1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vụ nổ Beirut: “Giọt nước tràn ly” thổi bùng cơn thịnh nộ của người Li Băng

Thành Đạt

(Dân trí) - Khi người dân Li Băng dọn dẹp những mảnh vỡ sau vụ nổ kinh hoàng, họ nhận ra thảm kịch này là “giọt nước tràn ly” sau nhiều năm đất nước nằm dưới sự quản lý yếu kém và tắc trách.

Vụ nổ Beirut: “Giọt nước tràn ly” thổi bùng cơn thịnh nộ của người Li Băng - 1

Hiện trường là một đống đổ nát khổng lồ sau vụ nổ tại Beirut. (Ảnh: Getty)

Kể từ khi lô hóa chất có khả năng phát nổ cao được chuyển tới cảng Beirut vào năm 2013, giới chức Li Băng đã xử lý chúng giống như cách họ vẫn làm lâu nay đối với hàng loạt vấn đề của đất nước như cắt điện, nước nhiễm bẩn hay rác thải quá tải: Tranh cãi qua lại và hy vọng vấn đề tự biến mất.

Tuy nhiên lô hàng gồm 2.750 tấn amoni nitrat được tiếp nhận 7 năm trước đã bất ngờ phát nổ vào tối 4/8, gây chấn động thủ đô Beirut, tàn phá hàng loạt công trình biểu tượng, khiến ít nhất 135 người thiệt mạng và 5.000 người bị thương. Hàng trăm nghìn người bỗng nhiên rơi vào cảnh mất nhà cửa. Thiệt hại ước tính từ 3 - 5 tỷ USD.

Chính quyền Li Băng cam kết sẽ điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ nổ và buộc những người liên quan tới thảm kịch phải chịu trách nhiệm. Nhưng khi bước qua đống đổ nát như thời chiến để thu lượm những gì còn sót lại từ những ngôi nhà hoặc cơ sở kinh doanh của họ, nhiều người coi vụ nổ là “đòn giáng” đỉnh điểm sau nhiều năm quản lý yếu kém và tắc trách của giới chức Li Băng.

Vụ nổ "như bom hạt nhân" tại Li Băng diễn ra như thế nào?

Nada Chemali, một chủ doanh nghiệp giận dữ, đã kêu gọi người dân Li Băng phản kháng các lãnh đạo chính trị - những người mà bà cáo buộc hủy hoại đất nước.

Cửa hàng đồ gia dụng và nhà của Nada bị phá hủy trong vụ nổ và bà cũng không kỳ vọng chính phủ sẽ trợ cấp để giúp bà sửa chữa chúng.

“Ai trong số các “ông lớn” sẽ giúp đỡ chúng tôi? Ai sẽ bồi thường cho chúng tôi”, bà Nada gào thét.

Các nhân viên cứu hộ vẫn đang vật lộn điều trị cho hàng nghìn người bị thương trong bối cảnh nguồn lực thiếu thốn và một số bệnh viện không thể hoạt động được.

“Chúng tôi cần mọi nguồn lực để đưa các bệnh nhân nhập viện, nhưng mọi thứ đều thiếu trầm trọng”, Bộ trưởng Y tế Hamad Hassan cho biết.

Tại bệnh viện Rosary gần cảng Beirut, vụ nổ đã hất văng các bệnh nhân khỏi giường, khiến một y tá thiệt mạng và một y tá khác bị gãy chân. Bác sĩ Joseph Elias, trưởng khoa tim mạch, ước tính thiệt hại của bệnh viện có thể lên đến 5 triệu USD.

"Tất cả thang máy đều bị hỏng, toàn bộ máy thở, cánh cửa đều bị phá hủy. Chỉ còn lại những bức tường của bệnh viện”, ông Elias nói.

Giống như người dân Beirut, bệnh viện Rosary cũng không hy vọng nhận được giúp đỡ từ chính quyền.

Không khu vực nào xung quanh cảng Beirut “thoát khỏi” sức tàn phá của vụ nổ. Trong khi nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực dọc bến cảng và các khu dân cư gần cảng, xung kích từ vụ nổ thậm chí thổi bay cửa sổ của các ngôi nhà nằm trên đồi cách xa thủ đô Beirut.

Gần trung tâm thành phố, cảnh tượng như chiến trường với những ngôi nhà bị tàn phá, những chiếc xe bị cuốn phăng và cây cối đổ ngang các tuyến đường. Ở khắp nơi, người dân Li Băng tập trung dọn dẹp cửa kính, gạch đá và máu vương vãi ở các cửa hàng, nhà cửa và ban công.

Khó khăn chồng chất

Vụ nổ Beirut: “Giọt nước tràn ly” thổi bùng cơn thịnh nộ của người Li Băng - 2

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối chính quyền tại Li Băng. (Ảnh: New York Times)

Khi đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế, người dân Li Băng không biết làm thế nào để có kinh phí xây dựng lại cuộc sống mới. Do khủng hoảng tài chính, các ngân hàng đã giới hạn số tiền mặt được rút ra nhằm ngăn chặn tình trạng người dân rời bỏ đất nước.

“Ngân hàng đang giữ tiền của chúng tôi. Nếu bạn muốn trả tiền thuê công nhân sửa chữa, bạn phải có tiền mặt. Lẽ ra chính quyền có thể giúp đỡ, nhưng họ cũng đang kiệt quệ. Đất nước đang sụp đổ”, Roger Matar, người có căn nhà bị tàn phá trong vụ nổ, cho biết.

Chính những vấn đề tồn tại lâu nay ở Li Băng sẽ cản trở khả năng phục hồi của nước này sau thảm kịch. Ngay cả những người có tiền cũng sẽ gặp khó khăn khi xây dựng lại nhà cửa và mở cửa lại doanh nghiệp, nếu họ không thể rút tiền khỏi ngân hàng.

Sau khi nội chiến kết thúc vào năm 1990, Li Băng đặt mục tiêu tái thiết đất nước trở thành trung tâm văn hóa tài chính tại Trung Đông, một Thụy Sĩ thứ hai trong khu vực. Rốt cuộc  Li Băng không đạt được mục tiêu đề ra, thay vào đó quốc gia này phải đối mặt với tình hình chính trị bất ổn, tham nhũng lan rộng, cơ sở hạ tầng yếu kém và nợ công khổng lồ, bằng 160% GDP.

Thủ đô của Li Băng biến dạng sau vụ nổ kinh hoàng khiến 135 người chết

Sự bất mãn của người dân bùng nổ vào cuối năm ngoái, khi những người biểu tình xuống đường phản đối tình trạng tham nhũng, buộc thủ tướng phải từ chức. Tuy vậy, các vấn đề cố hữu của Li Băng vẫn không được giải quyết mà ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Giá trị đồng nội tệ giảm 80%, thất nghiệp tăng vọt và giá cả leo thang. Lệnh phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 càng khiến cho nền kinh tế Li Băng thêm suy sụp.

Rất ít người dân Li Băng có niềm tin rằng chính phủ sẽ giúp đỡ họ hoặc tìm ra “chân tướng” của vụ nổ đã tàn phá một nửa thành phố Beirut.

Những chi tiết mới xuất hiện về số lượng lớn hóa chất gây nổ được lưu trữ tại cảng Beirut, nơi gần trung tâm thành phố và khu dân cư, mà không được bảo vệ càng cho thấy rõ năng lực quản lý yếu kém của chính quyền Li Băng.

Con tàu chở lô hóa chất trên bị giữ lại tại Beirut khi đang trên đường tới Mozambique. Một tòa án Li Băng đã ra lệnh giữ lô hàng này, do vậy lô hóa chất được chuyển tới nhà kho ở cảng.

Trong suốt 6 năm, các nhà chức trách cảng Beirut nhiều lần yêu cầu tòa án tìm phương án xử lý số hóa chất nguy hiểm. Giám đốc cảng Hassan Koraytem cho biết giới chức cảng được thông tin rằng lô hóa chất sẽ được đấu giá, nhưng sự kiện này chưa bao giờ diễn ra, trong khi phía tòa án vẫn phớt lờ các thư cảnh báo do giới chức cảng Beirut gửi lên.

Ông Koraytem nói rằng ông không biết về mức độ tàn phá của lô hóa chất được lưu trữ tại cảng, do vậy cảng không có biện pháp phòng ngừa để bảo vệ lô hóa chất đó.

“Bây giờ chúng ta đang sống trong thảm kịch quốc gia. Sẽ không còn cảng nào nữa”, giám đốc cảng Beirut cho biết.

Đối với nhiều người Li Băng, cơn giận dữ của họ càng thêm sôi sục sau vụ nổ ở cảng Beirut vì thảm kịch này rốt cuộc không phải do kẻ thù nào gây ra, mà chính do lỗi của chính quyền.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm