1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Trung Quốc học cách sống chung với Covid-19

Thanh Thành

(Dân trí) - Người dân Trung Quốc, nhất là những người mắc Covid-19 tại thời điểm này, đều bớt căng thẳng khi chính phủ quyết định nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Người Trung Quốc học cách sống chung với Covid-19 - 1

Người dân ở Trung Quốc đang dần học cách sống chung với Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Cô Yang Zengdong, một giáo viên ở Thượng Hải, và chồng vừa có kết quả xét nghiệm mắc Covid-19.

Chỉ vài tuần trước, cả hai vợ chồng có lẽ đã phải vào một trung tâm cách ly tập trung với hệ thống sưởi không đầy đủ, giường ngủ đơn sơ và phải sử dụng nhà vệ sinh chung. Nhưng nay, họ được cách ly tại nhà.

Yang cho biết, cuộc sống ở thời kỳ chính phủ đã nới lỏng chính sách "Không Covid" không quá tồi tệ, mặc dù mọi người vẫn có tâm lý e ngại bị nhiễm bệnh và số ca nhiễm đang tăng nhanh chóng.

"Tôi không quá lo khi có xét nghiệm mắc Covid-19. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm và thuốc men", cô nói.

Cô Yang cùng chồng, Hong Ruwei, 41 tuổi, quản lý trong ngành công nghệ thông tin và con gái lớn Xichen, 11 tuổi, và cả cha mẹ của Hong, đều đang tự cách ly tại căn hộ ở trung tâm thành phố Thượng Hải sau khi có kết quả bị nhiễm bệnh. Cô con gái út 5 tuổi của họ không nhiễm virus.

Mặc dù việc sống chung với Covid-19 là chuyện thường đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới trong năm nay, nhưng đây lại là một bước ngoặt ở Trung Quốc, quốc gia trong gần 3 năm qua vẫn thực thi chính sách "Không Covid" nghiêm ngặt bằng các biện pháp phong tỏa và xét nghiệm quy mô lớn liên tục.

Theo đó, những ca nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc gần với họ đều được đưa tới trung tâm cách ly. Nhưng Yang và gia đình tránh được việc này vì nhiễm bệnh sau khi các hạn chế được dỡ bỏ ngày 7/12.

"Khi nghĩ về tình huống này, cảm giác của tôi chỉ là cảm thấy thật may mắn vì giờ đây có thể cách ly tại nhà", cô Yang nói.

Giờ đây, mặc dù các thành viên trong nhà đang ốm nhẹ vì nhiễm một loại virus mà họ được cho là đã sợ hãi trong nhiều năm, cả gia đình đều tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua.

"Làn sóng này là thứ chúng tôi phải đối mặt vì không thể cứ đóng cửa mãi được", Yang bày tỏ. "Nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, nhưng nhiều người đã nhìn thấy hy vọng trước mắt".

"Nó có thể tác động nặng nề đến nền kinh tế và gây ra một số vấn đề trong cuộc sống của mọi người, nhưng nhiều người đã nhìn thấy hy vọng trước mắt".

"Bệnh viện internet"

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh các biện pháp chống dịch Covid-19 là bước ngoặt quan trọng cho thấy Trung Quốc đang dần rời xa chính sách "Không Covid" nhằm tiến tới đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường và vực dậy nền kinh tế đang trên đà giảm sút.

Và Bắc Kinh cũng tính đến nguy cơ mở cửa là chấp nhận nguy hiểm. Là quốc gia đông dân nhất thế giới và đã bắt đầu bước vào thời kỳ dân số già, các đợt bùng phát trên diện rộng có thể đe dọa tính mạng người dân.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc đến nay mới nới lỏng các chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt đã thực hiện trong suốt 3 năm qua.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ phải tập trung ứng phó với làn sóng dịch được dự báo là sẽ bùng phát rất nhanh, mạnh và lan rộng trong khoảng 1, 2 tháng tới. Khi đợt bùng phát này đạt đỉnh, tỷ lệ lây nhiễm trong dân ở Trung Quốc có thể đạt khoảng 60%, sau đó giảm dần và trở lại thời kỳ bình ổn, cuối cùng có thể là 80-90% người dân nước này sẽ bị nhiễm bệnh.

Và gánh nặng sẽ đè lên hệ thống y tế. Theo SCMP, hiện nay Trung Quốc chuyển sang hỗ trợ y tế trực tuyến khi Covid-19 bước vào thời kỳ bùng phát đỉnh điểm nhất.

Vào ngày 12/12, trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng cho hệ thống y tế, các cơ quan y tế thuộc Hội đồng Nhà nước đã thông báo cho các tổ chức y tế rằng họ sẽ được phép tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến Covid-19 và kê đơn thuốc.

Đây là lần đầu tiên, các bệnh viện được phép kê đơn thuốc cho bệnh nhân mà không cần thăm khám trực tiếp.

Đầu tuần này, Amy Luo, sống ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, đã xét nghiệm mắc Covid-19.

Trong khi vật lộn với cơn sốt, cô đã mua được những loại thuốc khó tìm ở hiệu thuốc, nhưng khi các triệu chứng của bắt đầu thay đổi, cô không chắc phải uống bao nhiêu lần hoặc bao nhiêu thuốc. "Tôi không đến bệnh viện gần đó để gặp bác sĩ", cô Luo nói. "Có quá nhiều người ở đó. Tôi sợ bị lây nhiễm chéo".

Thay vào đó, cô chuyển sang nhờ sự hỗ trợ y tế trực tuyến. "Ask Doctor", một chương trình nhỏ trên nền tảng Baidu Health, trở thành cứu cánh của những bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc hiện nay.

Bắc Kinh và Thượng Hải đã công bố danh sách các bệnh viện trực tuyến có phòng khám triệu chứng sốt để tư vấn và kê đơn thuốc. Tại Quảng Châu, các cơ quan y tế đã khuyến nghị những bệnh nhân không phải cấp cứu nên tìm tư vấn y tế trực tuyến.

Zhang Yi, nhà phân tích chính của công ty tư vấn iiMedia Research, cho biết: "Các nền tảng y tế trên internet đóng một vai trò hỗ trợ rất quan trọng sau khi chính sách nới lỏng được công bố, đặc biệt là khi các bệnh viện quá tải bệnh nhân".

Trong một động thái khác, hôm 20/12, gã khổng lồ công nghệ Tencent đã tung ra một chương trình nhỏ chia sẻ thông tin về Covid-19 trên WeChat, nơi mọi người có thể đăng tin nhắn nếu họ đang tìm thuốc hoặc chia sẻ thêm thuốc với những người cần.

Tính đến chiều ngày 21/12, nền tảng này đã có hơn 50.000 bài đăng, trong đó những người ở Thâm Quyến, Hàng Châu, Thượng Hải, Quảng Châu và Nam Kinh là những đối tượng cần nhất, theo Tencent.

Theo CNA, SCMP