"Người nghèo mới" trong cơn khốn khó ở Italia
(Dân trí) - Cầm chiếc túi ni-lông trên tay, một phụ tá bán hàng có tên Stefano tham gia xếp hàng cùng trăm người khác để được phát đồ ăn miễn phí, những món đồ ăn cơ bản nhất, nhưng ông không thể mua được nữa.
Người đàn ông 43 tuổi này đang còn phải hỗ trợ cho cả cha và mẹ đã về hưu. 7 tháng trước, ômg đến hội từ thiện Pane Quotidiano ở Milan để mang về nhà những đồ ăn thiết yếu miễn phí, như bánh mỳ, sữa, rau, quả và những thứ lặt vặt khác.
Các hội từ thiện ở Italia cho biết ngày càng nhiều người lao động và những người ở độ tuổi hưởng lương hưu đến với họ để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Họ được gọi là “những người nghèo mới”, những người lần đầu tiên xếp hàng để được phát thức ăn hay ăn ở các bếp ăn miễn phí. Tuy nhiên, so với những người nhập cư, họ vẫn là thiểu số.
Trước khi giá thực phẩm tăng gấp đôi và trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính mới nhất hiện nay, Italia đã ở bên bờ vực suy thoái. Stefano cho biết ông kiếm được có “vài trăm euro” một tháng.
“Mọi chuyện đang càng ngày càng tồi tệ. Thật kinh khủng. Tôi có thể làm được gì hơn khi giá cả cứ tăng lên vòn vọt? Mà tôi không thể đi ăn trộm được. Mọi sự giúp đỡ nhỏ đều có ích”.
Rất khó có thể biết chính xác bao nhiêu người đang phải xếp hàng để chờ được phát đồ ăn miễn phí, tuy nhiên các tổ chức nhân đạo cho biết hiện tượng này đang lan rộng, do giá cả tăng cao cùng kinh tế suy thoái khiến nhiều người có thu nhập thấp hoặc không có việc làm càng lún sâu vào khốn khó.
Theo con số chính thức có 6,8% người Italia bị thất nghiệp, 13% trong tổng số 58 triệu dân nước này được coi là nghèo, sống ở mức dưới 500-600 euro/tháng, hay ít hơn một nửa số lương bình thường. Một bản báo cáo mới đây cũng nhấn mạnh những “người gần nghèo”, người sống trên ngưỡng nghèo có 10-50 euro/tháng chiếm một lượng khá đông.
Mọi thứ đều tăng vọt
“Trong số những người lần đầu tiên đi xếp hàng chờ đồ ăn miễn phí, có 1/3 là người Italia”, Mario Marazziti thuộc bếp ăn miễn phí của nhà thờ San Egidio, Rome, cho biết. “Dần dần, số người Italia tăng lên”.
Trong nhiều năm qua, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro) trở thành một trong những nền kinh tế phát triển chạm chạp nhất. So với các nước khác, Italia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc giá dầu lửa tăng cao, đồng euro mạnh và cuộc suy thoái toàn cầu. Các con số thống kê cho thấy Italia đang trở nên già hơn và nghèo hơn trong khi nền kinh tế trì trệ hơn các nước châu Âu khác.
Lạm phát ở Italia cao hơn mức trung bình trong khu vực đồng tiền chung euro, với sức mua giảm, trong khi cá nhà sản xuất cho biết không chịu được nhiệt vì giá cả tăng cao. Đơn cử, mì ống trong tháng 9 vừa qua tăng gần 25% so với một năm trước, trong khi bánh mỳ tăng 8,6%.
Tại hội từ thiện Pane Quotidiano, mỗi ngày họ phân phát thức ăn tương đương 2.500 calo/người cho khoảng 2.000 người. Những người này thuộc đủ các nhóm tuổi, họ xếp hàng để được phân phát bánh mỳ, rau, cơm, đào và sữa.
“Trong một năm qua, số lượng người đến đây mỗi ngày tăng hơn 30%. Khoảng một năm rưỡi trước, mỗi ngày có khoảng 80 người Italia. Nhưng giờ có khoảng 350 người”, Ercole Polline, một tư vấn viên ở hội từ thiện Pane Quotidiano cho biết.
Maria Piacere, 62 tuổi, đã về hưu và sống với mức lương khoảng 800 euro/tháng. Bà đến đây để xin thức ăn được một năm. “Tôi phải trả tiền gas, tiền điện, tiền thuê nhà, tiền xăng xe. Cuối cùng chỉ còn lại chút xíu cho mọi thứ khác”, bà cho biết.
Trong đám đông những người đang chờ đợi, có một cô sinh viên 28 tuổi, ăn mặc tươm tất. “Tôi không tự nguyện đến đây, nhưng không có lựa chọn nào khác”, cô cho biết, và từ chối cho biết tên. “Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng một ngày tôi sẽ phải đến đây. Nhưng tôi đang cố gắng tiết kiệm tiền, dù chỉ là vài euro”.
Phan Anh
Theo Reuters