Người Việt chạy trốn núi lửa ở Bali
Để rời Bali hiện nay, chỉ còn cách đi đường bộ đến Surabaya - nơi gần nhất có sân bay còn an toàn là Juanda.
Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều 28-11, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn cho biết 40 người Việt - gồm 11 nhóm, chủ yếu là các gia đình đi du lịch - hiện vẫn bị kẹt lại trên đảo Bali do ảnh hưởng của việc núi lửa Agung sắp phun trào, khiến sân bay quốc tế Ngurah Rai đóng cửa.
Ông Nguyễn Thanh Giang, phụ trách công tác lãnh sự Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Indonesia, cho biết các nhóm này đã gọi điện thoại vào đường dây nóng của ĐSQ và đã được hướng dẫn 2 cách nhanh nhất để rời Bali trở về Việt Nam.
Cách nhanh nhất là đi phà sang Lombok - một hòn đảo du lịch lân cận của Bali, mất khoảng 3-4 giờ để đến được sân bay quốc tế Lombok. Tuy nhiên, từ sáng sớm 28-11, sân bay này cũng đã phải đóng cửa do khói bụi của núi lửa. Vì vậy, để rời Bali hiện nay, chỉ còn cách đi đường bộ đến Surabaya, nơi gần nhất có sân bay còn an toàn là Juanda. Du khách có thể đi xe buýt từ sân bay Ngurah Rai đến sân bay Juanda, với giá thông báo là 300.000 rupiah, sau đó bay đến các nơi khác.
Trước đó, ĐSQ cũng đã hướng dẫn nhóm 7 du khách Việt Nam rời khỏi Bali an toàn bằng đường bộ. Nhóm du khách này đã thuê xe chạy xuyên đêm từ Bali tới Surabaya, sau đó đáp chuyến bay tới Jakarta vào tối 27-11. Tới ngày 28-11, nhóm 7 người này lên chuyến bay từ thủ đô Jakarta về Hà Nội.
Hiện chưa có thông tin đầy đủ có bao nhiêu người Việt cần giải cứu ở Bali, hòn đảo du lịch cách Jakarta khoảng 2.000 km. Cán bộ ĐSQ khó tiếp cận hoặc di chuyển xuống Bali do sân bay quốc tế đóng cửa. Theo thông tin từ chính phủ Indonesia, Bali hỗ trợ miễn phí khách sạn một đêm cho du khách bị kẹt tại đây.
Trong khi đó, các cư dân trên đảo Bali sống gần núi lửa Agung được khuyến cáo sơ tán càng sớm càng tốt. Theo đài CNN, khoảng 30.000 người đã rời khỏi khu vực quanh Agung kể từ khi ngọn núi lửa bắt đầu phun ra những cột tro khói cao đến hơn 9.000 m.
Người dân sơ tán khẩn cấp đến khu trú ẩn tạm thời ở làng Rendang trên đảo Bali - Indonesia sau khi núi lửa Agung phun tro bụi (ảnh dưới) Ảnh: REUTERS
Theo ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan Ứng phó thiên tai Indonesia (BNPB), hoạt động địa chất xung quanh Agung gia tăng cho thấy nguy cơ sớm xảy ra đợt phun trào lớn. BNPB duy trì mức cảnh báo cấp 4 ngày 28-11 và cấm mọi hoạt động trong phạm vi cách núi lửa 10 km. BNPB cho biết có đến 100.000 người sống trong khu vực nguy hiểm cần sơ tán khẩn cấp nhưng lực lượng cứu hộ vấp phải sự kháng cự từ người dân. Nhiều người cố thủ trong nhà mình để bảo vệ vườn tược và gia cầm.
Tất cả chuyến bay tại sân bay Ngurah Rai tiếp tục bị hoãn đến sáng 29-11, khiến gần 60.000 du khách trong và ngoài nước bị mắc kẹt. Theo BNPB, các cuộc đánh giá về quyết định tiếp tục đóng cửa sân bay hay không sẽ được đưa ra mỗi 6 giờ. Các hãng hàng không đang đối mặt nguy cơ thất thu hàng triệu USD/ngày do núi lửa Agung. Cũng vì núi lửa mà nhiều chuyến bay đến và khởi hành từ Bali bị hủy bỏ ít nhất 6 lần trong 3 năm qua, mỗi lần kéo dài nhiều ngày.
Theo Reuters, các hãng hàng không thường tránh hoạt động ở khu vực có tro núi lửa bởi chúng có thể làm tắc nghẽn các hệ thống nhiên liệu và làm mát của máy bay, cản trở tầm nhìn của phi công, thậm chí gây hỏng động cơ. Núi lửa khi thức tỉnh sẽ phun tro và các hạt nhỏ.
Các hạt này tan chảy khi gặp nhiệt độ cao trong động cơ và đông lại thành lớp thủy tinh trong hệ thống làm mát của máy bay. Điển hình là vào năm 1982, một chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không British Airways (Anh) bị tắt cả 4 động cơ sau khi bay qua đám tro phun ra từ núi Galunggung ở Indonesia. Theo đài BBC, chiếc máy bay rơi từ độ cao 11.300 m xuống 3.650 m trước khi động cơ hoạt động trở lại và hạ cánh an toàn tại thủ đô Jakarta.
Lần gần đây nhất núi Agung "tỉnh giấc" là vào năm 1963, khiến 1.600 người thiệt mạng tại quốc gia có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động này. Với hơn 17.000 hòn đảo, Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương nên thường xuyên hứng chịu các vụ phun trào núi lửa và động đất.
Hỗ trợ 24/24 giờ
ĐSQ Việt Nam tại Indonesia đã đề ra một loạt giải pháp để hỗ trợ người Việt còn mắc kẹt trên đảo Bali, bao gồm: lập đường dây nóng với 3 cán bộ trực, trả lời gần như ngay lập tức và 24/24 giờ yêu cầu giúp đỡ người dân, kết nối và nhờ người địa phương hỗ trợ, liên tục cập nhật thông tin trên tài khoản Facebook "Vietnam in Indonesia".
- Trường hợp cần hỗ trợ thông tin, du khách Việt có thể liên hệ ĐSQ qua đường dây nóng: Ông Nguyễn Thanh Giang, +62811161025.
- Khi cần hỗ trợ cách rời khỏi Bali, liên hệ hướng dẫn viên du lịch địa phương Pak Nyoman, +6285792640918, +6281338643014.
- Tìm hiểu thông tin tại sân bay: Gunung Agung Volcano Crisis Center (Trung tâm Khủng hoảng núi lửa Gunung Agung): 081321100319; đường dây nóng 0361 935 1011 (số nhánh 5055); Airport Information (thông tin sân bay): 172.
Theo Dương Ngọc - Xuân Mai
Người lao động