1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Người thắng cuộc vẫn chưa thể “kê cao gối”

Chiến thắng của Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) trong cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar có lẽ không còn là điều phải bàn cãi.

Người thắng cuộc vẫn chưa thể “kê cao gối” - 1

Thủ lĩnh Đảng NLD, bà Aung San Suu Kyi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tính đến tối 10/11, Ủy ban bầu cử Liên bang Myanmar (MUEC) đã công bố tổng cộng 285 ghế nghị sĩ của cả ba cấp Thượng viện, Hạ viện và Nghị viện vùng hoặc bang, trong đó NLD giành được tổng cộng 249 ghế.

Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi – lãnh đạo của NLD và các thành viên vẫn chưa thể “thở phào” khi họ phải đứng trước không ít thách thức để kịch bản 25 năm trước không lặp lại.

Trong cuộc bầu cử năm 1990, NLD đã giành thắng lợi áp đảo nhưng không được cầm quyền lãnh đạo đất nước, thậm chí còn bị chính quyền quân sự Myanmar giải tán.

Thách thức đầu tiên nằm ở chính Hiến pháp của Myanmar. Theo hiến pháp hiện thời, trong tổng số 664 ghế dân biểu và nghị sĩ thì quân đội được quyền chỉ định tự động 25%. Do vậy, đảng NLD cần phải giành được hơn hai phần ba số ghế mới có thể thành lập Chính phủ và chọn ra Tổng thống. Trong khi đó, đảng đương quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) được quân đội hậu thuẫn chỉ cần giành được một phần ba số ghế là có thể tiếp tục sự nghiệp chính trị. Nếu không giành được đủ số phiếu, NLD phải thành lập liên minh với một số đảng phái nhỏ hơn để thành lập Chính phủ.

Đặc biệt, Hiến pháp Myanmar cũng trao cho quân đội quyền phủ quyết những đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Do đó, dù USDP của Tổng thống Thein Sein đã từng tuyên bố tôn trọng quyết định của người dân Myanmar, “quý bà” Suu Kyi sẽ không thể trở thành Tổng thống nếu như Hiến pháp không được sửa đổi bởi bà có chồng và con mang quốc tịch nước ngoài.

Thách thức thứ hai là thực tế chính quyền đương nhiệm đã có những thành tựu đáng kể trong nỗ lực hòa giải dân tộc. Gần đây nhất, cái bắt tay và ký kết thỏa thuận ngừng bắn lịch sử ngày 15/10 giữa Tổng thống Thein Sein với đại diện tám nhóm vũ trang đã mở đường cho việc chấm dứt hơn nửa thế kỷ nội chiến tại Myanmar. Đây sẽ là một áp lực lớn cho NLD bởi đảng này khó có thể bảo đảm quá trình đàm phán với các nhóm vũ trang còn lại không bị gián đoạn. Hơn nữa, Hội đồng Quốc phòng và An ninh của quân đội là cơ chế mạnh mẽ hơn cả Quốc hội. Vì vậy, quyền lực thực sự có thể vẫn nằm trong tay quân đội, bất chấp thành công của NLD.

Thách thức thứ ba xuất phát từ yếu tố bên ngoài, khi cái nhìn của thế giới về cuộc bầu cử tại Myanmar không thực sự nhất quán. Theo các nhà ngoại giao và quan sát viên quốc tế, nhìn chung cuộc bầu cử diễn ra là tự do và công bằng. Nhưng không chỉ các nghị sĩ ASEAN về Nhân quyền (APHR) mà còn nhiều chuyên gia Mỹ đặt vấn đề về tính hợp pháp của cuộc bầu cử khi những người Hồi giáo thiểu số bị gạt sang một bên trong một sự kiện được đánh giá là bước ngoặt cho nền dân chủ ở Myanmar. “Góc khuất” này đã khiến Mỹ, nước vốn ủng hộ NLD trong suốt 20 năm qua, dù hoan nghênh chiến thắng của đảng này vẫn sẽ chưa thể hoàn toàn cởi mở với Myanmar bởi những lo ngại về nhân quyền.

Ai sẽ là Tổng thống đất nước Đông Nam Á đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ này? Câu trả lời sẽ có trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào đầu tháng Hai năm sau. Có lẽ, vì khát vọng hòa bình và phát triển của người dân Myanmar, mong rằng lãnh đạo các đảng trong quốc gia này tiếp tục dành cho nhau chữ “hòa hợp dân tộc” – dù khó khăn, để góp phần tạo ra một Myanmar dân chủ và thịnh vượng hơn.

Theo Phạm Hằng

Thế giới và Việt Nam

Người thắng cuộc vẫn chưa thể “kê cao gối” - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm