1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Ngoại giao trong bóng đêm" giữa Mỹ và Iran: Chuyện giờ mới kể

Ngay sau khi Iran và Nhóm P5+1 gồm 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đạt được thỏa thuận sơ bộ về chương trình hạt nhân của Tehrran, hãng tin AP đã tiết lộ thông tin về các cuộc “đi đêm” giữa Mỹ và Iran.

Tính chất của các cuộc gặp con thoi giữa Mỹ và Iran

Dựa trên các nguồn tin riêng giấu tên, hãng tin AP cho biết: Đại diện của Mỹ và Iran đã tiến hành hàng loạt các cuộc gặp trực tiếp cấp cao trong hơn một năm qua. Các cuộc gặp này đều mang tính chất mật, và nó là nhân tố quyết định đưa đến thỏa thuận mang tính lịch sử hôm 24/11 vừa qua tại Geneva.

'Ngoại giao trong bóng đêm' giữa Mỹ và Iran: Chuyện giờ mới kể

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (thứ 2) bắt tay người đồng cấp Mỹ John Kerry sau khi các bên đạt được thỏa thuận tại Geneva. Ảnh: AP

Các cuộc đàm phán này được Washington giữ bí mật ngay cả với các đồng minh thân cận nhất của mình, bao gồm các đối tác tham gia đàm phán và Israel, và chỉ được hé lộ một phần khoảng 2 tháng trước đây.

Đích thân Tổng thống Barack Obama đã cho phép tiến hành các cuộc đàm phán này, coi đó là một phần trong nỗ lực của ông thực hiện cam kết ngay từ khi nhậm chức nhiệm kì đầu - dang rộng vòng tay đối với một quốc gia mà Bộ Ngoại giao Mỹ xác định là tác nhân ủng hộ chủ nghĩa khủng bố mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Các cuộc gặp được tổ chức tại Oman và một vài địa điểm khác, mà chỉ rất ít người biết đến. Từ hồi tháng 3/2113, Thứ trưởng Ngoại giao William Burns, Jake Sullivan, cùng phó Tổng thống Joe Biden đã có ít nhất 5 cuộc gặp với quan chức Iran.

Theo AP, 4 cuộc gặp kín gần nhất, được tổ chức từ khi ông Hassan Rouhani - người theo đường lối cải cách lên nhậm chức hồi tháng 8/2013, chính là chất xúc tác quan trọng nhất tạo đà cho thỏa thuận đột phá tại Geneva vừa qua.  

Washington có lý do để giữ kín các cuộc gặp kín này. Trò chơi ngoại giao với Iran – trong trường hợp thỏa thuận sơ bộ được tuân thủ và chuyển đến một hiệp định chính thức ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, có thể sẽ giúp Mỹ loại trừ mối đe dọa trong nhiều năm, cũng như ngăn cản Israel đơn phương tấn công quân sự Iran. Nếu thành công, nó cũng có thể là minh chứng cho đột phá trong quan hệ Mỹ - Iran sau nhiều thập kỉ thù địch và trở thành vương miện cho thành công trong chính sách ngoại giao của chính quyền Obama.

Nhưng nếu thỏa thuận sơ bộ sụp đổ, hoặc là Iran vẫn bí mật theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân, thì ông Obama sẽ phải đối mặt với những hệ quả thất bại, cả trong nước và quốc tế, đặt ông trước những búa rìu chỉ trích của dư luận.

Tiến trình đàm phán bí mật

Mỹ và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Ngay từ khi lên nhậm chức nhiệm kì đầu, ông Obama đã bày tỏ việc sẵn sàng có các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với phía Iran mà không kèm theo điều kiện gì. Tháng 1/2009, Tổng thống Mỹ đã gửi thư trao đổi với Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei, tuy kết quả không đạt như mong muốn.

Theo giới chức Mỹ, nỗ lực này bị cản trở bởi Tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmedinejad, người đã tái đắc cử sau kì bầu cử gây tranh cãi tháng 6/2009. Một tháng sau đó, quan hệ hai nước dường như xuống đến mức thấp sau khi Iran bắt giữ 3 người Mỹ xâm phạm biên giới giữa Iran và Iraq. Điều đặc biệt là chính sự kiện này lại mở đường cho các cuộc tiếp xúc ngoại giao bí mật giữa Washington và Tehran.

Quốc vương Oman Qaboos  giữ vai trò quan trọng trong tiến trình này, chính ông đã thúc đẩy việc trả tự do cho 3 người Mỹ, đưa họ trở về Mỹ vào năm 2011. Quốc vương Qaboos ngay sau đó trở thành người trung gian trong ráp nối Mỹ - Iran. Kể từ đây, các cuộc đàm phán kín giữa các giới chức trung cấp của Mỹ và Iran đã được khởi động.

Giới chức 2 nước mô tả những tiếp xúc khởi đầu này là các cuộc “tham vấn mở đường”, chỉ tập trung vào việc hỗ trợ các cuộc đàm phán cấp cao. Tiến trình này được thực hiện qua rất nhiều kênh: tiếp xúc trực tiếp tại các địa điểm bí mật; trao đổi giữa Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice, người hiện là cố vấn An ninh quốc gia của Mỹ, với đặc phái viên của Iran tại các tổ chức quốc tế...

Các cuộc gặp đã được tiếp thêm xung lực 8 tháng trước đây, khi ông Obama cử Thứ trưởng Ngoại giao Burns, phụ tá hàng đầu Sullivan và 5 quan chức khác gặp gỡ những người đồng cấp Iran ở thủ đô Muscat của Oman. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi nhóm P5+1 mở các vòng đàm phán mới về hội đàm hạt nhân với Iran tại Almaty, Kazakhstan hồi tháng 1/2013. Tại thời điểm này, các cuộc đàm phán ít đạt được tiến triển, Iran không hào hứng trong việc tiếp xúc song phương với Mỹ bên lề đàm phán với P5+1 do lo ngại các cuộc gặp này sẽ bị công khai, gây nên những hiệu ứng phức tạp nội bộ.

Với sự trợ giúp của Quốc vương Qaboos, giới chức hai bên lặng lẽ lập kế hoạch cho các cuộc gặp ở Oman. Ông Burn, Sulllivan và một đội chuyên gia kĩ thuật đã tới thủ đô Muscat trên một máy bay quân sự vào giữa tháng 3/2013 để gặp gỡ với các nhà ngoại giao, phụ tá an ninh quốc gia, chuyên gia về hạt nhân của Iran.

Đối với Mỹ, mục tiêu tại thời điểm đó chỉ đơn giản là việc liệu hai bên có thể tiến hành các cuộc hội đàm song phương hay không. Tại cuộc gặp ở Oman, ngoài vấn đề hạt nhân, phía Mỹ cũng nêu các quan ngại về sự can dự của Iran ở Syria, việc Tehran đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz cũng như số phận của cựu đặc vụ FBI Robert Levinson, người được cho là cùng với 2 người khác bị phía Iran bắt giữ.

Trong nỗ lực duy trì kênh tiếp xúc mở, Ngoại trưởng John Kerry sau đó đã thăm Oman vào tháng 5/2011, dưới vỏ bọc là để thúc đẩy một hiệp định quân sự với quốc gia Trung Đông này, nhưng thực chất là củng cố vai trò trung gian của quốc vương Qaboos, đặc biệt là những tính toán hậu bầu cử Iran tháng 6/2013. Hai cuộc gặp bí mật nữa đã được tổ chức ngay sau khi ông Rouhani nhậm chức hồi tháng 8, với mục tiêu cụ thể là thúc đẩy đàm phán hạt nhân bị ngưng trệ. Liền sau đó là 2 cuộc tiếp xúc trong tháng 9.

Tất cả các cuộc đàm phán này đều do ông Burns và Sullivan dẫn đầu, lần cuối cùng có sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán Mỹ Wendy Sherman.

Đoàn Iran bao gồm những người từng dự cuộc gặp hồi tháng 3 ở Oman và một số quan chức mới. Tất cả đều nói thạo tiếng Anh. Các quan chức Mỹ tiết lộ với hãng tin AP rằng, các cuộc đàm phán này diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau, một vài trong số đó đã được thực hiện ở Oman.

Các cuộc gặp kín diễn ra trùng thời điểm xuất hiện nhiều cử chỉ ngoại giao tích cực trong quan hệ Mỹ - Iran trên bình diện công khai. Tháng 8/2013, ông Obama gửi thư chúc mừng tân Tổng thống Rouhani. Nhà lãnh đạo Iran đã có lời đáp từ được Nhà Trắng mô tả là tích cực, tạo thêm xung lực cho các cuộc đàm phán bí mật tiếp theo.

Khi các cuộc gặp đang được tiến hành sau bức màn kín, xuất hiện những đồn đoán về khả năng có cuộc gặp giữa ông Obama và Rouhani bên lề Hội nghị lần thứ 68 Đại hội đồng LHQ. Tuy nhiên, cuộc gặp này đã không diễn ra. Thay vào đó là cuộc điện đàm "lịch sử" giữa hai người.

Kể từ đây thì Mỹ mới bắt đầu thông báo cho các đồng minh về tiến trình tiếp xúc bí mật với Iran. Lúc này, Obama buộc phải xử lý thực hiện một cuộc nói chuyện rất tế nhị nhằm thông báo vắn tắt cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông này đến Nhà Trắng hôm 30/9. Tổng thống Mỹ chỉ đề cập đến 2 cuộc gặp hồi tháng 6, không nhắc đến các cuộc tiếp xúc hồi tháng 3.

Không biết hai bên đã nói gì với nhau, nhưng chỉ ngày hôm sau, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Israel đã chỉ trích ông Rouhain là “sói đội lốt cựu”, đồng thời cảnh báo Mỹ về cách tiếp cận mới trong vấn đề hạt nhân Iran.

Sau Israel, Mỹ thông báo cho các thành viên thuộc Nhóm P5+1. Cuộc gặp bí mật lần chót giữa Mỹ và Iran diễn ra ngay sau khi khóa họp thứ 68 Đại hội đồng LHQ kết thúc và đây cũng là tiền đề để các bên tiến đến thỏa thuận hôm 24/11 vừa qua.

Theo HT