1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nghị viên Mỹ gốc Việt: Thế hệ tôi sẽ phải khác

Chuyến trở về Việt Nam lần này của nghị viên người Mỹ gốc Việt Hoàng Duy Hùng mang ý nghĩa lịch sử khi ông mong muốn trở thành chiếc cầu nối giữa người Việt trong và ngoài nước nhằm xây dựng nước Việt Nam hùng mạnh, thay vì chống phá nhà nước như trước kia.

PV đã có cuộc trò chuyện với nghị viên Hoàng Duy Hùng trong những ngày ông có mặt tại Việt Nam.

 

Dòng máu Việt mãi cuộn chảy

 

Xin ông cho biết lịch trình và mục đích chuyến trở về Việt Nam này?

 

Tôi trở về Việt Nam từ ngày 22/3 đến 7/4 theo lời mời của ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Tôi đã đi dâng hương Đền Hùng, thăm một số di tích lịch sử Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, gặp gỡ tiếp xúc với lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, thăm bệnh viện ung thư Đà Nẵng, làm việc với Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, thăm nghĩa trang Biên Hòa...

 

Nói chung, lịch làm việc của tôi dày đặc. Tôi không có thời gian về thăm quê mình, chỉ có một buổi duy nhất về thăm quê vợ ở Phúc Nhạc, tỉnh Đồng Nai.

 

Như bạn đã biết, tôi là nghị viên của thành phố Houston, thành phố lớn thứ nhì nước Mỹ thuộc bang Texas. Ngày 12/7/2012, tại Houston, thị trưởng thành phố Houston và chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký nghị định thư kết nghĩa hai thành phố.

 

Chính vì thế, tôi muốn tìm phương án giúp hai thành phố sát lại gần nhau thông qua những hợp tác về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa.

 

Ngoài ra, với tâm tư của một người Việt Nam, tôi cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa người Việt trong nước và người Việt ở hải ngoại tốt đẹp hơn với mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh.

 
Nghị viên Mỹ gốc Việt: Thế hệ tôi sẽ phải khác
Nghị viên Hoàng Duy Hùng (người thắt cà vạt) tại nhà riêng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: Nguyễn Phương Hùng.
 

Cảm tưởng của ông khi lần đầu tiên được trở về sau đúng 20 năm bị trục xuất khỏi Việt Nam?

 

Vâng, quả thật là tôi rất xúc động vì nhà nước Việt Nam đã nhìn tôi với một ánh nhìn khác so với trước đây. Tôi cho rằng, đó là tín hiệu cởi mở. Nhà nước Việt Nam đang mở cửa đấy chứ. Nếu cách đây 20 năm, một con người được cho là nguy hiểm đến chế độ như tôi, chắc về tới phi trường là được mời vô khách sạn Hilton (nhà tù Hỏa Lò xưa).

 

Tôi xúc động hơn nữa vì chuyến đi này không chỉ làm công việc cho riêng người Việt, mà cho cả người Mỹ. Dù là nghị viên Mỹ, nhưng tôi là người Việt 100%. Dòng máu Việt luôn cuộn chảy trong tôi. Tôi vẫn luôn nhớ câu ca dao: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”.

 

Chuyến thăm nhà riêng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã để lại cho tôi những ấn tượng không thể nào phai. Bác Triết nắm chặt tay tôi và dẫn ra khu vườn nhà ông trò chuyện cứ như thể tôi là con cháu trong nhà đi xa nay đã trở về.

 

Bước ngoặt thay đổi

 

Từ chủ trương đấu tranh bạo động, ông chuyển sang chủ trương đối thoại, biến cố nào đã khiến ông thay đổi?

 

Bố tôi từng làm việc cho chế độ cũ ở Việt Nam. Năm 1975, khi mới 13 tuổi, tôi đã theo bố mẹ sang Hoa Kỳ định cư. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Đại học ở Mỹ, tôi trở về Việt Nam theo con đường du lịch để móc nối với một số người trong nước nhằm lật đổ Nhà nước này và bị bắt giam tại nhà lao Chí Hòa 16 tháng.

 

Năm 1993, do những tiến triển mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nên tôi được trả tự do vì lúc đó, tôi là công dân Hoa Kỳ. Sau khi về Mỹ - tôi tiếp tục học lên Tiến sĩ Luật và trở thành luật sư. Tuy nhiên, tôi không từ bỏ ý định cũ.

 

Đến năm 2001, tôi lại tìm cách xâm nhập vào Việt Nam theo con đường bất hợp pháp - qua Campuchia với mục đích gây ra một việc động trời: Đánh sập hai tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bến cảng Nhà Rồng và Cần Thơ. Lúc đó, tôi là một trong những đối tượng bị Bộ Công an Việt Nam theo dõi.

 

Khi lọt vào được Việt Nam, tôi cũng đã lên Đền Hùng khấn Vua Hùng phù hộ cho tôi được sáng suốt. Đúng cái đêm tôi định hành động, tôi tự hỏi: Làm xong việc này thì mình định làm gì tiếp theo? Tôi thấy, nếu tôi làm việc này, tôi sẽ trở nên nổi tiếng, nhưng sẽ có nhiều đồng bào của tôi bị thương vong, những người làm việc cho tôi sẽ bị tù đày. Vì thế, tôi đã ra lệnh hủy bỏ kế hoạch đánh bom.

 

Tôi rời Sài Gòn, sang Campuchia và trở lại Mỹ. Khi về tới sân bay tại Los Angeles, tình báo Mỹ đã đón tôi ở đó và mời vào phòng làm việc. Họ nói với tôi rằng: “Chớ làm chuyện đó một lần nữa vì đối với người Mỹ, đó chẳng khác nào hành động khủng bố. Việt Nam và Hoa Kỳ đã có mối quan hệ ngoại giao, anh nên tìm con đường khác để giải quyết vấn đề”.

 

Tôi về suy nghĩ thấy đúng là con đường bạo lực chỉ làm tình hình xấu thêm. Thế giới toàn cầu hóa không chấp nhận bạo lực. Tôi bắt đầu chuyển sang phương thức đối thoại.

 
Nghị viên Hoàng Duy Hùng cùng phu nhân chụp ảnh lưu niệm tại Đền Hùng. Ảnh : ECT Nguyễn Trường.
Nghị viên Hoàng Duy Hùng cùng phu nhân chụp ảnh lưu niệm tại Đền Hùng. Ảnh : ECT Nguyễn Trường.
 

Phải chăng cuộc gặp gỡ với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tại Mỹ chính là thời điểm tốt cho sự trở về?

 

Quả thật, tôi đánh giá cao hành động của ông Nguyễn Thanh Sơn khi ông tới thành phố Houston và sẵn sàng đối thoại trực tiếp với những người được cho là thành phần chống Cộng kịch liệt tại đây. Ông đã không ngại trả lời bất kỳ câu hỏi nào.

 

Tôi cho rằng ông Sơn là người rất can đảm và có tư tưởng tiến bộ. Tôi cũng hiểu rằng, khi ông Nguyễn Thanh Sơn mời tôi về đây, cũng có người không đồng ý, nhưng ông cũng phải vượt qua sự khó khăn đó để mời tôi, tôi rất tôn trọng tư cách lãnh đạo đó của ông.

 

Tôi vẫn đi Việt Nam, dù có thất cử

 

Ông đã từng bị dọa đánh bom trước cửa nhà vì công khai chuyện đón tiếp Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và có ý định trở về Việt Nam?

 

Khi xưa tôi chủ trương con đường bạo động, các cụ bên này nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ, coi tôi như thần tượng. Nhưng khi tôi suy nghĩ lại và chuyển sang con đường đối thoại thì một số cụ giận, và cho rằng tôi phản bội các cụ. Một số ít cụ không ủng hộ tôi thì chống kịch liệt. Tôi coi đó là chuyện bình thường.

 

Bởi tôi thấy phương thức hoạt động của các cụ không còn phù hợp với xu thế hiện nay nữa. Đất nước chúng ta đang đứng trước sự cạnh tranh, nếu cứ ăn thua các tồn đọng lịch sử, mà để các nước khác vượt qua là có tội. Thế hệ chúng tôi sẽ phải khác.

 

Ông là người dũng cảm, dám đương đầu với những người chống đối dù ít, nhưng lại bạo động, liệu sau chuyến đi này ông có tiếp tục bị chống đối?

 

Đó là điều chắc chắn. Nhưng chuyện đó đối với tôi là bình thường. Tôi đi và tôi chấp nhận. Thậm chí, có người còn lo cho tôi và hỏi rằng liệu sau chuyến đi này ông bị mất tín nhiệm trong dịp tranh cử tới thì sao? Tôi nói rằng, tôi có thể thất cử, nhưng tôi chấp nhận.

 

Chuyến đi này của ông được coi là chuyến đi tiền trạm cho bà Annise Parker, thị trưởng thành phố Houston Parker sang VN?

 

Bà Parker ban đầu có ý định tới Việt Nam, nhưng rất tiếc năm nay không thể rời khỏi thành phốvì bận tranh cử. Có thể là sang năm vì tháng 11 tới là bỏ phiếu rồi. Sau chuyến đi này, tôi cũng sẽ không đi đâu nữa để tập trung cho công việc bầu cử.

 

Nghị viên Hoàng Duy Hùng (tên tiếng Anh: Aloysius Hoang, gọi tắt là Al), người Công giáo, sinh năm 1962, là một luật sư người Mỹ gốc Việt. Ông đắc cử nghị viên hội đồng thành phố Houston, thuộc tiểu bang Texas trong cuộc bầu cử ngày 12/ 12/2009.

 

Kể từ năm 2009, sau khi trúng cử nghị viên thành phố Houston, Hoàng Duy Hùng chuyển sang chủ trương đối thoại, hòa giải, hòa hợp dân tộc Việt Nam. Hoàng Duy Hùng cũng là tác giả của khoảng 10 cuốn sách về các vấn đề Việt Nam.

 

Theo Vũ Lan Anh

Tiền phong