1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Việt tại Nga: "Nằm im" đợi vụ xuân hè

Nhiều người Việt tại Nga cho rằng, trong tháng một tháng hai, đủ ăn đủ tiêu đã là thành công lớn. Thời điểm này không ít người “nằm im” chờ đợi tháng ba, tháng vào vụ xuân hè.

Người Việt tại Nga: Nằm im đợi vụ xuân hè

Người Việt tại Nga đang tìm mọi cách vượt qua tháng một tháng hai (hai tháng được cho là chỉ có chi chứ không có thu). Trong ảnh, một cửa hàng của người Việt đang giảm giá các mặt hàng áo ấm, tất cả đồng giá 1500 Rúp.

Khó cho người chưa “vào guồng”
Thuật ngữ “vào guồng” được sử dụng trong hoàn cảnh người đi buôn đã quen được chủ hàng lớn và cũng có một số lượng khách nhất định. Hàng hóa được gửi về liên tục, mẫu nào không bán được thì gửi trả lại. Nếu “vào guồng” thì hàng hóa tiêu thụ rất lẹ và cũng nhanh ra lãi.

Anh Mai Văn Sơn, một tiểu thương buôn bán tại TTTM Ostuzheva 47, Voronezh cho biết, sang năm mới, người dân Nga sẽ phải suy nghĩ, cân nhắc để chi tiêu. Tất cả các mặt hàng sẽ tăng giá, trong khi đó khả năng tiền lương của họ không tăng nhiều, tức là nhu cầu ăn mặc của họ sẽ giảm đi.

Anh Sơn cũng đồng tình với nhiều người đang buôn bán tại đây rằng, cuối năm vừa rồi ở Nga còn tiêu thụ các mặt hàng cũ nên giá cả tạm thời chưa bị ảnh hưởng, nhưng sắp tới giá cả sẽ thay đổi chóng mặt.

Người Việt tại Voronezh cũng lường trước được những khó khăn phía trước. Đa số đều nhận định, với tình hình này, lãi suất làm ra chắc chắn sẽ giảm để có thể cạnh tranh.

Anh Sơn đưa ra ví dụ, cái áo cái mũ trước được vài ba trăm Rúp, giờ phải bán rẻ đi, vì mình không bán thì người ta cũng bán. Hơn nữa, mình phải bán vì vừa để thoát hàng, vừa lấy tiền về lo chi phí ăn uống và nhập hàng mới.

Buôn bán tại TTTM Ostuzheva 47, Voronezh, Anh Nguyễn Mạnh (quê Nghệ An) cũng cho biết: “Với tình hình giá cả và kinh tế không ổn định như này, nhu cầu tiêu dùng của người Nga sẽ giảm trong năm nay. Hồi trước ví dụ 5 ngàn Rúp người ta có thể mua đc 5 thứ đồ, giờ chỉ đc tầm 2 đến 3 thứ”.

Anh Sơn cho hay, sắp tới, đợt tháng ba là bắt đầu vào vụ xuân hè, nếu như trước, ví dụ chỉ cần 300 ngàn Rúp để lấy hàng về thì giờ phải cần 700 ngàn. Đặc biệt với những người đang làm giấy tờ để hợp pháp hóa việc làm ăn buôn bán bên này thì còn vất vả hơn nhiều vì giá cả cũng tăng cao.

Một số chủ nhà người Nga cũng đã thông báo tăng giá thuê nhà. Theo lời anh Mai Sơn, vài người bạn của anh cũng rục rịch chuyển nhà vì không thể ở tiếp với giá mới mà người ta yêu cầu. Bản thân anh Sơn cũng đang lo lắng không biết tiền nhà tháng này của gia đình anh có tăng không.

Lạc quan và trông chờ may mắn

Ngoài việc tự phát huy nội lực thì nhiều người ở đây, trong đó có anh Nguyễn Mạnh, cho rằng, thời gian tới rất cần những người mà như lời anh Mạnh nói, là những “đại gia” đứng ra giúp đỡ.

Anh Đỗ Sơn, một tiểu thương có 5 năm làm ăn tại Voronezh nhận định, dự báo nhiều khó khăn nhưng đến đâu mình hay đến đấy. Người Việt mình quen thích nghi rồi, thích nghi rất tốt là đằng khác. Lo lắng là tâm lý thôi, còn vẫn phải lạc quan.

Người Việt tại Nga: Nằm im đợi vụ xuân hè

Một tiểu thương đang cào tuyết trên mái vào ngày 04/01/2015. Trước đó, bão tuyết tại Voronezh khiến nhiều tiểu thương không thể mở cửa bán hàng.

"Tháng một tháng hai nói chung là chỉ có chi chứ không có thu vào. Với những người có tiền, hai tháng này có thể nghỉ ngơi đôi chút, còn với những người đang khó khăn, lo chi tiêu cho đủ cũng mệt lắm rồi.
Ví dụ, với một gia đình gồm 3 người (2 vợ chồng anh Sơn và mẹ chồng), thuê 2 chỗ bán hàng, chỉ có ăn với ngủ, không tiêu pha gì thì chi phí khoảng 150 ngàn Rúp/tháng (tương đương gần 3 ngàn Đô-la)". 

Dù vậy, anh Sơn hay nhiều người khác vẫn thừa nhận, trong hoàn cảnh hiện tại, nhiều người kinh tế yếu, và không đủ lực để vượt qua nếu không có trợ giúp của những người xung quanh.

“Mức độ giúp đỡ như nào phụ thuộc vào mối quan hệ của mỗi người. Điều quan trọng là trong cộng đồng người Việt tại Voronezh, tình người vẫn rất được coi trọng”, anh Đỗ Sơn cho biết.

Ai cũng đã từng nhận sự giúp đỡ, kể cả những người giờ đã rất vững về kinh tế. Anh Sơn kể rằng, nhiều người giờ giàu sang, xe cộ nhà cửa đàng hoàng vẫn thừa nhận rằng, trước kia, nếu không có ít tiền của người này, ít của người kia, thì họ sẽ không có được như ngày hôm nay.

"Với những người đã trải qua những khó khăn và được trợ giúp như vậy, tất nhiên là họ sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khác xứng đáng nhận được sự giúp đỡ. Điều đặc biệt từ trước đến giờ là người về đây thì nhiều nhưng bỏ Voronezh mà đi thì rất ít”, anh Sơn khẳng định.

Theo Thanh Thể
Pháp luật TP.HCM