1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Người Nhật tỉnh dậy giữa hung tin

Người dân Nhật Bản sáng 1/2 tỉnh dậy khi báo chí tràn ngập tin tức về cái chết của con tin Kenji Goto, người dường như đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) giết hại và quay video tung lên mạng.

Người Nhật tỉnh dậy giữa hung tin
 
Nhiều người biết đến tin dữ qua mạng xã hội Twitter mặc dù các hãng truyền thông cũng nhanh chóng đăng tải câu chuyện.

Theo hãng tin BBC, đối với nhiều người ở Nhật Bản, đây là một thảm kịch đang diễn ra trước mắt họ trên truyền thông xã hội, vì vậy dễ hiểu khi họ đưa phản ứng lên Twitter. Nhưng phản ứng rất đa chiều, vẫn như từ đầu vụ việc. Có tức giận, đau buồn và thương xót.

Một số người hưởng ứng kêu gọi không xem hình ảnh Kenji Goto bị giết hại mà đăng ảnh con tin này khi đang làm những công việc chuyên môn: đưa tin về cuộc sống của dân thường bị kẹt giữa bom đạn hoặc sống trong cảnh khủng hoảng nhân đạo.
 
Người Nhật tỉnh dậy giữa hung tin

Nhiều người khác yêu cầu các hãng tin không tạo ra vòng xoáy truyền thông xung quanh gia đình nạn nhân Goto và một con tin Nhật khác là Haruna Yukawa, người đã bị IS chặt đầu cách đây một tuần.

Phản ứng từ người anh trai của Kenji Goto, Junichi, đã được đông đảo ý kiến ca ngợi trên truyền thông xã hội. Ông cám ơn chính phủ Nhật, đất nước Nhật và cả thế giới về sự ủng hộ, trước khi tập trung vào Kenji.

"Là anh trai, tôi ước Kenji có thể trở về nhà và tự mình cảm ơn tất cả mọi người, và tôi thật buồn điều này là không thể. Tôi tự hào về những thành tích chuyên môn của Kenji, nhưng là anh trai, tôi nghĩ lần này hành động của em tôi là bất cẩn" Junichi Goto, 55 tuổi, nói trên đài NHK.

Những lời của Junichi chính là kiểu phản ứng gia đình mà người Nhật xem là chuẩn mực và cao quý trong tình huống loại này, chạm đến ý niệm "đặc tính Nhật".

Một số người tức giận với các đài truyền hình Nhật Bản vì liên tục phát sóng các cảnh trích trong đoạn video hành quyết. Họ gọi đây là đe dọa khủng bố trực tiếp nhằm vào người dân Nhật. 

Trong khi nhiều người chia sẻ nỗi tức giận mà Thủ tướng Shinzo Abe thể hiện, không ít ý kiến chỉ ra rằng ông chỉ động chạm rất ít đến nỗi đau mà gia đình hai con tin phải gánh chịu và không nhắc đến những thành tích họ đạt được. Họ nêu bật sự trái ngược với thông điệp mà Nhà Trắng đưa ra, trong đó Tổng thống Barack Obama ca ngợi: Nhờ những bản tin của anh ấy, Goto đã dũng cảm nỗ lực truyền tải cảnh ngộ của người dân Syria ra thế giới bên ngoài".

Ngay từ khi có tin về vụ bắt cóc, những người vốn vẫn chỉ trích chính phủ lại được dịp công kích Thủ tướng về cách ông xử lý vấn đề.

Abe thừa nhận trong một cuộc họp của Quốc hội mới đây rằng chính phủ biết Goto bị bắt cóc từ tháng 11, trước cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12.

Một số người coi chuyến đi mới đây của Thủ tướng tới Trung Đông, trong đó có Israel, nơi ông cam kết 200 triệu USD viện trợ phi quân sự cho liên minh chống IS, là chất xúc tác tạo cơ hội cho IS thực hiện những đe dọa của mình.

Dư luận rộng khắp cũng lên án các nỗ lực của chính phủ thay đổi cách diễn giải hiến pháp hòa bình của Nhật Bản nhằm cho phép "thực hiện quyền phòng thủ tập thể" ở nước ngoài.

Hiện đang có nhiều người đoán rằng chính quyền Tokyo có thể tận dụng các vụ hành quyết của IS cũng các đe dọa của tổ chức này nhằm vào Nhật Bản để đẩy mạnh những nỗ lực kể trên và hiện thực hóa việc cử Lực lượng Phòng vệ ra nước ngoài tham gia cuộc chiến chống khủng bố.

Theo Thanh Hảo
Vietnamnet