1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Kurd: Quân bài hiểm của Mỹ khiến Nga-Syria khốn đốn (?)

Mỹ vừa tuyên bố không cung cấp vũ khí cho người Kurd Syria đánh Raqqa, ngoài ra, họ cũng không được dự cuộc đàm phán hòa bình cho Syria ở Astana.

Người Kurd không chấp nhận đàm phán Astana

Vừa qua, Liên đoàn Dân chủ Bắc Syria (North Syria Democratic Federation, một cơ cấu quản lý của các vùng đất do người Kurd kiểm soát ở phía bắc Syria) tuyên bố rằng, do các đại diện của họ không tham gia vào cuộc đàm phán tại Astana, không được bày tỏ chính kiến của mình nên bất kỳ quyết định nào được đưa ra ở đó, sẽ không có hiệu lực áp dụng cho họ.

Các quan chức người Kurd nói rằng, việc trục xuất đại diện phía bắc Syria khỏi các cuộc đàm phán là một “sự vi phạm nhân quyền” của người dân Syria sống ở đây (không chỉ người Kurd mà còn người Ả Rập, Assyria, Armenia và những người khác).

Tuyên bố của người Kurd nói rõ, toàn bộ phía bắc Syria không tham gia vào các kế hoạch trong tiến trình hòa bình được xây dựng ở Astana và cả ở hội nghị tiếp theo tại Geneva - Thụy Sĩ. Điều này là sự tiếp nối sai lầm trong cuộc đàm phán tại Geneva hồi tháng 2/2016.

Khi đó, tất cả ba vòng của các cuộc đàm phán về Syria tại Thụy Sĩ đã diễn ra mà không có sự tham gia của người Kurd. Bây giờ, các cuộc đàm phán tương tự được lên kế hoạch tại Astana ngày 23/1 và Geneva tháng 2/2017 cũng không có sự tham gia của họ.

"… Cuộc đấu tranh của chúng tôi, sự hy sinh, và sự đóng góp cho tiến bộ lịch sử về chế độ chính trị và xã hội đã thể hiện rằng, người Kurd là lực lượng sức mạnh chính, xứng đáng nhất có mặt trong cuộc họp Astana” - tuyên bố của Liên đoàn Dân chủ Bắc Syria cho biết.

Hơn nữa, YPG (Đơn vị Bảo vệ Nhân dân) và YPJ (Đơn vị nữ bảo vệ Nhân dân) của người Kurd đã giải phóng được một phần rộng lớn của Syria từ tay khủng bố, điều đó chứng tỏ người Kurd có quyền và đủ điều kiện nhất để tham gia vào tiến trình giải quyết liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria.

Liên đoàn Dân chủ Bắc Syria nhấn mạnh rằng, cuộc họp Astana sẽ không thành công giống như các cuộc họp trước đó, còn lực lượng vũ trang của người Kurd sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của họ chống lại các nhóm khủng bố và xây dựng hệ thống dân chủ liên bang ở khu vực phía Bắc Syria.

Tuyên bố này của đại diện chính trị của người Kurd được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đã mời đại diện của KNC (Kurdish National Council - KNC, tức Hội đồng Quốc gia người Kurd, một bộ phận của SNC - Syrian opposition’s National Coalition, tức Liên minh đối lập quốc gia Syria) tham gia hội đàm ở Astana.

Mỹ đang hỗ trợ hỏa lực không quân cho người Kurd đánh IS ở Raqqa
Mỹ đang hỗ trợ hỏa lực không quân cho người Kurd đánh IS ở Raqqa

Tuy nhiên, đây chỉ là một đảng phái chính trị thuần túy, không có thực lực quân sự như YPG và cũng không có nhiều ảnh hưởng tới cộng đồng người Kurd ở Syria.

Mỹ giảm nhẹ vai trò của người Kurd ở Raqqa

Trong khi người Kurd không được mời tham dự hội đàm ở Astana thì vai trò của họ trong chiến dịch chống khủng bố IS ở Raqqa cũng bị giảm nhẹ, ngay cả từ phía người đỡ đầu là Hoa Kỳ.

Giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc ngày 21/1 đã nhấn mạnh với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ của họ rằng, Mỹ chỉ trang bị và hậu thuẫn cho một số ít binh lính liên quân Arab, chứ không phải là người Kurd, trong tổ chức “Lực lượng Dân chủ Syria Kurd” (SDF- Syrian Democratic Forces).

Hiện nay, SDF có khoảng 50.000 tay súng, trong đó có hơn 27.000 chiến binh của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG). Ngoài ra, Liên minh các tay súng Ả Rập Syria của SDF bao gồm khoảng 23.000 quân hỗn hợp, trong đó cũng có không ít người Kurd.

Được biết, lực lượng vũ trang của SDF tuyên bố mở chiến dịch giải phóng Raqqa bắt đầu từ ngày 5/11/2016. Theo thông báo, cuộc tấn công trên mặt đất chỉ do người Kurd thực hiện, Không quân Mỹ chịu trách nhiệm hỗ trợ hỏa lực không kích.

Trong chiến dịch này, SDF sử dụng khoảng 30.000 tay súng để tấn công đánh chiếm các cứ điểm ngoại ô, số còn lại không triển khai tấn công ồ ạt mà tiến hành bao vây thành phố và dần dần đánh bật các lực lượng đồn trú của IS ra ngoài.

Hôm 18/1, SDF cũng thông báo rằng, kể từ khi bắt đầu Chiến dịch Cơn thịnh nộ Euphrates (Euphrates Wrath), họ đã giải phóng 3.200 km vuông lãnh thổ Syria, trong đó có 236 làng, tiêu diệt hơn 620 tay súng IS và giải phóng hàng nghìn người dân ở nông thôn miền Tây Raqqa.

"Các đối tác địa phương của chúng tôi tại Syria tiếp tục điều động quân về Raqqa và tôi cũng tự tin rằng họ sẽ sớm cô lập được nhóm khủng bố IS ở thành phố này" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phân trần về sự hỗ trợ của Mỹ cho các lực lượng SDF hôm 20/1.

Ông Carter nói thêm rằng, Lầu Năm Góc đã bắt đầu thả dù viện trợ hàng hóa và vũ khí, trang bị cho phe Ả Rập nằm trong cơ cấu của SDF, để hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố Raqqa thủ phủ của tỉnh cùng tên.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết, Mỹ đã hỗ trợ trang thiết bị cho SDF trong thời gian qua và sẽ tiếp tục làm điều đó. Tuy nhiên, ông này đã cố gắng để giảm bớt sự lo lắng của Thổ Nhĩ Kỳ khi nói rằng, Mỹ chỉ cung cấp cho Liên minh Ả Rập Syria thuộc SDF.

Cũng trong ngày 20/1, Trợ lý của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là Elissa Slotkin cũng tuyên bố rằng, các tay súng thuộc các nhóm dân quân người Arab của SDF sẽ là những người cuối cùng tiến vào Raqqa, bởi thành phố chủ yếu là người Ả Rập.

Tuy Washington đã giải thích rõ nhưng ai cũng biết chắc chắn là Mỹ đã cung cấp vũ khí cho người Kurd. Một số chuyên gia cho rằng, họ buộc phải nói như vậy để tránh mất lòng Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng không phải là ngoại lệ, do đó, YPG đã không thể đến Astana với tư cách là một lực lượng đối lập.

Người Kurd: Quân bài lợi hại nhất của Mỹ

Tuy nhiên, nhận định này không hẳn đã đúng, việc Mỹ giảm nhẹ vai trò của người Kurd và việc họ không được đến Astana với vai trò một lực lượng đối lập có thể xuất phát từ chủ ý của Lầu Năm Góc, chứ Ankara chưa đủ tầm để buộc Washington phải loại bỏ người Kurd.

Một số chuyên gia cho rằng, trái ngược với Nga muốn biến người Kurd trở thành một lực lượng đối lập ở Syria để dễ đưa họ vào khuôn khổ chế ước của các cuộc hòa đàm quốc tế, Mỹ không muốn điều đó, để YPG - dưới sự chỉ đạo của mình có thể tự do hành động.

Như vậy, người Kurd Syria đã trở thành một công cụ của Mỹ mà ngoài Washington ra không ai có thể kiềm chế được. Trên thực tế, người Kurd hiện đã trở thành một thế lực lớn ở Syria mà chính quyền Damascus và người Nga không thể quản lý được.

Người Kurd đang là quân bài rất lợi hại của Mỹ
Người Kurd đang là quân bài rất lợi hại của Mỹ

Họ không bị coi là khủng bố phải bị tiêu diệt, mà cũng không phải là phe đối lập để phải ngừng bắn theo lệnh bất cứ ai. Họ muốn làm gì ở Syria thì làm nên trong khi Damascus vất vả chống lại đủ mọi thế lực chống đối thì người Kurd ung dung tập trung vào mục tiêu chính là chống IS.

Với danh nghĩa chống khủng bố, người Kurd đang dần mở rộng phạm vi kiểm soát của mình ở phía Bắc Syria từ Aleppo sang al-Hasakah và giờ đây là al-Raqqa. Tới đây rất có thể họ còn mở rộng phạm vi tấn công xuống đến Deir Ezzor - tỉnh mà quân đội Syria chỉ còn giữ được vẻn vẹn thành phố thủ phủ.

Người Kurd giành được thêm càng nhiều đất đai cũng đồng nghĩa với việc khu tự trị tương lai của họ sẽ ngày càng rộng hơn, lãnh thổ chính quyền Assad sẽ càng thu hẹp lại và sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ càng được mở rộng.

Nếu như vào hồi năm 2015, ở Syria hầu như không có cố vấn Mỹ thì hiện nay hàng ngàn chuyên gia quân sự Mỹ đang hiện diện ở các khu vực người Kurd ở Aleppo, ở al-Hasakah, ở Raqqa và tới đây có thể hàng chục nghìn quân và chuyên gia quân sự Mỹ sẽ tiếp tục đổ vào Syria.

Mỹ cắm cờ trên các thị trấn người Kurd để ngăn Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, xây dựng các sân bay quân sự và trại huấn luyện trên khắp vùng lãnh thổ người Kurd, biến lãnh địa của họ ở khu vực phía Bắc Syria trở thành căn cứ địa của mình.

Người Kurd không đổ máu để chiếm Raqqa cho Syria. Nếu họ chiếm được thủ phủ của IS cũng đồng nghĩa với việc Mỹ đã chiếm thêm 1 tỉnh của Syria.

Đây là mối họa rất lớn nhưng trong điều kiện thiếu lực như hiện nay, Nga và Syria buộc phải ưu tiên cho mục đích chính là chống quân đối lập và khủng bố, nhắm mắt làm ngơ trước các hành động của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua 2 lực lượng mà họ hậu thuẫn là người Kurd và Quân đội Syria Tự do.

Sau khi đã quét sạch khủng bố IS và al-Nusra, cùng với các nhóm phiến quân đối lập, chắc chắn là việc đầu tiên ông Trump phải làm sẽ là tính cách giành lại những vùng đất do Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd chiếm giữ. Tuy nhiên, đó sẽ là điều rất khó.

Theo Thiên Nam

Đất Việt