1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Người Việt đầu tiên mở nhà máy robot trên đất Canada

Rời quê hương từ năm 1985, giờ đây, ở độ tuổi trung niên, anh Đỗ Hải Dương đã là Chủ tịch Công ty Electroservo, công ty robot đầu tiên và duy nhất của người VN tại Canada.

Hơn 30 năm trước, một chàng trai trẻ 17 tuổi, không được vào ĐH dù học rất giỏi và thông minh, bắt đầu sự nghiệp từ những chiếc radio tự chế. Sau đó là đủ thứ nghề đầy vất vả, trần ai để mưu sinh...

 

Ngành chế tạo máy bang Ontario, Canada, đang phải trải qua những ngày tháng khó khăn do tác động từ sự lên giá của đồng đôla Canada và nhiều yếu tố cạnh tranh khác. Bất chấp tình trạng khó khăn chung, Công ty Electroservo vẫn ăn nên làm ra với những khách hàng trung thành. Khá nhiều trong số đó là các tập đoàn sản xuất linh kiện ôtô lớn của Canada như Magna, Thyssen-Krupp, Michelin…

 

Người đứng sau sự thành công đáng nể đó là anh Đỗ Hải Dương, một người Việt.

 

Trả lời câu hỏi: "Ông có lời khuyên gì đối với những người mới đến Canada và muốn bắt đầu công việc kinh doanh?" của tờ The Record, anh Hải Dương trả lời: "Hãy cho mọi người thấy bạn có thể làm gì, chứ không phải là nói gì. Khi khách hàng gặp một vấn đề, tôi chứng minh cho họ rằng tôi có thể giải quyết vấn đề đó, và tôi thực hiện ngay lập tức".  

Là con trai thứ 9 trong một gia đình trí thức tư sản tại Hà Nội, anh Hải Dương lớn lên tại thành phố cảng Hải Phòng. Khi còn nhỏ, do hoàn cảnh khó khăn, anh cùng các anh em phải đi bán hàng rong ngoài vỉa hè phụ giúp gia đình. Tốt nghiệp trung học với điểm cao nhưng không được vào đại học, anh tận dụng thời gian rảnh rỗi mày mò chế tạo radio.

 

Sản phẩm của anh đặc biệt ở chỗ các bộ phận như thiết bị bán dẫn được lấy từ xác máy bay Mỹ bị quân dân miền Bắc bắn rơi trong chiến tranh. Anh bắt đầu bán những chiếc radio độc đáo đó và bán rất chạy. “Đó cũng là những ngày đầu tiên tôi chập chững đến với ngành điện tử” - anh kể.

 

Để kiếm sống, anh còn làm thêm cả những công việc vất vả như cạo gỉ tàu thủy, quay mì sợi. Sau đó, anh theo học nghề thợ điện rồi làm công nhân cho một nhà máy điện. Thấy anh làm việc tốt, có nhiều sáng kiến, nhà máy cử anh đi học ĐH Bách khoa. Khi tốt nghiệp, cũng là lúc anh giữ bậc lương thợ điện 5/7 khi tuổi đời còn khá trẻ. “Dạo đó, TV ở ngoài Bắc tràn ngập từ miền Nam mang về. Tôi sửa chữa TV để kiếm thêm thu nhập. Cũng không nhiều nhặn gì, nhưng tôi rất say mê công việc”.

 

Đến Canada từ năm 1985, anh cũng khởi điểm từ nghề thợ điện tại khu Guelph và nhanh chóng nổi tiếng ở các nhà máy nhờ tài sửa chữa máy móc. “Lần đó, một robot trong nhà máy bị trục trặc và các kỹ sư tập trung lại để tìm cách sửa chữa”. Chỉ là một thợ điện nhưng anh cũng được mời đến cuộc họp. Tuy vậy, anh không xuất hiện, và khi cuộc họp kết thúc, “họ (các kỹ sư) vô cùng kinh ngạc khi thấy tôi đã sửa xong robot từ bao giờ” - anh cười nhẹ, hồi tưởng quá khứ.

 

Sau gần bốn năm ở Canada, anh được công ty cử sang Mỹ lắp ráp dây chuyền sản xuất cho một công ty chế tạo thiết bị ôtô. Ngày đó, ban lãnh đạo nhà máy yêu cầu anh giấu danh tính và quốc tịch VN, bởi người tiếp xúc phía đối tác là một cựu chiến binh Mỹ tại VN, luôn bị ám ảnh bởi cuộc chiến.

 

Công việc diễn ra vô cùng tốt đẹp. Hôm đó, đúng lúc anh cho dây chuyền chạy thử, một phái đoàn Công ty ôtô Nhật Nissan đến thăm. Mọi người tập trung xem chiếc máy tự động đưa các tấm thép vào máy dập. “Máy chạy rất ngon lành, ông người Mỹ đó sung sướng quá, ôm chầm lấy tôi”. Đến lúc đó, anh mới nói: “Tôi là người VN”.

 

Sau đó, khi vẫn còn là thợ điện tự động hóa, anh nộp đơn vào ĐH Toledo, bang Ohio, Mỹ thi vào chương trình Professional Engineers (kỹ sư chuyên nghiệp) và được nhận. Năm 1993, vừa tốt nghiệp, anh đã được mời vào làm thành viên Hội Các nhà kỹ sư chuyên nghiệp Mỹ (National Society of Professional Engineers).

 

Về Canada, anh bắt đầu mở Electroservo, cho dù vẫn còn là nhân viên của Công ty sản xuất linh kiện ôtô Thyssen-Krupp. Mãi đến năm 1999, anh mới tập trung toàn bộ sức lực vào doanh nghiệp của riêng mình. Electroservo hiện tọa lạc trên diện tích hơn 3.000 m2 trong Khu công nghiệp Trillium Business Park tại thành phố Kitchener, bang Ontario, Canada. Đây là công ty chuyên sửa chữa, mua bán các loại robot và thiết kế dây chuyền tự động đi kèm với robot cho các nhà sản xuất công nghiệp.

 

Anh đang mở rộng thị trường ra Bắc Mỹ và cả các nước châu Á. Tháng 6 vừa qua, anh về VN để tìm hiểu thị trường, với mục đích muốn phát triển hoạt động kinh doanh tại quê hương. “Các doanh nghiệp sản xuất tại VN có nhu cầu rất lớn về dây chuyền tự động hóa, tuy nhiên chi phí để mua robot mới sẽ là quá đắt đối với họ”. Anh tâm sự nếu công việc kinh doanh tại VN tốt đẹp, anh sẽ trở về định cư ở quê hương. “Đi đông đi tây thì cũng không đâu bằng quê hương mình”.

 

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm