Ngư dân Philippines muốn một tân tổng thống cứng rắn với Trung Quốc
(Dân trí) - Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/5, người Philippines, đặc biệt là các ngư dân, đang thể hiện rõ sự ủng hộ với ứng viên dám đương đầu với Trung Quốc, để giúp họ có thể trở lại đánh bắt trên ngư trường truyền thống bị chiếm đóng.
Trên một bãi cỏ bên bờ Biển Đông, một chiếc tàu lưới vét có tên Marvin đang nằm phơi mình, do lực lượng tuần tra bờ biển Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines sau một cuộc đối đầu dữ dội cách đây 4 năm.
Thủy thủ đoàn gồm 10 người của Marvin là những người từng mưu sinh trên khu vực Bãi cạn Scarborough giàu hải sản, cách bờ chừng 124 hải lý. Nhưng kể từ khi tàu tuần tra Trung Quốc tiến vào bãi cạn, những ngư dân tại thị trấn Masinloc này cho biết họ buộc phải làm những công việc lạ lẫm trên bờ, hoặc chạy xe ôm để kiếm sống.
Các ngư dân vẫn mong mỏi ngày được đưa thuyền ra khơi trở lại, và hy vọng cuộc bầu cử ngày 9/5 tới sẽ chọn ra được một vị tổng thống đủ mạnh mẽ, để đối phó với sự quyết liệt của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
Đây là điều mà, theo họ, Tổng thống đương nhiệm Benigno Aquino vẫn còn do dự thực hiện. Trong khi đó, ứng viên hàng đầu trong cuộc đua kế nhiệm ông Aquino, thị trưởng Rodrigo Duterte của thành phố Davao, một người có những phát ngôn cứng rắn, khẳng định mình sẽ cương quyết hơn với Bắc Kinh.
“Chúng tôi muốn có một tổng thống mạnh mẽ hơn để khiến Trung Quốc phải rời biển Philippines. Khu vực đó không phải của họ”, Biany Mula, thuyền trưởng của tàu Marvin nói, sử dụng cách gọi của Philippines đối với khu vực Bãi cạn Scarborough.
Đây là tâm lý chung của nhiều ngư dân, không chỉ ở Philippines mà còn ở Việt Nam và Malaysia, trong bối cảnh những hạm đội tàu đánh cá Trung Quốc được các tàu tuần tra bờ biển hộ tống, đã không ngừng bành trướng bên trong cái gọi là "đường 9 đoạn", mà Bắc Kinh vẽ ra để khẳng định chủ quyền phi lý với hầu như toàn bộ Biển Đông.
Với quy mô quân đội nhỏ và được trang bị yếu hơn rất nhiều, Philippines không muốn đối đầu với Trung Quốc, nhưng họ luôn lên tiếng mạnh mẽ về những tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực quần đảo Trường Sa, cũng như quyền khai thác của họ đối với các vùng biển ven bờ.
Manila cũng khiến Bắc Kinh tức giận, khi thách thức các tuyên bố chủ quyền của nước này tại Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc, tại Hà Lan. Trung Quốc đến nay vẫn phủ nhận thẩm quyền xét xử của cơ quan này, và cũng khẳng định không tuân thủ các phán quyết sắp được đưa ra.
Một số ngư dân Philippines tỏ ra lạc quan về việc nhà lãnh đạo mới của họ sẽ tìm được giải pháp cho vấn đề này. “Tôi sẽ đi bỏ phiếu bởi phải có ai đó giải quyết được vấn đề tại Bãi cạn Scarborough”, Alexander Manzano, một ngư dân nói trong lúc đang sửa chiếc tàu đang neo đậu tại một cầu tàu tạm bợ. “Tôi tin rằng sẽ có người xử lý được việc này. Đó là lí do vì sao tôi sẽ tham gia bầu cử”.
"Thách thức Trung Quốc"
Người mà ông Manzano trông đợi đó có thể là Rodrigo Duterte, ứng viên đang dẫn đầu trong các cuộc khảo sát cử tri và từng có những tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp rất cứng rắn để bài trừ tội phạm và tham nhũng.
Dù vậy, lập trường của ông về vấn đề Biển Đông lại mù mờ. Khi đề tài trên được đưa ra thảo luận, vị thị trưởng cam kết sẽ không đặt hải quân Philippines vào tình thế rủi ro, tuy nhiên ông khẳng định cá nhân mình sẽ thách thức Trung Quốc.
Với Mỹ - một đồng minh then chốt của Philippines - việc ông Duterte đắc cử có thể dẫn tới nhiều bất an. Một quan chức giấu tên tại Washington theo dõi sát cuộc bầu cử tại Philippines cho biết, lập trường của ứng viên này trong vấn đề Biển Đông dường như “mâu thuẫn”, có sự pha trộn giữa sự hiếu chiến cùng các thông điệp hòa giải trong ứng phó với Bắc Kinh.
Murray Hiebert, một chuyên gia Đông Nam Á tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược (CSIS) khẳng định những bình luận của ông Duterte dường như được đưa ra khi chưa suy nghĩ thấu đáo, bao gồm cam kết sẽ đàm phán với Trung Quốc, nhưng chỉ sau khi nước này chấp nhận Trường Sa thuộc về Philippines.
“Đó không phải một lập trường mở mà có thể giúp đưa Trung Quốc tới bàn đàm phán”, ông Hiebert nói.
Cũng giống như Washington, Bắc Kinh không bày tỏ quan điểm ủng hộ ứng viên nào sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới tại Manila.
Quân đội Philippines bị cấm bàn thảo về bầu cử, nhưng một số sỹ quan cấp cao giấu tên cho biết họ sẵn sàng chào đón việc vị thị trưởng trở thành tổng tư lệnh. Những tuyên bố của ông Duterte về việc nghiền nát các phần tử Hồi giáo nổi dậy, những kẻ thực hiện nhiều vụ bắt cóc tống tiền, dường như có sức lôi cuốn, tương tự như cam kết sẽ chăm sóc tốt hơn cho binh sỹ, hay xem an ninh quốc gia là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Những người khác thì hy vọng ông Duterte sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hơn, thông qua những liên minh ngoại giao rộng hơn, cùng những nguồn cung khí tài quân sự mới, để tránh quá lệ thuộc vào Washington.
Còn với Joy Topaz, một người bán cá tại thị trấn Masinloc, vấn đề cấp bách nhất lúc này là đạt được thỏa thuận để ngư dân Philippines trở lại Bãi cạn Scarborough. “Đã có những bàn luận về khả năng có chiến tranh, nhưng chúng tôi sợ cảnh xung đột”, bà Topaz nói. “Đơn giản là hãy đánh bắt, tất cả cùng được ra khơi và đánh bắt”.
Thanh Tùng
Theo CNA