1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người nghèo châu Á chật vật trong cơn bão giá

Mỹ Lệ

(Dân trí) - Giá lương thực trên thế giới chạm mức cao nhất trong vòng một thập niên đã đặt áp lực nặng nề lên nền kinh tế các nước châu Á, trong đó người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Người nghèo châu Á chật vật trong cơn bão giá - 1

Nhiều người châu Á gặp khó khăn khi giá lương thực tăng cao (Ảnh minh họa: Reuters).

Trong bối cảnh khí hậu ngày càng khắc nghiệt, bệnh cúm lợn hoành hành, giá nhiên liệu tăng cao, thiếu lao động nghiêm trọng cùng sự tắc nghẽn và đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19, giá lương thực được ghi nhận đạt đỉnh trong vòng 10 năm qua.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực trên thế giới hồi tháng 10 đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2011, tăng 3% so với tháng trước đó và 31,3% so với tháng 10/2020.

Ở châu Á, nhiều nền kinh tế đã tránh được ảnh hưởng nặng nề của làn sóng này. Tuy nhiên, với tính chất đa dạng, các nền kinh tế châu Á chịu mức tác động khác nhau. 

Singapore

Theo ông Lai Chin Hooi, chủ quầy bán rau ở khu dân cư phía đông Singapore,
"thực phẩm hiện nay đều đắt đỏ khiến việc kinh doanh ngày càng khó khăn hơn". Ông cho biết trong 6-7 năm gần đây, mức tăng giá năm nay là cao nhất. Giá bông cải xanh nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng khoảng 30-40% trong những tuần gần đây do thời tiết khắc nghiệt và chi phí vận chuyển cao.

Các số liệu của chính phủ Singapore cho thấy, trong tháng 9, mức lạm phát lương thực đã tăng 1,6% so với con số 1,5% hồi tháng 8. Tuy nhiên, trên thực tế, một số mặt hàng thực phẩm đã vượt xa con số này. Ví dụ, trong tháng 6, một kg nho có giá khoảng 11,06 đô la Singapore (tương đương 8,12 USD). Đến tháng 9, mức giá đã tăng lên 15,73 đô la Singapore/kg.  Không chỉ nho, một kg rau bina cũng đắt hơn khoảng 15% trong cùng phạm vi thời gian.

Những nguyên chính khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn là do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, lũ lụt ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế các nước phục hồi sau đại dịch cũng góp phần đưa cục diện hiện nay rơi vào "điểm trũng".

Trước tình thế đó, các chuỗi siêu thị lớn ở Singapore đã tránh được sự đứt gãy, gián đoạn bằng việc đa dạng hóa nguồn cung ứng. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp dành cho tất cả. Những cửa hàng nhỏ hoặc các tạp hóa không phải lúc nào cũng có thể lựa chọn nguồn cung mới, thay vào đó, họ bắt buộc phải tăng giá sản phẩm.

Nichol Ng, đồng sáng lập Ngân hàng Thực phẩm Singapore, cho biết rất nhiều gia đình rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trong đợt bùng phát dịch vào năm ngoái.

Các tổ chức phi lợi nhuận ở Singapore cảnh báo những người bị mất việc làm trong đại dịch sẽ là những đối tượng rất dễ bị tổn thương. Trong đó, những người lao động, đặc biệt là lao động tự do, cần nhận được các chính sách hỗ trợ.

Tổ chức từ thiện Food from the Heart cho biết họ đã trao tặng khoảng 10.000 gói thực phẩm trong năm 2021, tăng 59% so với con số 6.300 gói của năm 2019.

Tuy nhiên, bà Nichol Ng nói rằng: "Đợt leo thang này chỉ là khởi đầu. Tác động toàn diện có thể sẽ được cảm nhận vào năm tới, khi các khoản cứu trợ đại dịch của chính phủ cạn kiệt".

"Singapore đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát nhập khẩu do quốc gia này nhập khẩu khoảng 90% lương thực. Điều đó nói lên rằng, chỉ cần đồng đô la Singapore mạnh và mạng lưới nguồn thực phẩm đa dạng sẽ giúp giảm bớt một số tác động", nhà kinh tế cấp cao Irvin Seah tại Ngân hàng DBS cho biết.

Người nghèo châu Á chật vật trong cơn bão giá - 2

Một quầy bán rau tại khu phía Đông Singapore (Ảnh: Dewey Sim/SCMP).

Hong Kong

Không chỉ Singapore, các nhà phân phối thực phẩm ở Hong Kong cũng đang rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Vào tháng 9, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh ở Hong Kong McDonald's đã phải thông báo với khách hàng rằng cánh gà chiên giòn có thể sớm hết hàng vì vấn đề vận chuyển. Trong khi đó, giá bột mì, trái cây và rau quả nhập khẩu cũng như các sản phẩm sữa và rượu cũng đang ở mức cảnh báo.

Với tỷ lệ lạm phát chung của thành phố đạt mức 1,4% trong tháng 9 và chỉ số giá tiêu dùng ở mức 1,6%, chính quyền Hong Kong cảnh báo giá cả tăng cao sẽ là mối đe dọa lớn đối với sự phục hồi kinh tế của đặc khu.

Ấn Độ

Tại Ấn Độ, giá thực phẩm và giá dầu tăng khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn.

Tại Lễ hội ánh sáng Diwali ở vùng thánh địa Ayodhya năm nay, các tín đồ đạo Hindu đã lập kỷ lục mới bằng cách thắp sáng hơn một triệu đèn diyas đất sét và đèn dầu.

Sau khi lễ hội kết thúc, các gia đình nghèo và con cái của họ đã đi thu gom dầu mù tạt còn sót lại, đổ vào chai nhựa để mang về nhà nấu ăn. Họ bắt buộc phải làm như vậy vì giá dầu mù tạt quá đắt đối với họ.

"Tôi không thấy có vấn đề gì khi các con tôi có bữa cơm no, dù bữa ăn ấy được nấu bằng dầu lấy từ những chiếc diyas", một người cha thất nghiệp chia sẻ. Nhưng một số người Ấn Độ khác gọi tình trạng tuyệt vọng này là "đáng xấu hổ".

Hiện nay, mỗi lít dầu mù tạt có giá 240 rupee (tương đương 3,22 USD), trong khi mức giá năm ngoái chỉ 150 rupee.

Kavita Verma, một người nội trợ ở New Delhi, chia sẻ rằng hiện bà không thể chi trả cho việc sử dụng dầu mù tạt để nấu các bữa ăn của gia đình. Thậm chí, giá dầu cọ (loại dầu hay được người nghèo sử dụng) và dầu vanaspati cũng đang chạm mức cao nhất trong một thập niên.

"Tôi chuyển từ dầu mù tạt sang dầu vanaspati vì nghĩ rằng rẻ hơn, nhưng giá 1 lít dầu vanaspati cũng đã tăng gấp đôi trong năm nay. Mọi thứ đều đắt đỏ hơn, giá khí đốt cũng tăng lên 50%", bà Verma cho biết thêm.

Người nghèo châu Á chật vật trong cơn bão giá - 3

Dân nghèo ở Ấn Độ thu gom dầu từ đèn diyas để nấu ăn (Ảnh: AFP).

Malaysia

Ở Malaysia, nhiều người thuộc nhóm thu nhập thấp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lượng tiêu thụ thịt.

Saliya Zamidi vừa trở thành trụ cột của gia đình có 4 con nhỏ sau khi chồng cô mất việc trong đại dịch Covid-19. Cô cho biết, với mức thu nhập chỉ 960 ringgit/tháng (khoảng 230 USD), thấp hơn mức thu nhập trung bình là khoảng 700 USD, cô thực sự gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê căn hộ, cho con đi học và ăn uống hằng ngày.

Hiện một con gà có giá khoảng 12 USD khiến nhiều gia đình chọn thay thế gà bằng trứng, đậu phụ, rau. Gia đình Zamidi cũng không phải ngoại lệ.

Theo số liệu của chính phủ, giá gà đã tăng khoảng 1% trong tháng 9. Bộ Nội thương và Các vấn đề Người tiêu dùng Malaysia cho biết nguyên nhân khiến giá gà tăng là do vấn đề nguồn cung ngô và đậu nành nhập khẩu, cả hai đều được sử dụng làm thức ăn cho gà.

Nhìn chung, giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 1,2%, trong khi chỉ số tiêu dùng trong tháng 9 tăng 2,2%.

Giá thực phẩm tăng cao đặt ra thách thức đối với tổ chức phi lợi nhuận Kechara Soup Kitchen. Kechara phân phối các mặt hàng thực phẩm cơ bản như bún xào, cơm chiên, trái cây, bánh quy và kem cuộn cho người nghèo và người vô gia cư. Tuy nhiên, tình hình khó khăn buộc họ phải cắt giảm thịt khỏi các suất ăn và phần lớn là cung cấp đồ ăn chay.

Người nghèo châu Á chật vật trong cơn bão giá - 4

Quầy bán thịt ở Malaysia (Ảnh: Reuters).

Philippines

Tại thủ đô Manila của Philippines, một chiếc bánh pizza 18 inch (khoảng 45 cm) có giá 1.000 peso (tương đương 20 USD) và số tiền đó bằng giá một bữa ăn cho 5 người, đồng thời có thể nuôi sống 150 người.

Thậm chí, những người Philippines có mức thu nhập khá giả cũng coi đại dịch Covid-19 là một "cơn thịnh nộ lớn". Theo thống kê của tổ chức thăm dò tư nhân từ ngày 28/4-2/5, khoảng 21 triệu người (chiếm 17% tổng dân số) rơi vào tình trạng thiếu lương thực, con số kỷ lục kể từ năm 1998.

Theo Bộ Nông nghiệp, kể từ đại dịch bắt đầu vào tháng 4 năm ngoái, chính phủ Philippines đã ổn định giá gạo xay xát thông thường ở mức 40 peso/kg nhưng nhìn chung, giá các loại thực phẩm khác đều tăng.

Hiện nay, cá rô phi có giá 120 peso (2,3 USD)/kg và cá galunggong (cá nục), một loại cá dành cho người nghèo cũng lên tới mức giá 180 - 200 peso kg. Vào tháng 6 năm ngoái, một kg thịt lợn ba chỉ có giá 260 peso, nhưng đến tháng 4 năm nay đã tăng lên  420 peso (tăng 61%).

Theo ước tính của Tổ chức Ibon Foundation, khoảng 17,3 triệu người Philippines, bao gồm 70% gia đình nghèo nhất, đã mất trung bình 32.000 peso trong đại dịch. Trong bối cảnh giá lương thực tăng cao, thu nhập giảm và tiền tiết kiệm dần cạn kiệt, nhiều người Philippines không có điều kiện kinh tế sẽ phải đối mặt với nạn đói.