1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngoại trưởng Philippines mất chức vì nói dối về quốc tịch Mỹ

(Dân trí) - Quốc hội Philippines ngày 8/3 đã không chấp thuận việc bổ nhiệm ông Perfecto Yasay làm ngoại trưởng dù ông đã nắm giữ cương vị này từ cách đây 8 tháng, sau khi ông bị cáo buộc không trung thực về việc mang quốc tịch Mỹ.

Ông Perfecto Yasay trong phiên điều trần trước Ủy ban Bổ nhiệm thuộc Quốc hội Philippines ngày 8/3 (Ảnh: Reuters)
Ông Perfecto Yasay trong phiên điều trần trước Ủy ban Bổ nhiệm thuộc Quốc hội Philippines ngày 8/3 (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, Ủy ban Bổ nhiệm thuộc Quốc hội Philippines ngày 8/3 đã bỏ phiếu quyết định không chấp thuận việc bổ nhiệm ông Perfecto Yasay làm ngoại trưởng nước này. Quyết định được đưa ra vài giờ sau khi Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Thượng viện Philippines kết thúc hai phiên điều trần và tiến hành bỏ phiếu bác bỏ tư cách ngoại trưởng của ông Yasay, vì lý do ông nói dối Quốc hội về việc mang quốc tịch Mỹ.

“Ông ấy đã không nói sự thật. Ông ấy đã không thẳng thắn khi hỏi đáp trong các phiên điều trần”, Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson nói với các phóng viên.

Ông Yasay được Tổng thống Duterte bổ nhiệm làm ngoại trưởng từ ngày 30/6/2016 và là bạn đại học thân thiết của nhà lãnh đạo Philippines trước đây. Tại Philippines, quy trình phê chuẩn một vị trí trong nội các của chính quyền mới có thể kéo dài rất lâu sau khi các bộ trưởng được tổng thống chỉ định.

Trong phiên điều trần đầu tiên trước Quốc hội Philippines, ông Yasay khẳng định mình chưa bao giờ là công dân Mỹ. Tuy nhiên, trong phiên điều trần thứ hai diễn ra hôm qua 8/3, các tài liệu được công bố cho thấy ông Yasay đã mang quốc tịch Mỹ từ năm 1986. Cũng theo tài liệu này, ông Yasay đã từ bỏ quốc tịch Mỹ vài ngày trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Philippines.

Ông Yasay, người từng làm công việc luật sư chuyên về vấn đề nhập cư trong thời gian còn sống tại Mỹ, khẳng định ông chưa bao giờ có ý định nói dối về quốc tịch của mình, nhưng ông vẫn xin lỗi vì vô tình khiến ủy ban Quốc hội “hiểu nhầm”.

“Tôi có thể chưa cung cấp đầy đủ thông tin trong câu trả lời của mình nhưng đây là điều hoàn toàn bình thường trong một phiên điều trần như vậy”, ông Yasay cho biết.

Tổng thống bổ nhiệm quyền ngoại trưởng mới

Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo (Ảnh: Straitstimes)
Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo (Ảnh: Straitstimes)

Sau thông báo bãi miễn chức vụ của Ủy ban Bổ nhiệm, Tổng thống Duterte ngày 9/3 đã bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo làm quyền ngoại trưởng Philippines, thay thế ông Yasay.

“Thứ trưởng Manalo là người chuyển giao quyền lực xuất sắc, đồng thời là lãnh đạo cấp cao phụ trách nhiều vấn đề quan trọng song hành cùng ông Perfecto Yasay”, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, ông Ernesto Abella, cho biết.

Thứ trưởng Manalo là nhà ngoại giao kỳ cựu và được kính nể tại Philippines. Ông từng đảm trách cương vị đại sứ Philippines tại Anh và Bỉ, đồng thời là đại diện thường trực của Manila tại Liên Hợp Quốc. Ông hiện cũng là nhân vật chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Philippines hoàn thành tốt vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay.

Tuy nhiên, ông Manalo được cho là sẽ chỉ đóng vai trò quyền ngoại trưởng, tạm thời lãnh đạo Bộ Ngoại giao Philippines từ nay cho tới tháng 5, trước khi Tổng thống Duterte bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Alan Cayetano vào vị trí ngoại trưởng, theo Straitstimes.

Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Duterte và Thượng nghị sĩ Cayetano đã tuyên bố "bắt tay" tranh cử tổng thống và phó tổng thống Philippines. Tuy nhiên, rốt cuộc chỉ có ông Duterte đắc cử còn ông Cayetano chấp nhận thất bại trước ứng cử viên đảng Tự do Leni Robredo. Tại Philippines, các chức danh tổng thống và phó tổng thống được bầu độc lập.

Tổng thống Duterte đã bổ nhiệm ông Yasay làm ngoại trưởng ngay sau khi ông đắc cử nhưng ý định ban đầu của nhà lãnh đạo Philippines là đưa ông Cayetano vào vị trí này. Lý do khiến ông Duterte không thể bổ nhiệm ông Cayetano là vì theo quy định của Hiến pháp Philippines, các ứng cử viên tranh cử tổng thống và phó tổng thống sẽ không được bổ nhiệm vào bất kỳ vị trí nào trong chính phủ trong thời hạn một năm từ sau cuộc bầu cử.

Thành Đạt

Tổng hợp