1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai đang thắng, ai đang thua ở Trung Đông?

Iran đang thắng, Mỹ và đồng minh đang thua ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ đang bị buộc vào thế phải hợp tác với Iran để bảo vệ quyền lợi của mình.

Từ năm 2011, Trung Đông chìm trong làn sóng khủng hoảng chính trị Mùa xuân Ả rập. Hàng loạt nước lâm vào nội chiến và đến nay vẫn chưa kết thúc, như Syria, Yemen. Có thể nói hầu như tất cả các nước Ả Rập đều dính vào cuộc khủng hoảng này. IS xuất hiện và tăng ảnh hưởng khiến các nước này càng chịu thêm áp lực, chưa kể đến Al-Qaeda và phong trào Anh em Hồi giáo.

Vậy bên nào đang thắng thế, bên nào đang thua ở Trung Đông? Theo Giáo sư danh dự về chính trị Efraim Inbar tại đại học Bar-Ilan (Israel), cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Begin-Sadat (Isarel), không thể phủ nhận nước đang thắng thế nhất trong cuộc khủng hoảng này là Iran.

Thắng: Iran thắng. Thua: Mỹ và đồng minh

Sự chia rẽ giữa người Sunni và Shiite ngày càng sâu sắc với sự thắng thế của Iran. Thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 được Trung Đông xem là một chiến thắng ngoại giao của Iran, cũng là của người Shitte. Iraq với phần đông người Shiite cũng ngả về Iran. Trong khi đó các lực lượng Iran bảo trợ chiến đấu tại Syria ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad ngày càng áp đảo, mục tiêu mở hành lang Shiite xuyên suốt từ Iran đến Địa Trung Hải gần như đã hoàn thành. Ngoài Syria, Iraq, Lebanon và Yemen cũng đang ngả về Iran. Trong khi đó, chương trình tên lửa của Iran vẫn ngày càng phát triển, do thỏa thuận hạt nhân không bao gồm chương trình tên lửa.

Ngược lại, sức mạnh người Sunni ngày càng yếu ớt. Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ không thể đánh bại ông Assad – đồng minh của Iran. Thái tử và là Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman vận động để nước này mạnh tay hơn ở Yemen – được xem là sân sau của mình, nhưng vẫn không thắng được cuộc nội chiến ở đây. Và mới đây, bất chấp áp lực từ Saudi Arabia, nước láng giềng Qatar vẫn quyết định khôi phục quan hệ với Iran.


Chảo dầu nội chiến Syria trở thành nơi trình diễn của rất nhiều nước trong và ngoài khu vực. Ảnh: REUTERS

Chảo dầu nội chiến Syria trở thành nơi trình diễn của rất nhiều nước trong và ngoài khu vực. Ảnh: REUTERS

Israel được xem là một thành viên không chính thức của lực lượng người Sunni vì chung lo ngại, là sự bành trướng của Iran trong khu vực. Tuy nhiên Israel dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang kiềm chế can thiệp ngoài biên giới mình.

Chính sách của Mỹ ở Trung Đông, bắt đầu từ thời Obama đến nay có lợi cho Iran. Chẳng những thỏa thuận hạt nhân mà cả chiến dịch đánh IS của liên quân do Mỹ dẫn đầu đều có lợi cho Iran, khi lực lượng IS chủ yếu là người Sunni. Chưa kể việc Mỹ giảm bớt ảnh hưởng ở Syria từ cuối nhiệm kỳ Obama cũng giúp Iran thắng thế.

Chính phủ Trump đến giờ vẫn chưa có được cách tiếp cận mạch lạc với Trung Đông. Hơn nữa, việc Mỹ giảm dần triển khai sức mạnh đến khu vực dẫn đến suy nghĩ Mỹ từ bỏ vai trò trong chính trị khu vực.

Iran-Thổ Nhĩ Kỳ liên minh nắm quyền khu vực?

Nga trám ngay vào chỗ khuyết thiếu Mỹ để lại. Có thể nói Nga đã cứu vớt chính phủ ông Assad khi can thiệp vào nội chiến Syria. Sự có mặt của Nga ở Syria đã giúp kiềm chế nước láng giềng đối đầu Thổ Nhĩ Kỳ và tạo đà cho Iran mở rộng ảnh hưởng không những ở Syria mà cả khu vực.

Ngoài ra cũng cần nhắc đến sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc đến khu vực. Với dự án hạ tầng Một Vành đai, Một con đường đầy tham vọng, Trung Quốc muốn gắn kết cả kinh tế và chính trị với Trung Đông. Tháng 7 vừa qua tại Djibouti, Trung Quốc ra mắt căn cứ hải quân đầu tiên của mình ở nước ngoài. Căn cứ này là một biểu tượng cho sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc như một sức mạnh toàn cầu đang nổi, đủ khả năng trực tiếp bảo vệ quyền lợi mình ở Trung Đông, cũng như châu Phi và tây Ấn Độ Dương.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (phải) Erdogan tiếp Tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Baqeri ngày 16-8. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (phải) Erdogan tiếp Tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Baqeri ngày 16-8. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên có thể nói các sức mạnh bên ngoài khó có thể thay đổi động lực chính trị trong khu vực, mà yếu tố quyết định là các lực lượng trong khu vực. Lịch sử Trung Đông từng có nhiều minh chứng cho thấy sức mạnh bên ngoài được các nước trong khu vực lèo lái để phục vụ cho mục đích của mình.

Trong khủng hoảng sâu sắc hiện tại của thế giới Ả Rập có lý do để cho rằng quan hệ giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là yếu tố chính quyết định xu hướng chính trị khu vực trong tương lai. Cả hai đều có sức mạnh thuộc hàng lớn nhất khu vực, cùng tham vọng, cùng đủ khả năng đảm đương vai trò quan trọng trong chính trị khu vực.

Bỏ qua sự đối đầu trong lịch sử và chia rẽ giữa hai tộc người Shitte – Sunni, có vẻ hai nước đang tính đường hợp tác với nhau. Mới đây Tổng Tham mưu quân đội Iran sang Thổ Nhĩ Kỳ sau 40 năm, bàn khả năng cùng bắt tay đánh lực lượng tay súng người Kurd. Cả hai đều đứng về phía Qatar trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, cùng có quan điểm chống Israel.

Có thể tới đây sẽ xuất hiện hiện tượng “nhị đầu chế” – Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng nắm quyền ở Trung Đông. Tuy nhiên sự khác biệt trong tư tưởng Hồi giáo sẽ khiến hai bên hợp tác trong thế đối đầu.

Theo Thiên Ân

Pháp luật TP. Hồ Chí Minh