1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Người vô hình” - Trùm tình báo huyền thoại Đức qua đời

Markus Wolf, điệp viên siêu hạng của CHDC Đức, người mà lòng can đảm và ngón nghề tuyệt khéo của ông từng trở thành huyền thoại thời Chiến tranh Lạnh, vừa qua đời hôm thứ năm ở Berlin, thọ 83 tuổi.

Ông nổi tiếng với biệt danh "người vô hình", bởi trong hàng chục năm các cơ quan phản gián phương Tây không thể có được thậm chí chỉ một tấm ảnh của ông.

Wolf đã sống lặng lẽ ở thủ đô Đức kể từ năm 1997, sau khi phải gánh chịu một vài đòn trừng phạt vì làm gián điệp chống Tây Đức. Ông đã chịu một án 2 năm tù treo.

Trong suốt 34 năm, Wolf đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài thuộc Bộ An ninh quốc gia của Đông Đức, cơ quan này có tên là Stasi. Ông điều hành một mạng lưới 4.000 điệp viên xâm nhập vào các trụ sở của NATO và chính phủ Tây Đức, thậm chí còn hạ bệ cả một thủ tướng - ông Willy Brandt. Wolf thực ra không trực tiếp phụ trách mảng công việc quan trọng khác của Stasi là giám sát người dân Đông Đức, nhưng nhiều người chỉ trích ông vẫn cho là như vậy.

Cao ráo, khéo léo tinh tế, luôn ăn mặc thanh lịch không chê vào đâu được, Wolf là hình ảnh tương phản với các công chức Đông Đức khi đó. Người ta đồn rằng ông chính là khuôn mẫu cho nhân vật Karla, điệp viên siêu đẳng trong các tiểu thuyết của John le Carre. Nhưng tác giả vẫn thường phủ nhận điều đó.

Một trong các ngón nghề của Wolf là "phương pháp Romeo", tung các điệp viên trẻ và đẹp trai tới tán tỉnh các cô thư ký độc thân ở Bonn - thủ đô của Tây Đức, nhằm tiếp cận những tài liệu mật của sếp các cô. Một số "điệp vụ tình ái" như vậy đã đưa đến những cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng đa số chấm dứt với những cảm giác lừa lọc và những trái tim tan vỡ.

Việc một trong các điệp viên của Wolf, Günter Guillaume, đã leo lên cao đến mức làm trợ lý cho thủ tướng Tây Đức khi đó là ông Brandt, khiến ông này mất chức. Brandt là nhà lãnh đạo từng làm nhiều nhất để tiến tới hòa giải với Đông Đức, so với các nhà lãnh đạo ở Bonn.

Wolf tăng thêm màu sắc cho huyền thoại xung quanh sự nghiệp của ông bằng việc xuất bản một cuốn hồi ký năm 1997. Tuy nhiên ông phải đối mặt với sự nghi kỵ của người đời, rằng ông đã đứng nhầm bên trong thời kỳ chia rẽ của nước Đức.

Wolf thừa nhận sự không rõ ràng về khía cạnh đạo đức của vai trò chỉ huy mạng lưới điệp viên, nhưng nói rằng đó là do hoàn cảnh cấp bách ở thời điểm cũng như nghề nghiệp của ông.

"Người ta có thể như vậy ở những thời điểm mà mục đích biện hộ cho phương tiện", ông nói trong chương trình của CNN năm 1998, "đó là thời Chiến tranh Lạnh".

"Khó có thể nói đơn giản không là không. Thực tế không đơn giản như vậy. Trong nghề tình báo, người ta không thể dùng những thước đo đạo đức thông thường".

Sinh năm 1923 tại Hechingen, miền tây nam nước Đức, Wolf và gia đình ông bị buộc phải chạy trốn suốt một thập kỷ để tránh nạn phát xít. Đầu tiên họ đến Thụy Sĩ và sau đó là Matxcơva. Cha của ông, Friedrich Wolf, là người Do Thái làm nghề bác sĩ kiêm nhà văn và là đảng viên Đảng Cộng sản Đức.

Tại Liên Xô, Wolf được học ở các trường đặc biệt và sau đó gia nhập Comintern, nơi ông được huấn luyện để làm các hoạt động bí mật. Sau Thế chiến II, Wolf tới khu vực do quân đội Liên Xô kiểm soát ở Berlin để làm phóng viên đài phát thanh. Một trong số các tin mà Wolf từng đưa là về phiên tòa Nuremberg.

"Điều ăn sâu trong tính cách của tôi là nếu đảng yêu cầu điều gì, tôi sẽ tuân mệnh", ông viết trong hồi ký mang tựa đề "Người Vô hình" xuất bản năm 1997. "Họ nói 'Nhảy" thì chúng tôi hỏi 'Cao bao nhiêu?'".

Sau một thời gian ngắn làm nhân viên ngoại giao ở Matxcơva, Wolf trở về và tham gia việc thành lập Cơ quan tình báo nước ngoài của Đông Đức năm 1951. Vài năm sau, ông trở thành người lãnh đạo của cơ quan này và đã chứng tỏ lòng trung thành với nhà nước Đông Đức bằng tài trí của mình.

Thời đó, Tây Đức - với tiềm lực kinh tế mạnh và sự hậu thuẫn quân sự của khối NATO - là mối ám ảnh khôn nguôi với Đông Đức. Wolf liên tiếp tung các điệp viên của mình đi săn tìm thông tin về các kế hoạch của Bonn.

Wolf mua chuộc các chính trị gia và doanh nhân bằng sex và tiền. Ông "xoay" các điệp viên Tây Đức, đưa họ trở lại do thám chính các sếp ở Bonn. Một trong các điệp viên của ông, tên là Rainer Rupp và bí danh là Topaz, đã làm việc 25 năm ở tổng hành dinh NATO, cho mãi đến năm 1993 mới bị "bóc vỏ".

Một trong những thất bại của ông là việc điệp viên Werner Stiller phản bội, cung cấp phim chụp của hơn 20.000 trang tài liệu cho người Tây Đức, đồng thời công khai những nét phác thảo đầu tiên về "người vô hình" cho phía bên kia.

Sự ra đi của Willy Brandt có thể coi là một trong những sự đổ vỡ cho sự nghiệp của Wolf, bởi chính sách bình thường hóa quan hệ của Brandt là một cơ hội quan trọng đối với Đông Đức. Về sau này, Wolf cho biết ông rất tiếc vì sự kiện đó. Tuy nhiên, do lãnh đạo đảng Cộng sản Đức Erich Honecker vẫn nghi ngờ đề nghị đàm phán của Brandt, nên vụ việc không để lại nhiều hậu quả cho sự nghiệp của Wolf.

Wolf luôn giữ khoảng cách và phân biệt giữa công việc của ông với của Stasi. Những năm sau này, ông công khai bày tỏ sự không bằng lòng với lãnh đạo của Stasi - Erich Mielke.

Vào những năm 1980, Wolf kêu gọi cải cách chế độ trong một cuộc mít tinh, nhưng chỉ có ít người tỏ ra tin tưởng vào điệp viên lâu năm này.

Trong cuốn hồi ký của mình, Wolf viết rằng vào tháng 5/1990, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, CIA đã cử một phái viên đến nhà nghỉ mùa hè của cựu trùm tình báo Đông Đức với lời đề nghị cho ông một chốn định cư an toàn nếu ông tiết lộ thông tin về các đồng nghiệp cũ. Wolf từ chối.

Sự kiện này khiến Washington về sau từ chối mọi đơn xin cấp visa của Wolf.

Năm 1993, một tòa án ở Düsseldorf tuyên 6 năm tù đối với Wolf vì tội danh phản bội. Tòa phúc thẩm bác bỏ bản án này và chỉ ra rằng Wolf đã hành động vì chủ quyền quốc gia trong quãng thời gian ông làm trùm tình báo. Sau đó Wolf bị kết một án nhẹ hơn vì tội ra lệnh thực hiện các vụ bắt cóc phi pháp.

Vốn ẩn mình nhiều năm trong suốt quãng đời làm tình báo, Wolf bước vào cuộc sống nghỉ hưu với đôi chút ồn ào hơn. Ông viết một cuốn sách về ẩm thực mang tên "Bí quyết nấu món Nga", và hợp tác với một biên tập viên cho ra mắt hồi ký.

"Viết nên câu chuyện thật, đầy đủ và đầy bí ẩn của Markus Wolf thực sự là một thử thách về nghề nghiệp", biên tập viên Peter Osnos, người chấp bút cuốn sách, phát biểu. "Vũ khí duy nhất mà tôi có, đấy là ông ấy cần tiền".

Hồi ký của Wolf chắc chắn không phải là lời xưng tội. Có rất nhiều điều ông không tiết lộ và giờ đây đã theo ông xuống mồ.

"Với nhiều người", Osnos bình luận, "Chiến tranh Lạnh là một cuộc chơi, và ông ấy đã chơi cực giỏi".

T. Huyền Theo Vnexpress/ IHT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm