Du khách hỗn loạn khi sân bay đóng cửa vì núi lửa phun trào

(Dân trí) - Nhiều du khách rơi vào tình trạng hỗn loạn khi chính quyền địa phương đóng cửa sân bay quốc tế trên đảo Bali đóng cửa do núi lửa Agung phun trào.

Du khách hỗn loạn khi sân bay đóng cửa vì núi lửa phun trào

Cảnh báo núi Agung ở đảo Bali (Indonesia) phun trào được nâng lên mức cao nhất khiến sân bay quốc tế chính tại hòn đảo du lịch bị đóng cửa vì nỗi lo sợ vụ phun trào lớn nhất xảy ra. Ít nhất 445 chuyến bay bị gián đoạn sau khi các cột khói bụi từ núi lửa Agung phun trào lên trời, khiến 59,000 hành khách mắc kẹt.

Hàng chục nghìn du khách bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế ở Bali
Hàng chục nghìn du khách bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế ở Bali

Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia cho biết, sân bay quốc tế Bali đóng cửa trong vòng 24 giờ. Các nhà chức trách địa phương đang xem xét sớm mở cửa trở lại sau khi đánh giá tình hình. Sân bay quốc tế quy mô nhỏ nằm trên đảo Lombok gần đó cũng đóng cửa hôn 26/11 sau khi các đám tro bụi trôi dạt về phía đông.

Hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ
Hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ

Ông Arie Ahsanurrohim, người phát ngôn của sân bay, chia sẻ với AFP: “Sân bay quốc tế Bali đóng cửa vì tình trạng khẩn cấp, và chúng tôi đang phối hợp thực hiện những bước tiếp theo”. Ông này cũng thừa nhận, việc đóng cửa ảnh hưởng tới hàng chục ngàn khách bị mắc kẹt.

Du khách nước ngoài nhờ hỗ trợ thông tin
Du khách nước ngoài nhờ hỗ trợ thông tin

Anh Brandon Olsen, du khách người Canada bị kẹt lại cùng bạn gái, chia sẻ: “Chúng tôi phải tìm một khách sạn khác để nghỉ và chi tiêu nhiều hơn mà không nhận được bồi thường”. Một du khách khác người Đức Jan Nicolai bực bội vì đến sân bay kịp giờ, nhưng các chuyến bay không hoạt động. Các cảnh quay bên trong sân bay cho thấy hàng trăm khách đang cắm trại quanh khu vực nhà ga. Một số ngủ trong túi ngủ, số khác chờ đợi qua ngày bằng cách liên lạc qua điện thoại.

“Chúng tôi ở đây 3 ngày rồi và định rời đi hôm nay. Nhưng chỉ khi tới đây, tôi mới phát hiện chuyến bay của mình bị hủy. Hiện tôi chưa nhận được thông tin gì mới vì các cổng địa chỉ, điểm check in đóng cửa vô thời hạn”, anh Carlo Oben từ Los Angeles, nói.

Tại địa chỉ chính thức trên trang Facebook, Ủy ban quốc gia về quản lý thiên tai mô tả tình hình: “Agung liên tục phun tro bụi, đôi khi kèm tiếng nổ lên tới 12km. Các tia lửa được quan sát thấy vào ban đêm, cho thấy nguy cơ vụ phun trào lớn sắp xảy ra”.

Địa điểm cổng trời nổi tiếng ở Bali nhìn rõ các cột khói khổng lồ bốc lên cao
Địa điểm cổng trời nổi tiếng ở Bali nhìn rõ các cột khói khổng lồ bốc lên cao

Hiện tại, tình trạng nguy cấp được nâng lên thứ mức 3 lên mức 4. Chính quyền địa phương kêu gọi người dân và du khách trong vòng bán kính 10km xung quanh núi lửa lập tức di sản. Trước đây, vùng loại trừ dao động trong bán kính từ 6 đến 7,5km.

Hàng trăm nghìn người dân và du khách phải sơ tán khẩn cấp
Hàng trăm nghìn người dân và du khách phải sơ tán khẩn cấp

Ông Kasbani, người đứng đầu Cơ quan địa chất, cho biết, mức báo động được nâng từ 6 giờ sáng ngày 27/11 khi Agung chuyển từ trạng thái phun trào hơi nước sang phun trào macma. Tuy nhiên, ông hi vọng Bali không phải đón vụ phun trào lớn. “Chúng tôi vẫn phải nâng cao cảnh giác và tiếp tục dự báo”, ông nói.

Hiện tro bụi đã bao phủ các con đường, ô tô và nhiều tòa nhà gần khu vực núi lửa xung quanh vùng đông bắc của hòn đảo du lịch nổi tiếng. Putu Suyasa, một nông dân 36 tuổi đang di tản cùng những người họ hàng từ ngôi làng cách trung tâm núi lửa 8km, cho biết: “Tôi rất lo lắng về gia đình, nhà cửa”. Trước đó, ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan thiên tai quốc gia, kêu gọi người dân và du khách giữ bình tĩnh.

Hơn 100,000 người dân và hàng nghìn du khách sơ tán khẩn cấp khi núi lửa phun trào

Đảo Bali nổi tiếng với các bãi biển tuyệt đẹp, đền thờ linh thiêng, thu hút gần 5 triệu khách vào năm 2016. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh xung quanh khu vực núi lửa đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ tháng 9 năm nay, liên quan tới các cơn địa chấn của núi lửa Agung ngày một gia tăng. Vụ phun trào cuối cùng của núi lửa này diễn ra vào năm 1963 khiến hơn 1000 người thiệt mạng, phá hủy nhiều làng mạc.

Quốc Việt

Theo DM/telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm