DNews

Nghịch lý về tấm ảnh ông Trump tại trại giam

Quốc Đạt

(Dân trí) - Trong lúc hàng triệu người Mỹ sợ bị lộ ảnh từng chụp tại trại giam, cựu Tổng thống Donald Trump cùng đội ngũ lại tiếp thêm sức mạnh để nó lan truyền rộng rãi.

Nghịch lý về tấm ảnh ông Trump tại trại giam

Cáo trạng thứ 4 của ông Trump đã làm được ít nhất một điều mà 3 cáo trạng trước không thực hiện được: Cho ra đời ảnh chân dung tại trại giam của cựu Tổng thống thứ 45.

Nếu trong những lần trước, giới chức không chụp hoặc không đăng ảnh, cảnh sát hạt Fulton của bang Georgia lần này đã công khai bức ảnh chỉ ít lâu sau khi cho ông Trump tại ngoại hôm 24/8, theo đúng với quy trình thông thường.

Gần như ngay lập tức, bức ảnh trại giam (còn gọi là ảnh mugshot) của ông Trump đã đạt hiệu ứng lan truyền mạnh. Nó xuất hiện trên mọi mặt báo lớn của Mỹ, được chia sẻ hàng trăm nghìn lần trên mạng xã hội, bị đem ra làm ảnh chế và chính chúng lại được chia sẻ thêm nhiều lần nữa.

"Tôi sẽ không gọi đó là nghệ thuật, nhưng nó là bức ảnh khét tiếng", David Hume Kennerly, nhiếp ảnh gia đoạt giải Pulitzer từng chụp ảnh cho 10 đời tổng thống Mỹ, nói trên NPR. "Nó sẽ là bức ảnh được đăng tải nhiều nhất".

Với hàng triệu người Mỹ, cụm từ "ảnh mugshot" là nỗi ám ảnh vì nó đồng nghĩa với thất nghiệp, vô gia cư và mất cơ hội học tập. Nhiều người trong số họ sẵn sàng trả hàng nghìn USD để ảnh mugshot của mình biến mất khỏi các kết quả tìm kiếm Internet.

Nhưng với ông Trump, mọi chuyện lại khác. Đội ngũ của ông cố gắng tiếp thêm sức mạnh cho sự lan truyền của bức ảnh mugshot chụp tại hạt Fulton. Với ông Trump, bức ảnh là một dạng "huân chương danh dự", thay vì là điều gì đó cần giấu giếm.

Nghịch lý về tấm ảnh ông Trump tại trại giam - 1

Những bức ảnh nghi phạm được chụp từ thế kỷ 19 trong cuốn sách của Alphonse Bertillon, chuyên gia người Pháp được coi là đặt nền móng cho quy trình chụp ảnh mugshot (Ảnh: Getty).

Nỗi ám ảnh của nhiều người Mỹ

Ảnh mugshot là một phần trong quy trình thường thấy ở Mỹ sau khi cảnh sát bắt giữ nghi phạm. Chúng có công dụng giúp xác định người bị tình nghi và lưu lại ngoại hình của họ tại thời điểm bị bắt, nhưng việc công khai ảnh mugshot có thể tạo cảm giác nghi phạm có tội khi họ chưa hề bị xét xử.

Bị bắt giữ cũng chỉ là bước đầu trong quy trình tố tụng hình sự tại Mỹ và nhiều nghi can cuối cùng không bị khởi tố hoặc kết án. Chẳng hạn, một thống kê gần đây cho thấy trong năm tài khóa 2022, hơn 60% số vụ bắt giữ ở riêng thủ đô Washington D.C. không đi đến bước khởi tố bị can.

Tuy nhiên, ảnh của những người này - vốn được chụp bằng những ống kính máy ảnh không biết làm đẹp - vẫn trôi nổi trên Internet.

Điều này khiến nhiều người Mỹ sợ bị phát hiện ra ảnh mugshot. Theo thống kê tháng 7 của FBI, hơn 80 triệu người Mỹ được lưu dấu vân tay trong kho dữ liệu hình sự, tương đương với việc cứ 4 người Mỹ thì khoảng hơn 1 người sẽ có ít nhất một lần từng bị bắt giữ trong đời.

Với nhiều người bị bắt nhưng không bị khởi tố hay kết án, ảnh mugshot của họ sẽ mau chóng hiện lên qua vài thao tác tra cứu của nhà tuyển dụng, chủ cho thuê nhà, trường học hoặc đơn giản là bạn đời tiềm năng. Tấm ảnh cứ ở mãi đó, như một vết nhơ trong lý lịch.

Nghịch lý về tấm ảnh ông Trump tại trại giam - 2

Tạp chí Jailbirds, một ấn phẩm chuyên tổng hợp ảnh mugshot vì mục đích giải trí (Ảnh chụp website Jailbirds).

Sự phổ biến của ảnh mugshot tại Mỹ đã làm sản sinh cả một ngành công nghiệp kinh doanh trong vùng xám pháp luật. Một số cá nhân tải ảnh mugshot từ website cảnh sát, đăng lại trên trang web của riêng họ và yêu cầu trả phí nếu muốn gỡ. Một số tạp chí chuyên tổng hợp ảnh mugshot độc đáo trong tuần với mục đích giải trí, đánh vào tâm lý hiếu kỳ của độc giả.

Nhưng trong những năm gần đây, các phòng cảnh sát và cơ quan báo chí lớn ở Mỹ đã dần nhận thức được vấn đề và ngừng đăng tải ảnh mugshot của nghi phạm trừ một số trường hợp cần thiết.

Một số bang đi xa hơn với việc cấm hành vi công khai ảnh mugshot của những người chưa bị kết án, như bang Oregon vào cuối năm 2021. Luật của Oregon quy định trang web vòi tiền gỡ ảnh mugshot phải xóa ảnh trong 30 ngày từ khi nhận được yêu cầu và không được đòi số tiền hơn 50 USD.

Niềm tự hào của ông Trump

Bất chấp tất cả sắc thái tiêu cực đi kèm ảnh mugshot, chiến dịch tranh cử của ông Trump dường như đã làm tất cả để khiến bức ảnh được lan truyền rộng hơn.

Trên trang web chính thức của chiến dịch tranh cử, người ủng hộ có thể bỏ tiền để mua cốc (25 USD), áo phông (34 USD), chai nước (15 USD) và đủ loại mặt hàng khác có in ảnh chân dung ông Trump trong trại giam.

"Bức ảnh sẽ đi vào lịch sử như là biểu tượng cho sự phản kháng của nước Mỹ trước sự bạo ngược", một email quảng cáo áo phông in ảnh ông Trump viết.

Ông Trump vốn là người để ý hình ảnh cá nhân. Khi còn là tổng thống, ông thường xét nét ảnh các cơ quan báo chí chụp mình như Fox News, NBC, CNN.

Năm 2020, khi mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp ông Trump trên bãi cỏ Nhà Trắng với mái tóc tung bay ngược trong gió, Tổng thống Mỹ thứ 45 đã lên tiếng: "Lại thêm tin giả. Rõ ràng đây là ảnh photoshop, nhưng gió rất mạnh và tóc trông đẹp? Đủ mọi thứ để bôi bác".

Nghịch lý về tấm ảnh ông Trump tại trại giam - 3

Một trong những bức ảnh chụp ông Trump trên bãi cỏ Nhà Trắng với mái tóc tung bay ngược trong gió vào năm 2020, khiến Tổng thống Mỹ thứ 45 phải lên tiếng chỉ trích là "tin giả" (Ảnh: Bloomberg).

Nhưng lần này, ông Trump đã tái xuất trên mạng xã hội X, từng có tên là Twitter, sau thời gian dài vắng mặt chỉ để đăng tấm ảnh mugshot.

Hiếm có điều gì thu hút chú ý của người Mỹ trong thời gian qua như bức ảnh mugshot của ông Trump. Tùy vào quan điểm cá nhân mà một người sẽ có cảm xúc khác nhau khi ngắm nhìn bức ảnh cựu Tổng thống thứ 45 có độ phân giải thấp, in mờ logo của phòng cảnh sát hạt Fulton.

Trong khi nhiều người cảm thấy "công lý" đã đuổi kịp người trong ảnh, hàng triệu người khác sẽ xem đó là biểu tượng rõ ràng của nỗi bất công nhắm vào cựu Tổng thống Mỹ. Dù có thái độ ra sao, người dân Mỹ vẫn không thể không hướng ánh mắt về người đàn ông trong ảnh.

Ngay cả Tổng thống Joe Biden, người thường tránh nói về các vấn đề pháp lý của người tiền nhiệm, cũng không thể cưỡng lại được việc bình luận về bức ảnh chụp. "Anh chàng đẹp trai", ông Biden nói.

Có thể thấy ông Trump cùng đội ngũ từ sớm đã lường trước những diễn biến tiêu cực tiềm tàng và luôn sẵn sàng tranh thủ để biến chúng thành điều có lợi.

Trả lời Reuters sau cuộc tranh luận của đảng Cộng hòa hôm 23/8, đồng quản lý chiến dịch Chris LaCivita cho biết đội ngũ của ông Trump tập trung vào việc biến 4 bản cáo trạng thành điều tích cực để "đảm bảo rằng chúng tôi luôn biến nguy thành cơ và tôi nghĩ chúng tôi đã làm được".

Hiệu quả kinh tế là không thể chối cãi. Sau 3 ngày bị bắt tại hạt Fulton và công khai ảnh mugshot, ông Trump huy động hơn 7,1 triệu USD, theo Politico. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã phá kỷ lục về số tiền lớn nhất từng nhận được trong 24 giờ, với mức 4,18 triệu USD chỉ trong ngày 25/8.

Nghịch lý về tấm ảnh ông Trump tại trại giam - 4

Ảnh mugshot của ông Trump được in trên đủ mọi loại hàng hóa (Ảnh: New York Times).

Lợi ngắn nhưng thiệt dài?

Cách đội ngũ của ông Trump xoáy sâu vào tấm ảnh mugshot nói riêng và các bản cáo trạng nói chung đều là một phần trong chiến thuật chiếm chú ý của truyền thông và dư luận, dù đó là tin tức tiêu cực đối với ông, các chuyên gia nhận định.

Trong bối cảnh cả người ủng hộ lẫn người phản đối ông Trump phần lớn đã trở nên "trơ lỳ" trước quá nhiều cáo trạng liên tiếp, cách xoáy sâu vào bức ảnh mugshot đã giúp ông Trump thu hút được sự chú ý của tất cả.

"Có thể rất ít cử tri đã đọc hết được ít nhất một trong 4 bản cáo trạng của ông Trump, nhưng họ gần như chắc chắn đã nhìn thấy bức ảnh mugshot", cây bút Vanessa Friedman viết trên New York Times.

Spiro Kiousis, Giáo sư Quan hệ công chúng kiêm Phó hiệu trưởng Trường Báo chí và Truyền thông, Đại học Florida, cho rằng mục tiêu của đội ngũ ông Trump lúc này là giành được đề cử của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sơ bộ nên họ nhiều khả năng sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật trên.

"Chiến thuật này có thể hiệu quả với những người ủng hộ nhiệt thành vì nó củng cố quan điểm họ có sẵn. Nhưng rủi ro là luồng tin tức tiêu cực kéo dài có thể làm mất lòng những người ủng hộ yếu và cử tri độc lập", ông Kiousis nói với Dân trí. "Vẫn cần chờ xem liệu nó có hiệu quả về lâu dài hay không".

Nghịch lý về tấm ảnh ông Trump tại trại giam - 5

Người ủng hộ ông Trump tại một buổi mít tinh năm 2022. Spiro Kiousis, Giáo sư Quan hệ công chúng kiêm Phó hiệu trưởng Trường Báo chí và Truyền thông, Đại học Florida, cho rằng luồng tin tức tiêu cực kéo dài có thể làm mất lòng những người ủng hộ yếu và cử tri độc lập (Ảnh: New York Times).

Một số thăm dò gần đây cũng đã cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Trump suy giảm ở nhiều mức độ khác nhau đối với nhóm cử tri độc lập - những người còn do dự chưa quyết trong cuộc bầu cử tổng thống năm sau.

Chẳng hạn, khảo sát công bố ngày 25/8 của Politico/Ipsos cho thấy 63% cử tri độc lập cho rằng ông Trump cần ra tòa trong vụ án lật ngược bầu cử trước ngày bầu cử trong năm 2024. Con số này tăng so với mức 48% hồi tháng 6.

Tương tự, một thăm dò mới được công bố hôm 25/8 từ Navigator Research phát hiện ra rằng sau lần khởi tố gần nhất ở hạt Fulton, bang Georgia, số người tin ông Trump sẽ bị kết án so với số người không tin đã cân bằng (42% so với 41%). Số người tin đã cao hơn 7 điểm % so với 2 tuần trước đó.

Đồng thời, ngày càng nhiều cử tri tự nhận là độc lập tin rằng ông Trump sẽ bị kết án.

Đương nhiên, thời gian từ nay tới cuộc bầu cử chính thức còn cách một quãng khá xa và không ai có thể đoán trước được tương lai. Đảng Dân chủ cũng từng đánh giá thấp ông Trump một lần trong năm 2016.

"Ông Trump đã thực sự làm đảo lộn chính trường Mỹ", ông Robert Clegg, chiến lược gia đảng Cộng hòa và chuyên gia truyền thông tại bang Ohio, nói với Dân trí. "Trước kia, bạn có thể nhìn quá khứ để cố đoán tương lai. Nhưng bạn không còn có thể làm thế với ông Trump".