Sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý bản Hiến pháp Iraq
Người Hồi giáo Sunni đứng trước ngã rẽ quyết định
(Dân trí) - Sau khi tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý Hiến pháp Iraq, tộc người thiểu số Sunni tại nước này đang đứng trước sự lựa chọn quan trọng, hoặc tham gia vào tiến trình chính trị của đất nước, hoặc tiếp tục làn sóng bạo lực.
Người Sunni luôn phản đối bản hiến pháp mới, vì lo sợ nó sẽ tạo ra sự rạn nứt trong nước và trao các nguồn dầu dồi dào ở phía bắc và phía nam vào tay người Kurd và Shiite. Kết quả "Đồng ý" trong cuộc bỏ phiếu có thể sẽ thổi bùng lên tình trạng bạo lực.
Ngày 17/10, một vài người Sunni đã phàn nàn rằng có một số dấu hiệu gian lận trong cuộc trưng cầu và cảnh báo về một làn sóng bạo lực mới.
Ông Hussein al-Falluji, một chính trị gia Sunni từng tham gia soạn thảo và cũng từng phản đối bản dự thảo hiến pháp cuối cùng cho biết: "Họ muốn hủy kết quả thật sự. Đó là lý do tại sao họ chỉ cần có 5 ngày để đếm số phiếu bầu". Ông cảnh báo: "Nếu vụ việc được chứng minh là có gian lận thì tình hình an ninh sẽ trở nên rất tồi tệ".
Tuy nhiên, việc bỏ phiếu cũng sẽ lần đầu tiên tạo ra một tiếng nói chính trị cho tộc người Sunni trong quốc hội sau cuộc bầu cử vào tháng 12 tới.
Lôi kéo người Sunni tham gia vào tiến trình chính trị và tránh xa các cuộc nổi dậy là những nỗ lực của các nhà lãnh đạo Iraq thuộc tộc người khác cùng các nhà ngoại giao Mỹ trong việc dập tắt ngọn lửa nội chiến đang có nguy cơ bùng lên. Việc Mỹ đang cố gắng rút quân về nước mà vẫn đảm bảo sự ổn định tại Iraq đang phần nào khuyến khích người Sunni tham gia vào trường chính trị.
Ngoài ra, khi phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein sắp diễn ra vào ngày 19/10 này, thì các nhà lãnh đạo Sunni theo chủ nghĩa dân tộc lại cho rằng họ sẽ chấp nhận việc người dân Iraq bỏ phiếu "Đồng ý" với bản hiến pháp và sẽ tìm cách giải quyết một số vướng mắc theo cách hòa bình tại quốc hội sắp tới.
Theo quy định, hiến pháp bị sẽ bác bỏ nếu 2/3 số phiếu tại 3 trong tổng số 18 tỉnh của Iraq bỏ phiếu chống. Tuy nhiên, theo các kết quả kiểm phiếu sơ bộ, phần lớn cử tri đã đồng ý thông qua và chiến dịch "Nói không" của người Sunni sẽ khó có thể thực hiện. Dù đã có phần lớn cử tri tại 2 tỉnh đông người Sunni bỏ phiếu chống, nhưng ở tỉnh thứ ba là Mosul, tỉ lệ này đã giảm nhiều.
Một số chính trị gia nhận định, điều này cho thấy một số nhóm nổi dậy đã ủng hộ các tiến trình chính trị.
Thật ra, các nhà lãnh đạo Sunni đã từng đề nghị làm trung gian hòa giải trong các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và phe nổi dậy. Tuy nhiên, Washington đã khăng khăng không thương lượng với "những kẻ khủng bố", dù thừa nhận đã có một số liên lạc với các nhóm vũ trang nổi dậy tại Iraq.
Một nhận định khác cho rằng các lãnh đạo Sunni sẽ tiến hành chiến lược quân sự và chính trị song song. Nhưng tỉ lệ cử tri bỏ phiếu cao tại các khu vực người Sunni đã cho thấy vấn đề chính trị hiện đang rất quan trọng với họ. Nói cách khác, người Sunni cũng có thể tự hiểu là không thể bác bỏ được bản hiến pháp này.
Để có được sự điều chỉnh hợp lý, tạo sự "hòa thuận" giữa các tộc người tại Iraq, các nhà phân tích cho biết sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính phủ Mỹ trong việc đạt được các thỏa thuận và việc người Shiite có sẵn sàng nhượng bộ hay không.
Trong khi đó, các quan chức bầu cử Iraq thông báo sẽ tiến hành điều tra việc số phiếu bầu "cao bất thường" tại 12 tỉnh đông người Shiite và Kurd, nơi 99% cử tri đã bỏ phiếu.
Trong một thông báo vào tối 17/10, Ủy ban bầu cử Iraq cho biết kết quả sẽ bị hoãn lại "trong vài ngày" để các nhân viên "rà soát, đối chiếu và kiểm tra lại" kết quả.
Thông báo đã không đề cập đến khả năng gian lận, mà chỉ cho biết việc tái kiểm tra nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế khi tỉ lệ bỏ phiếu cao hơn 90%.
B.C
Theo AFP, Reuters