Người Kurd chọc giận cả Trung Đông
Cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd tại Iraq đe dọa làm xao nhãng cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng
Một vùng lãnh thổ ở miền Đông Bắc Iraq đang trên đường trở thành điểm nóng mới ở Trung Đông sau khi cộng đồng người Kurd ở đó bỏ phiếu ủng hộ độc lập trong cuộc trưng cầu bị phản đối mạnh vào đầu tuần này.
Tối hậu thư của Baghdad
Ông Masoud Barzani, người đứng đầu chính quyền vùng Kurdistan ở Iraq (KRG), hôm 26-9 kêu gọi chính phủ trung ương ở Baghdad đối thoại nghiêm túc về mong muốn độc lập của người dân tại khu vực tự trị này, thay vì đe dọa trừng phạt.
Ông cũng kêu gọi các cường quốc trên thế giới "tôn trọng ý nguyện" của hàng triệu người bỏ phiếu, trong đó có hơn 90% cử tri ủng hộ độc lập - theo kết quả của kênh truyền hình Rudaw.
Dù vậy, trong nỗ lực xoa dịu Baghdad, ông Barzani cho biết kết quả cuộc bỏ phiếu không mang tính ràng buộc mà chỉ được sử dụng làm đòn bẩy trong các cuộc thương thảo tương lai với chính phủ Iraq về vấn đề chia sẻ doanh thu dầu mỏ và biên giới.
Chỉ có điều chính phủ Iraq đã thẳng thừng bác bỏ khả năng đối thoại với KRG khi khẳng định cuộc trưng cầu này vi hiến, nhất là khi nó được tổ chức tại cả những khu vực đang tranh chấp.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi chỉ trích các nhà lãnh đạo người Kurd phạm "một sai lầm chiến lược và lịch sử" và cho họ thời hạn chót là ngày 29-9 phải trao lại quyền kiểm soát các sân bay và đường biên giới ở miền Bắc Iraq cho chính phủ liên bang; nếu không, các chuyến bay quốc tế đến khu vực người Kurd sẽ bị đình chỉ. Nhà lãnh đạo Iraq cũng đòi người Kurd giao nguồn thu dầu lại cho Baghdad, dù không ấn định thời hạn chót cho yêu cầu này.
Tối hậu thư nói trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy Iraq, cũng như một số nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria, quyết tâm ngăn người Kurd ly khai.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 26-9 gọi cuộc trưng cầu ý dân là hành động phản bội Ankara của KRG vào thời điểm quan hệ hai bên đang tốt, từ đó đe dọa khơi mào một cuộc chiến tranh sắc tộc, giáo phái ở khu vực.
Nhà lãnh đạo cam kết sẽ cân nhắc mọi lựa chọn, từ trừng phạt kinh tế đến hành động quân sự để đáp trả KRG. Ankara cũng cho biết thêm sẽ hợp tác chặt chẽ với Baghdad trong quá trình xử lý vụ việc, thể hiện phần nào qua sự tham gia của binh sĩ Iraq vào cuộc tập trận của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới 2 nước hôm 26-9.
Cuộc chiến dầu mỏ mới?
Các nước láng giềng của Iraq lo ngại cuộc trưng cầu độc lập nói trên sẽ khuyến khích cộng đồng người Kurd tại nước mình đòi độc lập. Nỗi lo này không phải không có cơ sở khi tại Iran, hàng ngàn người Kurd đã tuần hành ủng hộ cuộc trưng cầu bất chấp cảnh báo của Tehran.
Với cộng đồng quốc tế nói chung, cuộc bỏ phiếu không chỉ khiến khu vực thêm bất ổn mà còn làm xao nhãng cuộc chiến chống IS đang diễn ra ở Iraq và Syria.
Riêng Mỹ dù thất vọng trước động thái của KRG nhưng cam kết quan hệ giữa hai bên không có gì thay đổi. Người Kurd ở Iraq trở thành đồng minh thân cận của Mỹ kể từ khi Washington đề nghị bảo vệ họ trước Tổng thống Iraq Saddam Hussein năm 1991.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ lâu nay cũng khuyến khích người Kurd tránh chọc giận Iraq hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga hôm 27-9 khuyến cáo Iraq và KRG không nên có những bước đi có thể gây bất ổn Trung Đông, cũng như thúc giục hai bên thương thảo tìm giải pháp.
Ngay cả khi xung đột chưa xảy ra lúc này, những căng thẳng quanh cuộc trưng cầu đang khiến thị trường dầu thế giới xáo trộn. Đài CNBC cho biết giá dầu thô Brent hôm 26-9 có lúc tăng lên mức cao nhất trong 26 tháng qua (59,49 USD/thùng), trong lúc giá dầu tại Mỹ chạm đỉnh trong 5 tháng qua (52,43 USD/thùng).
Nhiều chuyên gia lo ngại nguồn cung dầu bị ảnh hưởng tiêu cực. Tổng thống Erdogan đã đe dọa đóng cửa một đường ống đang vận chuyển khoảng 500.000 thùng dầu/ngày từ khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq đến TP Ceyhan - Thổ Nhĩ Kỳ. Con số này gần bằng tổng sản lượng dầu khai thác mà một nhóm nhà xuất khẩu do Nga đứng đầu cắt giảm trong năm nay để giúp Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giải quyết tình trạng thừa mứa nguồn cung dầu.
Ông John Kilduff, chuyên gia của Quỹ Đầu tư Again Capital (Mỹ), cho rằng lời đe dọa của ông Erdogan khiến thị trường lo lắng bởi hiếm khi người ta thấy dầu được sử dụng như một vũ khí ngoại giao.
Theo tờ Daily Sabah, đáng lo hơn là nguy cơ nổ ra cuộc chiến dầu mỏ mới nếu KRG, hiện kiểm soát 20% tài nguyên dầu mỏ ở Iraq, khăng khăng sử dụng kết quả cuộc bỏ phiếu này trong các cuộc thương thảo về độc lập và Baghdad không muốn mất đi các giếng dầu lớn ở khu vực.
Khát vọng độc lập
Người Kurd là nhóm sắc tộc lớn thứ tư ở Trung Đông. Dữ liệu năm 2017 của Viện Paris Người Kurd ước tính thế giới hiện có khoảng 36,4 - 45,6 triệu người Kurd.
Đa số họ sống tại khu vực tự trị ở Iraq, trong lúc số lượng nhỏ hơn sống ở các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran - nơi phong trào dân tộc của người Kurd vẫn tiếp tục đòi tự trị và các quyền về văn hóa.
Ngoài ra có 2 triệu người Kurd sinh sống ở các nơi khác, riêng nước Đức có 800.000 người.
Trong mấy thập kỷ gần đây, người Kurd ngày càng có ảnh hưởng đến tình hình khu vực - đấu tranh đòi tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và nắm giữ vai trò nổi bật trong các cuộc xung đột ở Iraq và Syria, nơi họ cản bước tiến của IS.
Ngày nay, họ hình thành nên một cộng đồng đặc biệt, thống nhất qua chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ và phần lớn họ theo đạo Hồi dòng Sunni.
Đầu thế kỷ XX, nhiều người Kurd đã bắt đầu xem xét chuyện thành lập quốc gia của riêng mình, gọi là "Kurdistan".
Sau khi đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) thất bại trong Thế chiến I, các đồng minh phương Tây thắng trận đã đưa vào Hiệp ước Sèvres (1920) điều khoản về một nhà nước của người Kurd.
Tuy nhiên, 3 năm sau, niềm hy vọng đó đã tiêu tan khi Hiệp ước Lausanne - xác lập biên giới của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại - không có điều khoản nào cho nhà nước của người Kurd. Kết cục là người Kurd trở thành dân tộc thiểu số ở các quốc gia họ sinh sống.
Cho đến giờ, theo đài BBC, bất kỳ động thái nào của người Kurd nhằm thành lập nhà nước độc lập đều đã bị trấn áp thô bạo.
Lục San
Theo Hoàng Phương
Người lao động