1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nguy cơ Biển Đông trở thành "đấu trường" giữa Mỹ và Trung Quốc?

Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang biến khu vực này thành “đấu trường” trong cạnh tranh quân sự và chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mới đây, ngày 18/4, Truyền thông quốc tế dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, Hải quân nước này ngày 17/4 đã cử một máy bay quân sự hạ cánh trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, với lý do là đưa ba công nhân bị bệnh về thành phố Tam Á, đảo Hải Nam để điều trị. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai thừa nhận hoạt động của máy bay quân sự tại vùng biển tranh chấp này.

Chỉ một ngày sau đó, ngày 18/4 quân đội Mỹ lên tiếng bày tỏ sự phản đối của họ đối với động thái này của Trung Quốc. CNN dẫn lời Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Đại úy Jeff Davis nói rằng: “Không rõ vì sao Trung Quốc lại sử dụng máy bay quân sự chứ không phải là máy bay dân sự?”

Mỹ phản đối Trung Quốc cho hạ cánh máy bay phản lực quân sự xuống đá Chữ Thập tại Trường Sa.
Mỹ phản đối Trung Quốc cho hạ cánh máy bay phản lực quân sự xuống đá Chữ Thập tại Trường Sa.

Động thái của Trung Quốc khiến cho dư luận quốc tế quan ngại khả năng Bắc Kinh có thể đặt các máy bay chiến đấu thường trực trên đảo nhân tạo mà họ bồi lấp trái phép ở Biển Đông.

Căng thẳng leo thang và cuộc tập trận chung Mỹ- Philippines

Biển Đông dường như đang dậy sóng, với mối quan hệ căng thẳng ngày càng leo thang giữa một bên là Trung Quốc, và bên kia là các nước láng giềng nhỏ yếu hơn. Mối quan hệ căng thẳng giữa các bên nảy sinh xung quanh tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, rạn san hô, bãi đá ở vùng biển giàu tài nguyên này.

Trong bối cảnh đó, Philippines và Mỹ bắt đầu một cuộc tập trận chung Balikatan ở Biển Đông kéo dài 11 ngày, từ 4/4 đến ngày 15/4. Mỹ đã điều 55 máy bay quân sự tham gia cuộc tập trận trong khi Philippines điều các máy bay mà nước này vừa mua.

Tại Llễ bế mạc cuộc tập trận chung ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu rằng, đây là lần đầu tiên tàu Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông với Philippines - một động thái khá hiếm hoi, không thực hiện với nhiều đối tác khác trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter duyệt đội danh dự Philippines khi ông tham gia Lế bế mạc cuộc tập trận chung Mỹ- Philippines, ngày 15/4 (Ảnh AP).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter duyệt đội danh dự Philippines khi ông tham gia Lế bế mạc cuộc tập trận chung Mỹ- Philippines, ngày 15/4 (Ảnh AP).

Lầu Năm Góc cũng cho biết rằng gần 300 lính Mỹ, bao gồm cả lính không quân được trang bị máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng, sẽ vẫn ở lại Philippines, khi cuộc tập trận chung hàng năm kết thúc.

Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ và cáo buộc hai nước quân sự hóa khu vực.

AP nhận định, việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo đảo và xây dựng trái phép các sân bay, trạm radar và Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra nhằm duy trì an ninh hàng hải ở vùng biển quốc tế, nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đã gây ra mối quan ngại rằng Biển Đông có thể trở thành một điểm nóng giữa 2 bên.

Chiến lược của Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông

Theo Tạp chí Foreign Affairs, Chiến lược của Trung Quốc là tập trung nâng cao sức mạnh quân sự mang tính chiến thuật, xây dựng một loạt công trình, thậm chí không loại trừ khả năng tuyên bố Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ). Bài báo trên Tạp chí Foreign Affairs viết, “Trung Quốc duy trì chiến lược không tạo ra xung đột toàn diện và triển khai ở các thời điểm, các vị trí phù hợp để tránh sự phản ứng quá dữ dội”.

Tạp chí này phân tích, Trung Quốc tiến hành các hoạt động khiêu khích theo “từng đoạn ngắn”, theo phương thức “thái lát thịt nguội” dần dần, và nhận định: “Cách thức này mang lại thành công ngắn hạn cho Trung Quốc, tuy nhiên để lại hệ quả về uy tín đối ngoại và hình ảnh trên trường quốc tế”.

Trong khi đó, bài báo trên Tạp chí Foreign nhận định, chiến lược của Mỹ là duy trì sự cân bằng chính trị ở khu vực đối với các lợi ích của Mỹ, xây dựng các đồng minh: “Trung Quốc gia tăng lợi thế về hiện diện quân sự, còn Mỹ có lợi thế về ảnh hưởng chính trị ở khu vực nhằm chống lại những hành động hung hăng của Trung Quốc”.

Ngày 15/4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tàu sân bay USS John C. Stennis đi tuần tra Biển Đông. Đây là lần thứ 2 trong vòng 5 tháng qua người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ đã có chuyến đi thị sát trên biển như vậy.

Phát biểu trên tàu USS Stennis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, Mỹ vẫn mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận lớn, đa quốc gia tại Thái Bình Dương (RIMPAC) ngoài khơi Hawaii vào tháng 6 và tháng 7 tới. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, lý do cho sự hiện diện của Mỹ tại khu vực là do những hành động của Trung Quốc trong thời gian vừa qua và đó là “vấn đề về cách cư xử của Trung Quốc”.

Chuyến đi lên tàu USS Stennis của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là một trong những biểu hiện công khai nhất gần đây trong quyết tâm đóng vai trò giữ gìn an ninh trong vùng biển châu Á- Thái Bình Dương. Ông Carter cho biết thông điệp trong chuyến thăm tàu là Mỹ “muốn tiếp tục đóng vai trò gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực”.

Trong chuyến thăm châu Á 6 ngày vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tái khẳng định rằng, chiến lược của Mỹ nhằm vào việc duy trì hòa bình và giải quyết trên cơ sở luật pháp đối với các tranh chấp, chứ không khiêu khích một cuộc đụng độ giữa các cường quốc./.

Theo Bích Đào/VOV.VN