1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Người trẻ Na Uy cạnh tranh để nhập ngũ

CTV

(Dân trí) - Việc tham gia nghĩa vụ quân sự đã trở thành sứ mệnh quan trọng đối với nhiều thanh niên Na Uy, trong đó có Công chúa Ingrid Alexandra.

Người trẻ Na Uy cạnh tranh để nhập ngũ - 1

Công chúa Ingrid Alexandra đến thăm Lữ đoàn phía Bắc của Quân đội Na Uy năm 2022, tại Setermoen, Na Uy (Ảnh: Getty).

Công chúa Na Uy Ingrid Alexandra vừa bắt đầu một năm nghĩa vụ quân sự sau khi đáp ứng toàn bộ các điều kiện để tham gia chương trình nhập ngũ của quốc gia này. Mặc dù nghĩa vụ quân sự ở Na Uy là bắt buộc, nhưng trên thực tế đây là một quy trình có tính cạnh tranh cao và rất có uy tín đối với thanh niên Na Uy trong độ tuổi 18 và 19.

Các quốc gia đang xem xét khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự có thể tham khảo mô hình của Na Uy, đồng thời mở rộng chương trình nghĩa vụ sang cả những lĩnh vực khác có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc phòng.

Thái tử kế vị Haakon rất vui khi biết con gái mình sẽ phục vụ trong một tiểu đoàn công binh ở miền bắc Na Uy từ ngày 1/1 năm nay. Ông nói với Đài tiếng nói Na Uy rằng: "Bản thân tôi đã từng tham gia quân ngũ và học được rất nhiều từ đó. Với tôi đây là một trải nghiệm đáng quý, và tôi hy vọng con gái mình cũng thấy vậy".

Là người đứng thứ hai trong danh sách kế vị ngai vàng của Vương quốc Na Uy sau cha, công chúa Ingrid Alexandra cùng với nhiều thanh niên Na Uy khác đã bắt đầu kỳ nghĩa vụ quân sự của mình từ đầu năm 2024. Mặc dù số lượng chính xác thanh niên Na Uy nhập ngũ năm nay chưa được công bố, nhưng năm ngoái con số này là 9.840 thanh niên cả nam và nữ, chiếm 17% số công dân sinh năm 2004, là độ tuổi đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2023.

Các lực lượng vũ trang Na Uy thường lựa chọn những ứng viên xuất sắc nhất cho các chương trình nghĩa vụ của mình, đầu tiên là xét tuyển trực tuyến, sau đó là các bài kiểm tra thể chất. Trong đợt tuyển quân năm 2023, 24.600 nam nữ thanh niên đã được chọn vào vòng kiểm tra thể chất và chỉ có 9.840 người được chọn sau đó, trong đó 36% là phụ nữ.

Ở Na Uy, việc xét tuyển vào các chương trình nghĩa vụ quân sự còn khó hơn cả việc thi đại học. Chính vì thế, nghĩa vụ quân sự không còn là một khái niệm "đáng sợ" nữa, mà nó đã trở thành một sứ mệnh danh giá mà các bạn trẻ phải cạnh tranh để dành chỗ cho mình.

Chương trình nghĩa vụ quân sự của Na Uy bắt đầu như một hệ lụy của lịch sử. Sau Chiến tranh Lạnh, các lực lượng vũ trang không cần nhiều lính nghĩa vụ như trước. Việc giảm số lượng này dẫn tới hệ quả tất yếu khi tình trạng khan hiếm xảy ra: nghĩa vụ quân sự đột nhiên trở nên hấp dẫn hơn. Ngày nay, với tỷ lệ chấp nhận là 17%, các lực lượng vũ trang của Na Uy luôn chọn được những thanh niên 19 tuổi giỏi nhất và thông minh nhất đất nước, trong khi những thanh niên may mắn này lại có thêm một dòng kinh nghiệm nổi bật trong hồ sơ của họ.

Chương trình nghĩa vụ quân sự của Na Uy thành công đến mức khoảng 1/4 người sau khi hoàn thành nghĩa vụ đã chọn trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Nếu không tham gia nghĩa vụ, họ sẽ không thể biết quân ngũ là điều họ thực sự muốn cho tương lai của mình. Chương trình nghĩa vụ quân sự cho phép các lực lượng vũ trang tiếp cận mọi thành phần trong xã hội hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ chiến dịch quảng cáo thông minh nào.

Đối với một số nước phương Tây, trong đó có Đức, đang cân nhắc việc phục hồi chế độ nghĩa vụ quân sự, mô hình Na Uy rất đáng để tham khảo. Ngày nay các nước phương Tây hầu như không cần đến một lực lượng quân đội đông đảo, nhưng họ lại cần những người lính được đào tạo bài bản.

Bên cạnh đó, họ cũng cần những công dân của mình được đào tạo chuyên nghiệp về quân sự để có thể tham gia bảo vệ tổ quốc trong mọi tình huống. Ví dụ, trong lĩnh vực y tế: khi dịch Covid-19 tấn công, các bệnh viện và viện dưỡng lão nhanh chóng bị quá tải, hoặc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng yếu của quốc gia như khi một đường ống khí đốt hay một nhà máy điện bị tấn công mạng, nhân viên của chính công ty không có khả năng xử lý tình trạng hỗn loạn phát sinh.

Giống việc quân đội có thể triệu tập lực lượng dự bị trong các tình huống khẩn cấp (những người lính nghĩa vụ không trở thành quân nhân chuyên nghiệp sẽ tham gia lực lượng dự bị), các lĩnh vực khác cũng có thể kêu gọi lực lượng dự bị hỗ trợ theo cách tương tự.

Một viễn cảnh có thể xảy ra là mọi thanh niên 18 tuổi đều có cơ hội được lựa chọn để đào tạo tại các cơ sở khác nhau từ quân đội tới y tế, các nhà máy điện và cơ quan quản lý thủy lợi. Tương tự chế độ nghĩa vụ quân sự của Na Uy, các chương trình nghĩa vụ như vậy sẽ là cơ hội có một không hai để đánh giá tài năng và năng lực của các thành niên này, chứ không phải trình độ học vấn của họ.

Nếu thực hiện tốt chế độ nghĩa vụ, điều này sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho đất nước mà còn cho chính những cá nhân được lựa chọn. Có ai không muốn có những bằng cấp danh tiếng cùng một dòng kinh nghiệm được ca ngợi trong hồ sơ lý lịch của mình và khiến họ trở thành những công dân thành đạt nhất đất nước?

Chương trình nghĩa vụ cũng là dịp để thanh niên học kỹ năng sống hòa đồng với đồng đội của mình cho dù hoàn cảnh xuất thân khác nhau. Đó là yếu tố tích hợp xã hội cơ bản.

Mặc dù các chương trình nghĩa vụ quân sự của nhà nước được triển khai không phải với mục đích duy nhất là thúc đẩy hòa nhập xã hội, nhưng trên thực tế điều này diễn ra như một yếu tố tự nhiên và được xem như một hệ quả tuyệt vời của các chương trình giảng dạy cường độ cao trong quân ngũ.

Mặc dù Công chúa Ingrid Alexandra hoàn toàn có thể cố gắng để không phải tham gia quá trình tuyển quân, nhưng đã không làm vậy, bởi vì nghĩa vụ quốc gia là điều phải làm. Điều này không chỉ đúng ở Na Uy.

Minh Khuê

Theo Defense One

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm