Nguy cơ bùng nổ xung đột Nga - Mỹ từ chảo lửa Syria
(Dân trí) - Căng thẳng giữa Mỹ và Nga liên quan tới những diễn biến gần đây tại “chảo lửa” Syria đang đặt ra nhiều lo ngại về nguy cơ xảy ra đối đầu trực diện, thậm chí là cuộc chiến quân sự, giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Tổng thống Donald Trump ngày 9/4 tuyên bố Mỹ sẽ đưa ra quyết định về biện pháp đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma ở Đông Ghouta, Syria trong vòng 24-48 giờ. Chính quyền Trump cho rằng lực lượng chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga đã gây ra vụ tấn công khiến ít nhất 70 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Trong khi Moscow và Damascus bác bỏ mọi cáo buộc, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo sẽ hành động cứng rắn, thậm chí không loại trừ phương án tấn công quân sự nhằm vào Syria.
“Nếu đó là Nga, nếu đó là Syria, nếu đó là Iran, nếu đó là cả 3 nước này hợp lại, chúng ta cũng sẽ giải quyết”, Tổng thống Trump cảnh báo.
Khi được hỏi liệu Nga có phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công nghi bằng vũ khí hóa học tại Syria hay không, ông Trump nói: “Ông ấy (Tổng thống Nga Vladimir Putin) có thể phải chịu trách nhiệm. Và nếu ông ấy thực sự làm vậy, biện pháp đối với ông ấy sẽ rất cứng rắn. Tất cả mọi người đều phải trả giá. Ông ấy (Putin) cũng phải trả giá”.
Nguy cơ đối đầu Nga - Mỹ
Những tiếng nói “diều hâu” nhất tại Mỹ đang kêu gọi Tổng thống Trump phát lệnh can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Mỹ bây giờ là có quá nhiều lực lượng quân sự của các nước đang tham chiến ở cự ly rất gần nhau tại “chảo lửa” Syria, bao gồm cả lực lượng Nga. Điều đó đồng nghĩa với việc, trừ khi Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đương đầu với Nga trong một cuộc xung đột vốn rất dễ vượt khỏi tầm kiểm soát, còn không các lực lượng quân sự của Mỹ phải rất cẩn thận nếu không muốn gây bất kỳ thương vong nào cho các lực lượng Nga tại chiến trường Syria.
Nga từng tuyên bố rằng nước này sẽ có biện pháp đáp trả nếu lực lượng quân sự của họ bị tấn công. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định “việc núp dưới những cái cớ bịa đặt và giả tạo để can thiệp quân sự vào Syria, nơi các lực lượng Nga được triển khai theo đề nghị của chính phủ hợp pháp, là hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được và có thể dẫn tới những hậu quả khủng khiếp”.
Phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Tổng thống Trump sau khoảng thời gian 24-48 giờ như ông tuyên bố, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với cuộc đối đầu nguy hiểm nhất giữa hai cường quốc kể từ sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Cuộc đối đầu này có thể dẫn tới một thảm họa thực sự là cuộc chiến nảy lửa giữa Nga và Mỹ, hoặc có thể trở thành một bài học kinh nghiệm cho các bên để tránh xảy ra các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
Tổng tham mưu trưởng các lực lượng quân sự Nga, Tướng Valery Gerasimov, từng nói “nếu mạng sống của các sĩ quan Nga bị đe dọa, lực lượng vũ trang Liên bang Nga sẽ đáp trả” và mục tiêu đáp trả chính là các hệ thống phóng tên lửa và tên lửa.
Theo giới phân tích, nếu các lực lượng quân sự của Nga bị tổn thương trong các cuộc không kích do Mỹ và đồng minh tiến hành, Moscow sẽ đáp trả bằng vũ lực.
“Nếu các lực lượng Nga bị tấn công, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến tranh”, Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và châu Âu thuộc Trường Kinh tế Cấp cao Moscow nói với National Interest.
Mỹ - Nga sẽ đối đầu ra sao?
Hiện chưa rõ ý định của chính quyền Tổng thống Trump sẽ làm gì nếu quyết định tấn công quân sự Syria, song một “lằn ranh” mà Washington phải vô cùng cẩn trọng đó là tránh tấn công các lực lượng của Nga.
“Tôi chắc chắn rằng (Mỹ) sẽ phải rất cẩn trọng để tấn công chính xác các mục tiêu. Có rất nhiều cách để có thể tấn công chính xác mục tiêu, bao gồm phóng tên lửa hành trình từ trên không hoặc trên biển hay triển khai máy bay chiến đấu xâm nhập (Syria)”, Mark Gunzinger, cựu phi công lái máy bay B-52 của Không quân Mỹ, cho biết.
Mỹ có thể sử dụng các vũ khí tấn công tầm xa được trang bị công nghệ dẫn đường chính xác như các tên lửa hành trình tấn công Tomahawk của Hải quân hay tên lửa hành trình AGM-86C được trang bị trên máy bay B-52 của Không quân để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Syria nhằm giảm bớt nguy cơ cho các phi công trước mối đe dọa từ các tên lửa đất đối không.
Hơn nữa, do tên lửa hành trình bay ở tầm cực thấp và bám theo địa hình để tránh “tầm mắt” của radar mặt đất nên ngay cả những hệ thống phòng không uy lực được Nga triển khai tại Syria như S-400 hay S-300V4 cũng khó có thể phát hiện các tên lửa đang bay tới, trừ khi chúng bị tấn công trực tiếp.
Ngoài ra, Mỹ cũng có thể sử dụng các máy bay tàng hình như B-2 Spirit của Northrop Grumman và F-22 Raptor của Lockheed Martin để tấn công các mục tiêu tại Syria. Mặc dù Nga có khả năng phát hiện các máy bay tàng hình của Mỹ, song Moscow được cho là chưa đủ năng lực để đánh chặn các máy bay này bằng các hệ thống phòng không. Trong khi đó, lợi thế của các máy bay tàng hình này là được trang bị những cảm biến có độ phân giải cao và mang theo nhiều loại vũ khí.
Các chuyên gia cho rằng các lực lượng quân sự Nga đủ khả năng tấn công đáp trả các căn cứ của Mỹ và đồng minh, không chỉ ở Trung Đông mà còn trên cả châu Âu. Các vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa như các tên lửa hành trình Kalibr được trang bị trên tàu nổi và tàu ngầm, hay tên lửa hành trình phóng từ trên không X-101 được trang bị trên các máy bay ném bom chiến lược như Tupolev Tu-95 Bear và Tu-160 Blackjack, là những vũ khí có thể giúp Nga đẩy lùi các cuộc tấn công của Mỹ trong khu vực.
Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi mâu thuẫn giữa các cường quốc hạt nhân nổ ra là cuộc xung đột này chắc chắn sẽ leo thang và vượt khỏi tầm kiểm soát, từ đó dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực. Chuyên gia Kashin nhận định cuộc xung đột giữa Nga và Mỹ rất có thể bị mất kiểm soát như vậy.
Thành Đạt
Theo National Interest