1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Trung Quốc nghĩ gì về tranh chấp biển đảo?

Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ngày càng căng thẳng và diễn biến phức tạp, giới lãnh đạo nước này thường viện cớ rằng, chính sách cứng rắn của Bắc Kinh xuất phát từ áp lực công luận trong nước.

Nhưng sự thực, người dân Trung Quốc có ủng hộ những hành động hung hăng, áp đặt của chính phủ Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông hay không? Những kết quả thu được từ cuộc khảo sát “Quan điểm dư luận Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông” do Trung tâm Mỹ - Á thuộc Đại học Tây Úc thực hiện mới công bố gần đây sẽ phần nào giải đáp câu hỏi này.
 
Khảo sát được thực hiện vào tháng 3/2013, tức là 3 tháng sau khi Philippines tiến hành khởi kiện Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Qua một công ty Trung Quốc, Trung tâm Mỹ - Á đã phỏng vấn qua điện thoại với hơn 1.400 người dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau ở 5 thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô và Trường Sa.
 
Kết quả khảo sát được hoàn chỉnh và xử lý cuối năm 2014 và đăng tải trên truyền thông quốc tế vào tháng 3/2015. Bản khảo sát đã hé lộ nhiều kết quả đáng chú ý về quan điểm của người dân đối với tranh chấp biển đảo của nước này.

Hải quân Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh

Hải quân Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh

Thứ nhất, trong 9 vấn đề quan trọng nhất mà Trung Quốc phải đối mặt, những người khảo sát chỉ xếp vấn đề tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng ở vị trí thứ 6 (51,2%), sau các vấn đề: tham nhũng (84,3%); chênh lệch giàu - nghèo (79,7%); an toàn thực phẩm và thuốc men (71,9%); các vấn đề xã hội và đạo đức (53,1%) và ô nhiễm môi trường (52,9%). Trong đó, Thượng Hải và Bắc Kinh là hai thành phố quan tâm đến vấn đề tranh chấp biển nhất với tỷ lệ lần lượt là 67,1% và 65,4% và thu nhập càng thấp thì càng ít quan tâm đến các vấn đề quốc tế xa xôi.
 
Tác giả khảo sát cũng đưa ra nhận định rằng, “điều này được cho là một dấu hiệu tích cực về vai trò của dư luận trong tranh chấp, vì nó cho thấy rằng những người thể hiện mối quan tâm nhất về vấn đề này là những người sẽ có nhiều thứ để mất nếu xảy ra xung đột - cụ thể là tầng lớp trung lưu và người giàu có.

Thứ hai, về mức độ chú ý đối với tranh chấp biển, tranh chấp ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản giành được sự quan tâm nhiều hơn so với Biển Đông. 60% người được hỏi chú ý đến tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, trong khi tỉ lệ này ở Biển Đông là 53%.

Thứ ba, trái với các luồng nhận định bên ngoài về chủ nghĩa dân tộc cực đoan, có phần hiếu chiến của Trung Quốc, đồng thời trái với những gì truyền thông Trung Quốc phản ánh về thái độ của dư luận nước này đối với cách xử lý của chính phủ với tranh chấp biển đảo, những người được khảo sát lại có xu hướng ủng hộ các biện pháp giải quyết hòa bình hơn là dùng vũ lực quân sự.

Trong số 10 biện pháp được liệt kê trong câu hỏi khảo sát thì sử dụng quân đội và “gác tranh chấp, cùng khai thác” là 2 biện pháp nhận được sự ủng hộ thấp nhất, lần lượt là 30,9% và 30,2%. Biện pháp được ủng hộ nhiều nhất là tuyên truyền quốc tế (84,9%), sau đó lần lượt đến các biện pháp khác như tăng cường các hoạt động tuyên truyền, thể hiện chủ quyền; áp dụng cấm vận kinh tế với các nước yêu sách; tổ chức các hoạt động bày tỏ sự phản đối của công chúng; sử dụng các biện pháp ngoại giao; sử dụng cơ chế trọng tài Liên Hiệp Quốc; nhân nhượng qua đàm phán và “ẩn mình, chờ thời”.

Các phân tích cụ thể hơn về độ tuổi đối với câu hỏi này cho thấy, những thanh niên Trung Quốc sinh sau năm 1990 (sau sự kiện Thiên An Môn và chịu ảnh hưởng của Chiến dịch giáo dục Lòng yêu nước của Trung Quốc) mặc dù có thể có xu hướng “dân tộc chủ nghĩa” hơn, nhưng họ lại không chọn giải pháp quân sự mạo hiểm nhiều như thế hệ cha, chú của họ. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu với thu nhập trung bình hơn 10.000 nhân dân tệ/tháng cũng có xu hướng ủng hộ các biện pháp vũ lực để khẳng định chủ quyền. Đây là một điểm đáng lưu ý khi mà tầng lớp trung lưu trong xã hội Trung Quốc có dấu hiệu tăng lên.

Thứ tư, phần lớn người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng khá lớn vào khả năng của quân đội Trung Quốc trong việc “thu hồi” các đảo tranh chấp, với tỷ lệ ở Điếu Ngư/Senkaku là 87% và ở Biển Đông là 85,6%. Khi giả thiết Mỹ sẽ can thiệp quân sự hỗ trợ các đồng minh Nhật Bản và Philippines trong các cuộc xung đột ở biển Hoa Đông và Biển Đông, tỷ lệ lòng tin có giảm đi tương ứng ở từng khu vực, chỉ còn 74% và 72,8%. Tuy nhiên, ý kiến phần đông đều không muốn đi đến chiến tranh trên các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông, vì cho rằng sử dụng sức mạnh quân sự trong các tranh chấp biển không phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Phần lớn những người được hỏi khẳng định rằng Trung Quốc nên ưu tiên duy trì các mối quan hệ bên ngoài, bất chấp hành động khiêu khích từ các đối thủ. Hơn một nửa (53,6%) người đồng ý rằng, Chính phủ Trung Quốc nên “ưu tiên bảo vệ quan hệ quốc tế của Trung Quốc ngay cả khi Nhật Bản đã thông qua lập trường khiêu khích về vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trong khi đó, 50,7% người cho rằng, nguyên tắc này cũng cần được áp dụng ở Biển Đông.

Các kết quả này càng chứng minh thực tế rằng ý kiến dư luận chính thống của người dân Trung Quốc là dựa trên tính toán lợi ích, nhiều hơn là tình cảm nhất thời. Mặc dù sẽ khó dự đoán được phản ứng của công luận sẽ thay đổi thế nào nếu xảy ra khủng hoảng nhưng số liệu trên cho thấy người dân có thể chấp nhận quan điểm chống chiến tranh dựa trên lợi ích quốc gia, nếu như Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng muốn xuống thang căng thẳng.

Thứ năm, bất chấp việc các yêu sách hàng hải quá đáng của Trung Quốc thường xuyên bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và lên án là phi pháp, phi lý, đa phần người được hỏi đều bày tỏ độ tin tưởng cao đối với các yêu sách chủ quyền của nước này. Họ cho rằng các thực thể tranh chấp như Điếu Ngư, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough và khu vực hàng hải nằm trong cái gọi là “đường lưỡi bò” đều thuộc về Trung Quốc.

Đặc biệt, nhiều thanh niên sinh sau năm 1990 xem vấn đề tranh chấp đảo này là vấn đề thể diện quốc gia và sự diện diện của các đối thủ tranh chấp, bất kể là Nhật Bản ở Điếu Ngư/Senkaku, hay Việt Nam, Philippines ở Biển Đông đều khiến Trung Quốc mất mặt, thậm chí là sự kéo dài của “thế kỷ ô nhục”. Tác giả bản khảo sát cũng lưu ý rằng, sự có mặt hay tiếng nói của Mỹ ở các khu vực này cũng là một yếu tố kích thích tâm lý đó ở người Trung Quốc.

Thứ sáu, về phương tiện thông tin đại chúng có ảnh hưởng đến quan điểm của người dân về tranh chấp biển đảo, truyền hình vẫn là phương tiện quan trọng nhất cung cấp thông tin, định hướng quan điểm đối với hơn 90% những người tham gia khảo sát. Vì truyền hình vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ nên có thể nói Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh đang sở hữu các công cụ then chốt để định hình quan điểm dư luận về các vấn đề đối ngoại. Các bài viết trên mạng có xu hướng bóc mẽ các yêu sách của Trung Quốc là sai trái, hay chỉ trích hành động của chính phủ không đại diện cho số đông ý kiến dư luận và chỉ có tác động ảnh hưởng nhất định.

Cuối cùng, bản khảo sát kết luận, mặc dù không tránh được những hạn chế nhất định của một cuộc thăm dò ý kiến nhưng khảo sát đã cung cấp những dữ liệu sơ bộ về những quan điểm khác nhau đối với tranh chấp biển trong xã hội Trung Quốc - một điều cho đến nay vẫn còn là ẩn số với nhiều nhà nghiên cứu.

Theo Linh Phương (tổng hợp)
PetroTimes