Người biểu tình Thái tẩy chay hàng hóa liên quan tới gia đình Shinawatra

(Dân trí) - Một số người biểu tình chống chính phủ Thái Lan đã nghe lời khuyên của các thủ lĩnh biểu tình khi tẩy chay các sản phẩm liên quan tới gia đình của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và trả lại các SIM điện thoại di động.

Người biểu tình xếp hàng tại Bangkok để trả lại SIM điện thoại ngày 22/2.
Người biểu tình xếp hàng tại Bangkok để trả lại SIM điện thoại ngày 22/2.

Những người biểu tình đã chặn các giao lộ chính ở thủ đô Bangkok bằng lều bạt, lốp xe và các bao tải cát, tìm cách lật đổ Thủ tướng Yingluck và ngăn chặn sự ảnh hưởng từ người anh trai tỷ phú của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Nhiều người biểu tình xem ông Thaksin là quyền lực thực sự đằng sau chính phủ hiện thời.

Hồi tuần trước, phe biểu tình đã tẩy chay các doanh nghiệp có liên quan, hoặc từng liên quan, tới gia đình Shinawatra, khiến giá cổ phiếu các công ty liên quan sụt giảm mạnh. Và hôm qua 22/2, một số người đã hưởng ứng lời kêu gọi của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban trả lại các SIM điện thoại thuộc công ty di động Advanced Info Service (AIS), tập đoàn viễn thông mà ông Thaksin từng sở hữu.
 
Hành động trên của người biểu tình khiến công ty AIS ngay lập tức phải gửi một tin nhắn tới các khách hàng nói rằng hãng này giờ đây không còn liên hệ gì tới gia đình Shinawatra.
 
Người biểu tình xếp hàng tại Bangkok để trả lại SIM điện thoại ngày 22/2.
Người biểu tình hô các khẩu hiệu phản đối bên ngoài một tòa nhà văn phòng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra ở Bangkok ngày 20/2.

"AIS không tham gia vào chính trị và không đứng về bất kỳ bên nào. Ông Thaksin và gia đình đã bán tất cả các cổ phần trong công ty kể từ ngày 23/1/2006 và kể từ đó không còn liên quan gì tới công ty", tin nhắn của AIS viết.

Aunjit Wongsampan, 65 tuổi, đã xếp hàng ở trung tâm thủ đô Bangkok để trả lại thẻ SIM điện thoại. "Tôi cho rằng sóng điện thoại yếu và tôi sẽ đổi nó vì công ty quá giàu rồi", bà nói.

Khi được xem tin nhắn điện thoại của công ty, bà Aunjit nói: "Tôi không còn tin họ nữa. Tôi đã có lựa chọn của mình".

Những người ủng hộ bà Yingluck đã chỉ trích động thái trên của người biểu tình, khi các cuộc biểu tình chống chính phủ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế, đặc biệt là du lịch.
 
Người biểu tình xếp hàng tại Bangkok để trả lại SIM điện thoại ngày 22/2.
Các nhân viên văn phòng bên trong tòa nhà phải trèo cửa ra ngoài do bị người biểu tình bao vây hôm 20/2.
 
"Điều mà chúng tôi không thích lúc này là họ tham gia vào đe dọa các công ty trên thị trường chứng khoán vốn không có liên quan tới chính phủ", Tida Tawornseth, chủ tịch Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) nói.

UDD, một tổ chức gồm phần lớn những người "Áo Đỏ" ủng hộ ông Thaksin, dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp các lãnh đạo của nhóm này từ khắp cả nước vào hôm nay 23/2 tại Nakhon Ratchasima, đông bắc Bangkok.

Khoảng 500 người biểu tình phản đối Thaksin hồi tuần trước đã tập trung bên ngoài văn phòng tại Bangkok của Tập đoàn SC Asset, một công ty phát triển bất động sản do gia đình Shinawatra quản lý.
 

Người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà của tập đoàn SC Assett ở Bangkok ngày 21/2.
Người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà của tập đoàn SC Assett ở Bangkok ngày 21/2.

Bà Yingluck từng là chủ tịch điều hành của Tập đoàn SC Assett trước khi trở thành thủ tướng vào năm 2011.

Cổ phiếu của Tập đoàn SC Asset đã mất gần 10% kể từ hôm 19/2 và cổ phiếu của nhà phân phối điện thoại di động M-Link Asia Corp, cũng có liên hệ với gia đình Shinawatra, đã mất 12%.

An Bình