1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Li Băng phẫn nộ vì giới lãnh đạo vắng bóng khó hiểu

An Bình

(Dân trí) - Chỉ chưa đầy 48 giờ sau khi xảy ra vụ nổ thảm khốc, Tổng thống Pháp Macron đã có mặt tại thủ đô Beirut và thị sát hiện trường. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Li Băng lại vắng bóng một cách khó hiểu.

Người Li Băng phẫn nộ vì giới lãnh đạo vắng bóng khó hiểu - 1

Một khu phố ở thủ đô Beirut, Li Băng chìm trong đổ nát sau vụ nổ (Ảnh: Reuters)

Tới thăm một khu dân cư bị tàn phá vì vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut, Tổng thống đã nhìn thẳng vào mắt người dân, cam kết hỗ trợ lương thực và theo đuổi một sáng kiến chính trị mới. Ông bày tỏ sự thương tiếc về những mất mát to lớn về người và có lúc còn gạt vệ sĩ sang một bên để an ủi một phụ nữ.

Điều đáng nói là, ông là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chứ không phải một nhà lãnh đạo Li Băng.

Chỉ chưa đầy 48 giờ sau vụ nổ rung chuyển thủ đô Beirut, khiến ít nhất 145 người thiệt mạng và tàn phá toàn bộ nhiều khu dân cư ở thủ đô, Tổng thống Macron ngày 6/8 đã làm điều mà không chính trị gia cấp cao Li Băng nào thực hiện: Trực tiếp thị sát hiện trường vụ nổ.

Sự đối lập này là không bất ngờ với người Li Băng. Khi họ dọn dẹp nhà cửa và đường phố từ những đống đổ nát, an táng các nạn nhân và băn khoăn không biết có thể lấy hàng tỷ USD từ đâu để tái thiết thủ đô, họ đã không nhìn thấy các dấu hiệu chứng tỏ các nhà lãnh đạo có thể trợ giúp họ khi cần.

“Tôi không muốn nước Pháp gửi tiền cho những người tham nhũng”, ông Khalil Honein nói bên ngoài cửa hàng phụ tụ ô tô bị thiệt hại do vụ nổ sau khi Tổng thống Macron đi bộ qua đây. “Hãy để ông ấy mang hết các chính trị gia này đi với ông ấy, hoặc để ông ấy trở thành tổng thống của chúng tôi”.

Trong bối cảnh số người chết vì vụ nổ vẫn không ngừng tăng lên và có các dấu hiệu cho thấy chính phủ phớt lờ nguyên nhân dẫn tới thảm họa, nỗ lực tái thiết phần lớn đè nặng lên vai người dân Li Băng, với sự trợ giúp của các quốc gia trên khắp thế giới.

Người Li Băng phẫn nộ vì giới lãnh đạo vắng bóng khó hiểu - 2

Một người đàn ông thu dọn những mảnh kính vỡ tại một nhà thờ Hồi giáo ở Beirut sau vụ nổ (Ảnh: Reuters)

Chỉ trong ngày 6/8, đảo Síp - quốc gia láng giềng nơi nhiều người cũng cảm nhận được vụ nổ - đã cử các bác sĩ tới Li Băng. Đan Mạch đã chuyển tiền mặt, trong khi Italy, Jordan và Trung Quốc gửi tới các y bác sĩ và thiết bị y tế. Liên Hợp Quốc cũng công bố giải ngân 9 triệu USD nhằm hỗ trợ các bệnh viện ở Beirut, 3 trong số đó đã bị tàn phá nặng nề bởi vụ nổ.

Không rõ các khoản hỗ trợ trên có thể giải quyết như thế nào các nhu cầu rất bức thiết của người dân bị ảnh hưởng bởi vụ nổ, vốn đã khiến hơn 250.000 người bị mất nhà cửa. Thảm kịch cũng xảy ra trong bối cảnh Li Băng đang gặp khủng hoảng tài chính, khiến nhiều người rơi vào đói nghèo ngay cả trước khi vụ nổ xảy ra. Thống đốc Beirut ước tính, thiệt hại của vụ nổ vào khoảng 3 tỷ USD.

Tại nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các tình nguyện viên nước ngoài đã tham gia cùng các tình nguyện viên địa phương phân phát đồ ăn và trợ giúp người dân dọn dẹp kính vỡ và các đống đổ nát từ các con phố và nhà dân.

“Đây là một sáng kiến cá nhân”, Joelle Debs, thành viên của một nhóm tình nguyện tham gia phân phát đồ ăn nói khi đang cầm xẻng và chổi. “Chúng tôi không hi vọng gì nhiều từ chính phủ hay chính quyền”.

Cùng lúc đó, các nhóm dọn dẹp cũng thể hiện sự giận dữ với chính phủ mà họ đổ lỗi về sự phá hủy các khu dân cư, đồng thanh hô “Cách mạng, cách mạng” hay những lời chỉ trích nhằm vào Tổng thống Li Băng Michel Aoun.

Vụ nổ "như bom hạt nhân" tại Li Băng diễn ra như thế nào?

Một vụ đánh nhau đã xảy ra ngay trước tòa nhà của Hội Chữ thập đỏ Li Băng tại Gemmayzeh, khu vực bị thiệt hại nặng nề do vụ nổ, sau khi một số người xúc phạm Tổng thống Aoun và những người ủng hộ Tổng thống đáp trả. Ngay sau đó, một chiếc lều của Hội Chữ thập đỏ đã bị xé toạc, một người đàn ông bị chảy máu đầu trong khi những người khác nhanh chóng can thiệp để ngăn chặn vài nam giới cầm xẻng định xông vào.

Các tình nguyện viên khác chỉ trích sự chia rẽ đảng phái mà nhiều người cho là nguyên nhân khiến chính phủ nước này không thể hoàn thành tốt việc gì.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ có một đất nước”, một người nói. “Chúng tôi đã không có một đất nước rồi”, một người khác đáp.

Sự giận dữ đối với tầng lớp lãnh đạo đất nước đã gia tăng từ mùa thu năm ngoái, khi các cuộc biểu tình nổ ra trên đường phố Beirut và các thành phố khác kêu gọi lật đổ ban lãnh đạo sau nhiều năm quản lý yếu kém và tham nhũng.

Kể từ đó, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến đồng tiền của Li Băng mất giá mạnh và tác động tới nền kinh tế, khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 càng làm gia tăng các khó khăn về kinh tế.

Tiếp đến là vụ nổ khủng khiếp tại cảng Beirut hôm 4/8, mà cho tới nay đã khiến ít nhất 145 người thiệt mạng và khoảng 5.000 người khác bị thương. Có các dấu hiệu cho thấy vụ nổ dường như là do 2.750 tấn hóa chất amoni nitrat vốn được trữ tại cảng kể từ năm 2014, bất chấp nhiều cảnh báo từ các quan chức cảng rằng số hóa chất này rất nguy hiểm.

Thủ tướng Hassan Diab đã cam kết tìm ra người chịu trách nhiệm về vụ nổ sau một cuộc điều tra, nhưng chính phủ cho tới nay công bố rất ít thông tin về cuộc điều tra này.

Ngày 6/8, Ngân hàng trung ương Li Băng cho biết đã đóng băng tài khoản của những người đứng đầu cảng, giới chức hải quan Li Băng và 5 người khác được cho là có liên quan tới cuộc điều tra.

Nhưng nhiều người Li Băng cho rằng cuộc điều tra khó tìm ra người chịu trách nhiệm thực sự tại một đất nước nơi các chính trị gia cấp cao, trở nên giàu có thông qua tham nhũng, sống trong những khu nhà biệt lập có bảo vệ và ít khi xuất hiện nơi công cộng, ngoại trừ khi những đoàn xe bọc thép, màu đen của họ xuất hiện trên đường.

Không ai trong số họ xuất hiện tại các khu dân cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ nổ, nhưng một số người đã gặp phải sự giận dữ của công chúng ở các nơi khác.

Hôm 5/8, những người biểu tình đã đuổi theo đoàn xe của cựu Thủ tướng Saad Hariri sau khi một trong số các vệ sĩ bắt giữ một phụ nữ đã đá vào một trong số những chiếc xe này.

Sự vắng bóng rõ ràng của các nhà lãnh đạo chính trị tại Li Băng đã đối lập hoàn toàn với sự hiện diện của Tổng thống Pháp.

Người Li Băng phẫn nộ vì giới lãnh đạo vắng bóng khó hiểu - 3

Tổng thống Pháp Macron hôm an ủi một phụ nữ trong chuyến thăm thủ đô Beirut ngày 6/8 (Ảnh: Reuters)

Mặc áo sơ mi xắn tay và đeo khẩu trang để đề phòng Covid-19, Tổng thống Macron đã thị sát hiện trường vụ nổ và gặp gỡ đám đông những người tập trung tại một khu dân cư bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ nổ. Có lúc, ông Macron đã kéo khẩu trang xuống để trò chuyện với người dân, vẫy tay chào mọi người đang quan sát từ ban công và những người đang dùng điện thoại ghi hình ông.

“Tôi nhìn thấy xúc cảm trên gương mặt các mặt, nỗi buồn và nỗi đau”, ông nói với một nhóm người dân địa phương, nhấn mạnh tới mối quan hệ lịch sử sâu sắc giữa hai nước khi Li Băng từng là thuộc địa của Pháp. “Đây là lý do vì sao tôi có mặt ở đây”.

Ông Macron đã cam kết trợ giúp những người bị mất nhà cửa và hứa rằng số tiền trợ giúp sẽ không rơi vào tay những người tham nhũng. Nhiều người đã hét lớn những lời chỉ trích Tổng thống Aoun và chính phủ. Ông Macron cho biết ông có kế hoạch thảo luận với các nhà lãnh đạo Li Băng về “một hiệp ước chính trị mới”.

“Cũng cần có sự thay đổi chính trị ở đây. Vụ nổ này nên là khởi đầu của một thời đại mới”, ông Macron nói.

Trước khi rời Li Băng, ông Macron cho biết ông đã gửi tới các nhà lãnh đạo nước này một danh sách các biện pháp cải cách khẩn cấp cần thực hiện để “mở khóa” hàng tỷ USD từ các nguồn quỹ quốc tế. Ông cũng cho biết Pháp sẽ chủ trì một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế và đảm bảo minh bạch để các nguồn tài trợ tới tay người dân thay vì qua tay các nhà môi giới tại nước này.

Nhiều người Li Băng thích phong cách chính trị của Tổng thống Macron, đặc biệt khi họ so sánh với những gì nhìn thấy từ chính các chính trị gia địa phương. Một đơn thỉnh cầu trên mạng thậm chí còn kêu gọi “đặt Li Băng dưới sự bảo trợ của Pháp trong 10 năm tới”.

“Chúng tôi đang đề nghị Tổng thống Pháp tiếp quản Li Băng”, một người ký đơn viết. “Không có tương lai ở đây cho chúng tôi nếu các chính trị gia hiện nay vẫn ở đó”.

Tổng thống Pháp ôm an ủi một phụ nữ tại Li Băng