1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại giao son môi - “vũ khí” sắc đẹp bí ẩn của Triều Tiên

(Dân trí) - Truyền thông Hàn Quốc từng dành nhiều lời khen cho vẻ đẹp “thuần khiết và trong trắng” của đội cổ vũ Triều Tiên, mô tả họ là những cô gái từ miền sơn cước, chứ không phải xuất thân từ những gia đình danh giá tại Triều Tiên.

Đội cổ động Triều Tiên tỏa sáng tại lễ thượng cờ ở Hàn Quốc

Đội cổ vũ Triều Tiên biểu diễn tại Giải vô địch điền kinh châu Á năm 2005 ở Hàn Quốc (Ảnh: AFP)
Đội cổ vũ Triều Tiên biểu diễn tại Giải vô địch điền kinh châu Á năm 2005 ở Hàn Quốc (Ảnh: AFP)

Khi 22 vận động viên Triều Tiên tham gia tranh tài tại Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc năm nay, họ không thi đấu đơn độc. Đi cùng với họ là đội cổ vũ gồm 230 cô gái trẻ xinh đẹp - những người sẵn sàng “tiếp lửa” cho các vận động viên.

Truyền thông phương Tây thường gọi những đội cổ vũ Triều Tiên là “binh đoàn sắc đẹp”, trong khi tại Hàn Quốc, họ được mô tả là “những hoạt náo viên xinh đẹp”. Hầu hết thành viên trong đội cổ vũ Triều Tiên là sinh viên xuất thân từ những gia đình đình trung lưu tại Bình Nhưỡng. Họ được chọn vì lòng trung thành với đảng, vì tài năng âm nhạc và tất nhiên, vì ngoại hình ưa nhìn. Những cô gái này sẽ được chính quyền huy động để tham gia những sự kiện đặc biệt nhằm đại diện cho bộ mặt của đất nước Triều Tiên trước cộng đồng quốc tế.

Việc sử dụng hình ảnh của những cô gái trẻ để đại diện cho đất nước Triều Tiên không phải là ý tưởng mới. Bên cạnh đội cổ vũ, Triều Tiên còn có ban nhạc Moranbong gồm toàn bộ thành viên là nữ do đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyển chọn. Ngoài ra, rất nhiều cô gái Triều Tiên, những người có thể hát và nhảy trong các chương trình văn nghệ hàng đêm, được tuyển chọn làm nhân viên phục vụ trong các nhà hàng của chính quyền Triều Tiên ở nước ngoài.

Phần lớn đội cổ vũ Triều Tiên là những sinh viên trẻ xuất thân từ gia đình trung lưu (Ảnh: Getty)
Phần lớn đội cổ vũ Triều Tiên là những sinh viên trẻ xuất thân từ gia đình trung lưu (Ảnh: Getty)

Thực tế cho thấy chính Hàn Quốc đã giúp đội cổ vũ Triều Tiên trở thành tâm điểm chú ý của công chúng quốc tế. Trong bài phát biểu tại Đại học Busan năm 2006, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã kể lại câu chuyện rằng: Thị trưởng Busan đã rất lo lắng khi thành phố này đăng cai tổ chức Á vận hội năm 2002 vì sợ rằng không thu hút được nhiều người tham dự.

Thị trưởng Pusan khi đó đã đưa ra đề xuất mời đoàn vận động viên Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự Á vận hội để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Kim Dae-jung sau đó đã đưa ra một ý tưởng độc đáo hơn, đó là cử một phái đoàn tới gặp cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và thuyết phục ông không chỉ gửi các vận động viên, mà còn cả các cổ động viên tới Hàn Quốc dự Á vận hội.

“Chỉ cần đảm bảo rằng đội cổ vũ là những cô gái xinh đẹp”, cựu Tổng thống Kim Dae-jung nói.

Rốt cuộc, cố lãnh đạo Kim Jong-il đã đồng ý với kế hoạch của Hàn Quốc và gửi 288 cô gái xinh đẹp sang quốc gia láng giềng. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc sau đó rất hài lòng với kết quả thu được: Những cô gái Triều Tiên xuất hiện xinh đẹp, Á vận hội thành công rực rỡ và thành phố Busan kiếm bộn tiền.

Sau năm 2002, Triều Tiên tiếp tục cử đội cổ vũ gồm 306 người tới Đại hội thể thao sinh viên mùa hè ở Daegu năm 2003 và 125 người tới Giải vô địch điền kinh châu Á năm 2005 ở Incheon, Hàn Quốc. Phu nhân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Ri Sol-ju, cũng từng là thành viên của đội cổ vũ Triều Tiên tham dự sự kiện thể thao ở Incheon cách đây 13 năm.

Vẻ đẹp độc đáo

Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju từng là một thành viên của đội cổ vũ (Ảnh: AAP)
Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju từng là một thành viên của đội cổ vũ (Ảnh: AAP)

Truyền thông Hàn Quốc từng dành nhiều lời khen ngợi cho vẻ đẹp “thuần khiết và trong trắng” của đội cổ vũ Triều Tiên, mô tả họ là những cô gái từ miền sơn cước, chứ không phải xuất thân từ những gia đình danh giá tại Triều Tiên. Nhiều câu lạc bộ hâm mộ đội cổ vũ Triều Tiên cũng đã xuất hiện tại Hàn Quốc.

Khi tuyển chọn thành viên cho đội cổ vũ, Triều Tiên thường đặt nặng tiêu chuẩn về chiều cao. Do vậy, chỉ những cô gái có chiều cao hơn 1m65 mới có thể gia nhập “binh đoàn sắc đẹp”. Với những cô gái có chiều cao thấp hơn mức chuẩn này, họ vẫn có cơ hội trở thành thành viên đội cổ vũ nhưng với điều kiện phải sở hữu gương mặt rất xinh đẹp và không được thấp hơn 1m60.

Ngoài ra, những cô gái xuất thân từ gia đình có người thân bị mất tích hoặc đang sống ở nước ngoài cũng không đủ tiêu chuẩn, lý do để tránh nguy cơ đào tẩu trong quá trình biểu diễn ở nước ngoài. Trước đây, Triều Tiên thường chọn các sinh viên ưu tú theo học các trường đại học tại Bình Nhưỡng, đặc biệt ưu tiên cho sinh viên của các trường đào tạo về âm nhạc và nhảy múa.

Đội cổ vũ Triều Tiên dự sự kiện chào mừng Thế vận hội mùa Đông 2018 ở Gangneung ngày 8/2 (Ảnh: AFP)
Đội cổ vũ Triều Tiên dự sự kiện chào mừng Thế vận hội mùa Đông 2018 ở Gangneung ngày 8/2 (Ảnh: AFP)

Triều Tiên thường lập đội cổ vũ với số lượng rất đông nhưng vẫn đảm bảo sự đồng đều. Các cô gái thường mặc đồng phục với những ý tưởng thiết kế khác nhau để tạo nên sự khác biệt cho từng sự kiện. Họ có thể mặc đồ giống như các cô gái phục vụ trên sân golf với áo polo màu đỏ trắng kết hợp mũ bóng chày. Đôi khi họ sẽ mặc những bộ hanbok cách tân hoặc váy ngắn.

Thay vì di chuyển quá nhiều, đội cổ vũ Triều Tiên thường đứng nguyên một chỗ, hô khẩu hiệu và làm nhiều động tác theo nhịp điệu đồng đều. Họ cũng sử dụng nhiều phụ kiện trong quá trình biểu diễn như cờ, trống cầm tay, quạt hay loa để tạo hình giống như những bông hoa.

Không chỉ hoàn thành sứ mệnh cổ vũ và tiếp thêm động lực cho các vận động viên, đội cổ vũ của Triều Tiên tại Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc năm nay còn được xem là những “sứ giả hòa bình”. Trong lễ khai mạc Thế vận hội vào tối 9/2, họ đã mang theo lá cờ thống nhất liên Triều và hô khẩu hiệu “Chúng ta là một” tại sân vận động Pyeongchang - nơi có hàng nghìn vận động viên, huấn luyện viên, quan chức thể thao của các nước tham dự. Đây được xem là những dấu hiệu tích cực đầu tiên cho sự ấm lên của mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sau nhiều năm căng thẳng, đồng thời mở ra cơ hội cho các cuộc hội đàm liên Triều sau Thế vận hội.

Thành Đạt

Theo NYT, JPT