1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nghịch cảnh giàu nghèo ở Đức

(Dân trí) - Nằm cách khu biệt thự ven hồ đẹp như tranh vẽ Potsdam không xa là Prenzlau, thủ phủ của vùng nghèo nhất nước Đức. Nơi đây chỉ có những cửa hàng giá rẻ và những mảnh đời nghèo phải chứng kiến hố sâu ngăn cách xã hội ngày càng mở rộng.

Sức mua ở Prenzlau thấp hơn cả ở Cộng hòa Séc và một số vùng ở Romania. Sự thật đó hiện hữu  ngay trên con phố chính Friedrichstrasse, nơi những chiếc áo sơ mi chỉ có 1 giá euro (tương đương 1,55 USD) và áo jacket giá vẻn vẹn 4 euro.

 

Prenzlau là thủ phủ của vùng Uckermark, nằm ở đông bắc nước Đức, thuộc Đông Đức cũ. Thị trấn có khoảng 135.000 cư dân, với ¼ là thất nghiệp. Kể từ khi Đông Đức và Tây Đức hợp nhất 20 năm về trước, 20.000 người dân nơi đây đã tìm đường ra đi.

 

Một nghiên cứu của Viện Eurostat được công bố vào tháng trước cho thấy GDP/đầu người ở đây chỉ bằng 74% so với GDP trung bình trên toàn Liên minh châu Âu (EU). Trong khi GDP/đầu người của cả nước Đức bằng 115,2% của EU.

 

“Nếu bạn 57 tuổi, thì ở đây không có gì cho bạn cả”, Berndt, người đã bị mất việc vào năm 2005, cho biết. Hiện ông đang sống nhờ vào tiền trợ cấp của chính phủ, với 347 euro một tháng.

 

Còn theo nghiên cứu mới công bố vào tuần này, ngày càng nhiều người gia nhập vào tầng lớp có thu nhập thấp ở Đức, trong khi tầng lớp trung lưu giảm 8% kể từ năm 2000.

 

Viện nghiên cứu DIW gọi đây là “sự tập trung lớn hơn về hai phía cuối của cán cân”, có nghĩa là người giàu ngày càng giàu hơn, còn người nghèo không những nghèo hơn mà còn ngày một tăng về số lượng.

 

Ở Đức, những người chính thức bị coi là nghèo khi họ kiếm được ít hơn 70% mức thu nhập trung bình hàng năm (16.000 euro). Trong năm 2006, số lượng những người nghèo tại quốc gia này đã tăng từ 18,8% lên đến 25,4%.

 

Hiện tượng này có thể cảm nhận một cách thấm thía nhất ở vùng miền đông của nước Đức, nơi có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn miền tây, và lương thường thấp hơn, mặc dù cùng một công việc và thậm chí còn không có phúc lợi của nhà nước.

 

“Hơn 5.000 người ở đây nhận sự hỗ trợ của nhà nước”,  Ramona Neumann, người phát ngôn của các nhà chức trách địa phương tại Uckermark, cho biết. “Họ làm việc cả ngày trời mà vẫn kiếm được ít hơn so với việc họ chỉ ngồi ở nhà và sống nhờ vào trợ cấp thất nghiệp hoàn toàn” của chính phủ, bà cho biết.

 

Còn Sandra, 26 tuổi, làm tiếp viên bán thời gian trên một con phố ở Prenzlau cho biết, cô xin đi làm chỉ bởi không muốn ngồi nhàn rỗi cả ngày ở nhà.

 

“Tôi kiếm được 2, đến 3 euro mỗi ngày, rồi nhận thêm trợ cấp xã hội nữa. Tôi đi làm chỉ cốt để có cái gì đó để làm mà thôi”.

 

Thị trưởng Uckerland, Monica Becker, cho biết để giúp một số trong khoảng 3.400 người dân ở đây giữ vững được con người và tinh thần của họ, Hội đồng thành phố đã cố gắng “tìm cho họ những công việc nhỏ, 1euro một giờ, hoặc cho họ tham gia vào chương trình chia sẻ việc làm, với hợp đồng kéo dài 3 năm, mức lương là 1.000 euro/tháng cho 30 giờ làm việc.

 

“Khi Đông Đức chưa sát nhập, mọi người làm việc trên những cánh đồng công, nhưng giờ, nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài tìm đường đi khỏi đây”, bà cho biết. “Thật khó có thể khuyến khích, lôi kéo bọn trẻ ở lại đây”.

 

Chàng trai Dennis Sooth 20 tuổi cho biết anh đã “rất may mắn” khi tìm được một công việc làm huấn luyện viên, bởi hầu hết bạn bè của anh đều không có tương lai gì cả. “Họ ở nhà, uống bia, và một số họ trở nên hung dữ, ra ngoài phố gây gổ, đánh nhau với mọi người”.

 

Trở lại Potsdam, cách Prenzlau chưa đầy 200 cây số, nơi trước kia là dinh thự của Hoàng gia Phổ bị bom đạn tàn phá dưới Thế chiến II, đã được sửa sang cẩn thận trong suốt hai thập kỷ qua và trở thành vùng đẹp như tranh vẽ. Đối lập với những vùng khác ở miền đông thời hậu hợp nhất hai miền, thủ phủ bang Brandenburg chứng kiến sự tăng lên không ngừng về dân số. Vào năm 2001, vùng này có 120.000 dân và tới cuối năm ngoái, con số đã tăng lên 150.000.

 

Potsdam gần với Berlin và gần với quần thể hồ nước với những biệt thự xa hoa, những du thuyền dập dìu vào cuối tuần. Ngành du lịch phát triển, tỉ lệ thất nghiệp chỉ dừng ở mức 8,7%.

 

Tạp chí Der Spiegel của Đức từng đánh giá Potsdam đang “thu hút người đẹp”, trong khi thị trưởng Jann Jakobs, một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội, cho biết giá cả bất động sản tăng lên vòn vọt đang có nguy cơ đe dọa biến thị trấn thành một vùng đất của các triệu phú. “Rồi sẽ sớm đến ngày chỉ có người giàu mới có khả năng sống ở đây”, ông nói.

 

Nguyên Hạ

Theo AP