1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

“Ngoại trưởng Mỹ sẽ đề xuất giải quyết vấn đề Biển Đông tại ARF”

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đưa ra đề xuất giải quyết vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Bali ngày mai, 23/7. Ngoại trưởng Philippines cũng đang cân nhắc đề cập việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông tại hội nghị này.

  
“Ngoại trưởng Mỹ sẽ đề xuất giải quyết vấn đề Biển Đông tại ARF” - 1
Các ngoại trưởng trong hội nghị ngoại trưởng ASEAN+3 (gồm 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản).

Phát biểu với báo giới tại Bali (Indonesia) ngày hôm qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đã hoan nghênh Qui tắc Hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Ngoại trưởng Trung Quốc và ASEAN vừa đạt được trong cuộc họp ASEAN+1.

Ông Campbell đã gọi thoả thuận này là bước quan trọng đầu tiên tiến tới giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông kêu gọi các nước có liên quan cần thảo luận sâu hơn nữa để đạt được kết quả cụ thể.

Ông Campbell nhấn mạnh rằng sự di chuyển tự do của tàu thuyền cũng như hòa bình và ổn định trên Biển Đông đều có lợi cho Mỹ.

Ông khẳng định Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đưa ra một đề xuất giải quyết các vấn đề trong vùng biển này tại ARF diễn ra ở Bali ngày 23/7.

Ngoại trưởng Mỹ đến Bali tối hôm qua sau chuyến thăm tới Ấn Độ, nơi bà kêu gọi nước này có vai trò lớn hơn trong khu vực. Bình luận của bà Hillary đã được giới quan sát xem là thể hiện mong muốn của Mỹ rằng Ấn Độ sẽ trở thành đối trọng với Trung Quốc.

Hôm qua, Ngoại trưởng Matsumoto Takeaki cũng đã hoan nghênh thỏa thuận giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Ông Matsumoto, hiện đang có mặt tại Bali, bày tỏ hy vọng là Trung Quốc và ASEAN sẽ sớm dùng Quy tắc này làm cơ sở để soạn ra bộ qui tắc ứng xử mang tính bắt buộc về mặt pháp lý, nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo giới sau các cuộc họp ngoại trưởng ở Bali, Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario cho biết ông đang cân nhắc đề cập việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông tại ARF, hội nghị có sự tham gia của Mỹ.

Trước đó, dư luận cho rằng Biển Đông chắc chắn sẽ được nêu trở lại vào ngày 23/7 tại ARF, với sự tham gia của rất nhiều nước, trong đó có Nga và Mỹ.

Trung Quốc tìm cách giảm căng thẳng về vấn đề Biển Đông

 Sau Hội nghị giữa các Ngoại trưởng ASEAN, hôm qua, ASEAN đã mở cuộc họp với các đối tác. Giới phân tích cho rằng trong cuộc họp ASEAN+ 1, Trung Quốc đã tìm cách trấn an các đối tác Đông Nam Á là Bắc Kinh muốn tăng cường quan hệ hai bên, vốn đã xấu đi trong thời gian gần đây do các tranh chấp ở Biển Đông.

Theo hãng tin Xinhua của Trung Quốc, trong Hội nghị ASEAN+3, Ngoại trưởng nước này Dương Khiết Trì đã khẳng định nỗ lực của Bắc Kinh hợp tác với các nước ASEAN để tăng cường hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á.

Cùng ngày, trả lời báo chí sau khi ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua Qui tắc Hướng dẫn thực thi DOC, trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, nói: “Chúng tôi quyết tâm tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN. Chúng tôi nhìn đến tương lai, một tương lai rộng mở, tươi sáng. Chúng tôi muốn là người bạn tốt, là đối tác tốt, láng giềng tốt của các nước ASEAN”.

Theo AFP, giới quan sát đánh giá bản hướng dẫn thông qua hôm qua được xem là một bước nhỏ nhưng rất quan trọng để giảm nhiệt sau khi Philippines và Việt Nam lên tiếng tố cáo Trung Quốc ngày càng hung hăng trong tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Indonesia cho đây là “một điều vô cùng tích cực”, cho dù Philippines tiếp tục than phiền là Trung Quốc đã không có nhượng bộ thỏa đáng trong vấn đề tranh chấp.

Bắc Kinh và khối 10 nước ASEAN đã đưa ra DOC từ hồi năm 2002, nhưng chưa đồng ý được về việc thực hiện trong suốt gần một thập kỷ qua. Trên thực tế, tuyên bố này chỉ là bước để tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính chất ràng buộc nhiều hơn mà hiện chưa biết khi nào đàm phán sẽ bắt đầu.

Ngoại trưởng Indonesia, nước chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN, nói ASEAN hài lòng với những gì mà khối này vừa đạt được với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Marty Natalegawa cũng nói thêm: “Tôi không tự mãn, vẫn còn phải làm nhiều để xây dựng niềm tin”.


Nguyễn Viết
Theo Xinhua, Kyodo, AFP, BBC