Ngoại giao cricket tại Ấn Độ
(Dân trí) - Ấn Độ và Pakistan đang hi vọng trận đấu cricket đầu tiên giữa 2 nước kể từ các vụ tấn công khủng bố Mumbai năm 2008 sẽ giúp cải thiện quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia láng giềng vốn có lịch sử phức tạp.
Những hi vọng đã được thắp lên sau khi Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani và Tổng thống Asif Ali Zardari nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhằm theo dõi trận đấu bán kết giữa 2 nước trong khuôn khổ giải vô địch cricket thế giới tại thành phố Mohali, bang Punjab vào thứ 4 tuần này. Cricket là môn thể thao yêu thích tại cả Ấn Độ và Pakistan.
Các trợ lý cho hay họ hi vọng rằng trận đấu và cơ hội để hai nhà lãnh đạo trò chuyện thân mật sẽ giúp cải thiện bầu không khí căng thẳng và tạo động lực cho các cuộc đàm phán mới đang được tiến hành.
Mặc dù cuộc gặp của họ được miêu tả là “không chính thức” nhưng nó sẽ diễn ra dưới sự đảm bảo an ninh nghiêm ngặt chưa từng có trong một trận đấu cricket giữa những lo ngại về một cuộc tấn công khủng bố.
Ấn Độ đã tuyên bố vùng trời bên trên sân vận động là “vùng cấm bay”. Sẽ có một vòng tròn an ninh bán quân sự quanh sân vận động và một máy bay do thám không người lái sẽ hoạt động tại khu vực để giám sát.
Hồi đầu tháng này, giới chức Pakistan đã bắt giữ một người đàn ông bị tình nghi lên kế hoạch một vụ tấn công nhằm vào giải vô địch cricket thế giới khi anh ta tới Karachi để bắt một chuyến bay đi Sri Lanka. Các ký ức về vụ tấn công khủng bố năm 2009 nhằm vào đội cricket Sri Lanka tại thành phố Lahore vẫn ám ảnh giới chức an ninh Ấn Độ.
Các quan chức cấp cao Pakistan cho biết Tổng thống Zardari và Thủ tướng Yusuf Raza Gilani đã nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ tối thứ 7 tuần trước sau cuộc họp với Tổng Tư lệnh quân đội Pakistan, Tướng Kiyani.
Họ hi vọng các nhà lãnh sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước, nới lỏng các quy định visa cho các thương gia và những người trên 65 tuổi.
Quan hệ Ấn Độ-Pakistan đã trở nên căng thẳng kể từ các vụ tấn khủng bố tại thành Mumbai năm 2008 mà Ấn Độ cáo buộc các phần tử cực đoan Pakistan là chủ mưu. Hai quốc gia láng giềng đã trải qua 3 cuộc chiến tranh kể từ khi giành độc lập từ thực dân Anh năm 1947.
An Bình
Theo Telegraph