1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nguy cơ leo thang hạt nhân sau vụ Ukraine tấn công trạm radar của Nga

An Hoàng

(Dân trí) - Vụ Ukraine tấn công vào trạm radar chiến lược của Nga tuần trước làm dấy lên lo ngại căng thẳng leo thang không chỉ giữa Ukraine và Nga mà còn giữa Nga và NATO.

Nguy cơ leo thang hạt nhân sau vụ Ukraine tấn công trạm radar của Nga - 1

Ukraine tập kích UAV vào trạm radar chiến lược của Nga hôm 23/5 (Ảnh: Pravda).

Hôm 23/5, máy bay không người lái (UAV) phóng từ Ukraine đã tấn công một trạm radar chiến lược tại vùng Armavir, Nga. Đây không phải là lần đầu tiên một cơ sở trọng yếu của Moscow trở thành mục tiêu tấn công, nhưng vụ việc mới nhất có thể khiến Nga trả đũa cứng rắn hơn, thậm chí là bằng hạt nhân.

Hiện chưa rõ cuộc tấn công do Ukraine hoàn toàn chủ động hay liệu có sự hỗ trợ của các quốc gia đồng minh NATO.

Trạm radar tại Armavir được trang bị 2 đài radar mảng pha tầm xa nhằm cảnh báo các cuộc tấn công hạt nhân. Khu vực này nằm trong khuôn viên Căn cứ Không quân Baranovsky tại Krasnodar, Krai thuộc miền nam nước Nga.

Một đài kiểm soát hướng tây nam và đài còn lại hướng về phía đông nam.  Chúng có thể phát hiện các vật thể nhỏ, thường bay thấp để tránh bị phát hiện, như tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Nga sở hữu 10 radar chiến lược để bảo vệ đất nước. Những radar này được sản xuất từ năm 2017, có tầm trinh sát 6.000km và được gọi là Voronezh-DM. Chúng được thiết kế để phát hiện tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và các cuộc tấn công từ không gian. Ngoài ra, các radar trên còn được liên kết với hệ thống phòng không S-500 mới và nhiều hệ thống phòng không khác.

Vẫn chưa rõ nguyên nhân Ukraine tấn công vào radar chiến lược của Nga, song phía Kiev cho biết các radar này đóng một vai trò lớn trong các cuộc không kích của Moscow trên lãnh thổ Ukraine. Chúng thậm chí có khả năng theo dõi hệ thống tên lửa ATACMS và tên lửa Taurus của Đức trong tương lai. Việc loại bỏ những radar sẽ khiến Nga gặp khó khăn trong việc đối phó với các tên lửa tầm xa của Ukraine.

Trong khi Ukraine xem đây là một bước đi chiến lược giúp họ cải thiện thế trận trước Nga, cùng lúc đó, nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng leo thang căng thẳng hạt nhân, đồng thời lôi kéo NATO vào cuộc chiến với Nga.

Loại vũ khí nào đã tấn công radar của Nga?

Hậu quả vụ UAV Ukraine tấn công trạm radar chiến lược của Nga

Các UAV đã di chuyển qua quãng đường 1.800km để tấn công vào radar, tức vượt xa khả năng giám sát của Ukraine, mặc dù trận địa radar có thể được định vị thông qua hình ảnh từ vệ tinh thương mại.

Ban đầu, các nguồn tin từ Ukraine khẳng định UAV nhắm vào Armavir là dòng HUR do Ukraine chế tạo. Tuy nhiên, phía Nga đã thu thập các mảnh vỡ của UAV bị bắn hạ và cho biết đây không phải sản phẩm của Kiev. Các thông tin cho thấy những UAV này là dòng Tekever AR3 do Bồ Đào Nha sản xuất. Tháng 6 năm ngoái, Bồ Đào Nha từng tuyên bố sẽ xuất khẩu dòng UAV này sau khi Anh đồng ý mua.

Việc vũ khí NATO được đưa vào sử dụng trong cuộc không kích là điểm đáng quan ngại sâu sắc, nhất là trong trường hợp Moscow quyết định trả đũa.

Cho đến nay, Nga không tiết lộ nhiều thông tin về vụ tấn công. Truyền thông Nga và các nguồn Telegram cho biết 1 UAV đã đâm vào một tòa nhà, nơi có nhiều nhân viên vận hành radar và rất có thể chứa thông tin liên lạc của lực lượng phòng không Nga. Các bức ảnh cho thấy tòa nhà này đã bị hư hại, radar dường như cũng bị hỏng.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu UAV tham gia vụ tấn công và bao nhiêu chiếc bị bắn hạ. Tuy nhiên, theo những bức ảnh từ kênh Quốc phòng Nga trên Telegram, có vẻ như ít nhất 1 hoặc 2 chiếc bị bắn hạ.

Nguy cơ leo thang căng thẳng

Đây là lần đầu tiên một cơ sở phòng thủ hạt nhân chiến lược bị tấn công, dù là ở Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Asia Times dẫn phân tích của các chuyên gia cho rằng, nếu Moscow nhận định đây là cuộc tấn công của NATO vào cơ sở hạt nhân của họ, điều này có thể khiến Moscow cân nhắc đòn đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

Vấn đề hạt nhân hiện nay cực kỳ nhạy cảm trong bối cảnh giới chức Mỹ và NATO đang tiến gần hơn đến việc cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa tập kích vào lãnh thổ Nga. Trong trường hợp kịch bản này xảy ra, Nga sẽ không thể phân biệt được tên lửa mang đầu đạn thông thường hay đầu đạn hạt nhân.

Moscow nghi ngờ Washington đang bí mật chuẩn bị kho vũ khí hạt nhân ở Đông Âu, chủ yếu ở Ba Lan và Romania. Các yêu cầu gần đây của Ba Lan về kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân của NATO trên lãnh thổ quốc gia này là một phần của việc đáp trả Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Mỹ đang lắp đặt các bệ phóng thẳng đứng MK-41 ở Romania và Ba Lan. Hệ thống này có thể bắn tên lửa phòng không hoặc phóng tên lửa hành trình Tomahawk mang đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa hành trình Tomahawk có đầu đạn thông thường, mặc dù ban đầu chúng được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. Các bệ phóng MK-41 là một phần trong tổ hợp phòng không AEGIS-Ashore của Romania và Ba Lan, các bệ phóng tương tự được sử dụng trên các tàu tuần dương và khu trục hạm AEGIS của Mỹ.

Châu Âu và Nga được bảo vệ bởi  Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung  (INF) giữa Mỹ và Liên Xô có hiệu lực từ tháng 12/1987. INF hạn chế tất cả các tên lửa có tầm bắn từ 500km đến 5.000km.

Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF khi phát triển một loại tên lửa hành trình mới với tên gọi 9M729 (NATO định danh là SSC-8), được cho là dựa trên tên lửa hải quân Kinzhal.

Nga cho biết 9M729 hoạt động dưới ngưỡng 500km, song Mỹ khẳng định họ có bằng chứng Moscow đưa ra thông tin sai lệch.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF. Sau khi Washington chính thức rút lui vào tháng 8/2019, Nga cũng ra tuyên bố tương tự ngay sau đó.

Mối lo ngại về vũ khí hạt nhân ở Đông Âu, đặc biệt là ở Ukraine, đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn chiến lược của Nga cũng như quan điểm của nước này về ý định của Mỹ và NATO.

Điều này đã được thể hiện rõ ràng vào cuối tháng 12/2021, ngay trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tổng thống Putin đã đề xuất NATO và Mỹ xem xét đưa vũ khí của họ ra khỏi Đông Âu, nhất là Ba Lan và Romania.

Theo Asia Times, Washington Post