giờ địa phương) đã nhận định như trên.

20 nhà máy điện nổi

Báo chí Trung Quốc ngày 22-4 đưa tin Trung Quốc dự kiến xây dựng đến 20 nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển Đông nhằm cung cấp điện nhiều hơn cho các đảo nhân tạo tại khu vực xa xôi này.

Dự án sẽ do Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc thực hiện. Đây là đơn vị đóng tàu chiến lớn nhất Trung Quốc, trong đó có cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Theo báo chí Trung Quốc, tập đoàn này đã gần hoàn thành lò phản ứng hạt nhân nổi đầu tiên.

Nhà máy điện hạt nhân nổi không phải là sáng kiến mới mà đã xuất hiện cách đây nhiều thập niên. Gần đây nhất, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Liên bang Nga (Rosatom) đã bắt đầu xây dựng dự án tương tự nhằm sản xuất điện tại các nơi xa xôi hẻo lánh như Bắc Cực. Công trình này hoạt động tương tự các lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ dùng cho máy phá băng của Nga.

Theo các chuyên gia hạt nhân, về kỹ thuật thì quy trình chuyển đổi nhà máy điện hạt nhân thành các trạm phát điện nổi trên biển không có nhiều khó khăn. Hải quân Mỹ đã từng sử dụng tàu ngầm và tàu sân bay hạt nhân trong nhiều thập niên.

Rod Adams là người sáng lập trang web Atomic Insights, nguyên sĩ quan kỹ sư trên tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Ông nhận xét Trung Quốc đã khai thác tàu ngầm hạt nhân được một số năm nên từ nay đến năm 2020 chỉ còn vài thách thức trong quy trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân nổi theo phác thảo của Tổng Công ty Năng lượng hạt nhân Trung Quốc. Ảnh: CGN
Mô hình nhà máy điện hạt nhân nổi theo phác thảo của Tổng Công ty Năng lượng hạt nhân Trung Quốc. Ảnh: CGN

Âm mưu quân sự hóa

Tạp chí Foreign Policy ghi nhận dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển Đông của Trung Quốc là bước tiếp theo của kế hoạch quân sự hóa biển Đông.

Các chuyên gia về an ninh và hạt nhân rất lo ngại dự án này bởi cho tới nay, rất nhiều dự án của Trung Quốc, từ các hợp đồng xây cảng ở Ấn Độ Dương đến tôn tạo đảo nhân tạo trên biển Đông, đều được quảng bá vì mục đích dân sự nhưng thật ra che giấu mục đích quân sự.

Trong hai năm qua, trong khu vực tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc đã biến các đá san hô thành đảo nhân tạo, sau đó xây dựng đảo thành tiền đồn như xây đường băng, bố trí radar phòng không.

Với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi, chắc chắn các thiết bị quân sự trên đảo nhân tạo sẽ mạnh hơn, từ đó Trung Quốc có thể tiến tới lập vùng hạn chế trên vùng trời và trong vùng biển quanh các đảo nhân tạo. Đây là điều rất đáng lo ngại bởi Mỹ muốn bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông, một trong các tuyến giao thương huyết mạch của thế giới.

Chuyên gia Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Vì an ninh Mỹ mới, cảnh báo: “Các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho quân sự để Trung Quốc tiến hành toàn diện các chiến dịch, từ cảnh báo sớm và phòng thủ trên không, hệ thống kiểm soát hỏa lực đáp trả cho đến hoạt động chống ngầm”. Đặc biệt radar phòng không sẽ phát huy hết công suất.

Lò hạt nhân sập giữa biển

Các chuyên gia lo ngại Trung Quốc sẽ tìm cách lập vùng nhận dạng phòng không quanh các thực thể tranh chấp ở biển Đông như đã từng làm trên biển Hoa Đông năm 2013, để bày tỏ phản ứng sau khi Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye công bố phán quyết không có lợi cho Trung Quốc.

Với nhà máy điện hạt nhân nổi, Trung Quốc sẽ gia tăng năng lực phòng thủ và đáp trả nguy cơ tấn công, từ đó có thể dẫn đến xung đột và sau đó là thảm họa hạt nhân trên biển.

Ngoài ra, nguy cơ thảm họa hạt nhân trên biển cũng có thể xảy ra bởi biển Đông là khu vực thường xuyên có bão mạnh.

Chuyên gia Patrick Cronin ghi nhận: “Trung Quốc đã gây thiệt hại cho môi trường biển, phá hủy vĩnh viễn các rạn san hô trong khi hối hả bồi đắp xây đảo nhân tạo ở biển Đông. Đây là khu vực đánh cá và tuyến hàng hải quan trọng, chúng ta không cần tai nạn hạt nhân xảy ra ở khu vực này”.

Chuyên gia Dave Lochbaum ở Hiệp hội Các nhà khoa học có quan tâm nhận định lo ngại về an toàn hạt nhân ngày càng được chú ý sau vụ khủng hoảng hạt nhân xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.

Tạp chí Foreign Policy ghi nhận tới giờ vẫn chưa rõ nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc có đủ khả năng tránh thảm họa tương tự hay không. Nguy cơ lò phản ứng hạt nhân bị sập giữa biển sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Sau Brunei, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến Campuchia. Hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin về vấn đề biển Đông, tại cuộc họp báo ở Phnom Penh hôm 22-4, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Prak Sokhon khẳng định Campuchia luôn duy trì quan điểm trung lập, Campuchia kêu gọi các bên liên quan nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.

Ông Vương Nghị đã cảm ơn Campuchia “thấu hiểu và ủng hộ Trung Quốc” vì không can thiệp vào công việc nước khác. Ông lập luận “một số nước muốn lợi dụng tranh chấp biển Đông để gia tăng hoạt động quân sự” và chỉ trích Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc là “lạm dụng luật pháp quốc tế”.

Theo Ph.Quỳnh

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm