1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nghi vấn về căn cứ huấn luyện mới cho tàu sân bay Trung Quốc

(Dân trí) - Tờ China Youth Daily ngày 26/6 đưa tin quá trình xây dựng căn cứ huấn luyện hải quân đang được triển khai trên khu đất rộng hơn 160 ha trên đảo Trường Hưng.

Vị trí đảo Trường Hưng (Chongming). (Ảnh:
 
Vị trí đảo Trường Hưng (Chongming). (Ảnh: SCMP)

Theo báo trên, chính phủ Trung Quốc từng giao cho Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) khu đất rộng 167 ha trên đảo Trường Hưng tại cửa sông Trường Giang để xây dựng cơ sở cho các đơn vị hải quân. Tuy nhiên, có thông tin mới đây cho rằng khu đất này sẽ được xây dựng làm căn cứ huấn luyện phục vụ cho tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai.

Giới phân tích quân sự cho rằng Hải quân Trung Quốc có thể sử dụng căn cứ nêu trên để huấn luyện thủy thủ, tuy nhiên đây không phải là căn cứ neo đậu của tàu sân bay Trung Quốc. 

Chuyên gia về hải quân, ông Li Jie cho biết đảo Trường Hưng không chỉ là căn cứ huấn luyện của hải quân mà còn có thể trở thành căn cứ tiếp tế cho các loại tàu chiến. “Trung Quốc đã có 2 tàu sân bay. Tàu sân bay Đại Liên đặt tại tỉnh Liêu Ninh và tàu còn lại đặt ở đảo Hải Nam. Đảo Trường Hưng không phải là căn cứ lý tưởng cho tàu sân bay vì nó quá gần một trung tâm kinh tế lớn như thành phố Thượng Hải, nơi có nhiều chuyến bay cất và hạ cánh mỗi ngày”. 

Đảo Trường Hưng rộng 1.267 km2 và là hòn đảo lớn lớn thứ hai của Trung Quốc sau đảo Hải Nam. Dân số trên đảo khoảng 820.000 người. Giáo sư Ni Lexiong cho rằng vị trí chiến lược của hòn đảo là lựa chọn tốt cho công tác huấn luyện. 

“Đảo Trường Hưng từng là tiền tuyến chống lại các cuộc xâm lược từ nước ngoài dưới thời nhà Minh và nhà Thanh. Do đó, lựa chọn hòn đảo này làm nơi bố trí căn cứ huấn luyện hải quân mang nhiều ý nghĩa”, ông Ni Lexiong nhận định. 

Hồi đầu tháng này, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin quân đội nước này đã đặt các máy bay chiến đấu chủ lực J-10 trên đảo này. Đây được coi là động thái nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trên biển của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra bất cứ cuộc xung đột nào với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. 

Trong khi đó, thông báo của quân đội Trung Quốc hôm 24/6 cho biết chính quyền địa phương đã khẳng định quân đội được quyền sử dụng toàn bộ không phận trên đảo này.
 
Điều đó đồng nghĩa với việc cuộc sống hoang dã của nhiều loại động vật trên đảo sẽ bị ảnh hưởng. Vùng đất ngập mặn trên đảo Trường Hưng là môi trường sống lý tưởng cho các loài chim di cư, nên “giải phóng mặt bằng” phục vụ dự án xây dựng nêu trên sẽ buộc phải “di dời” nhiều loại động vật. 

Tuy nhiên, vấn đề trên có vẻ như đã được giải quyết khi một quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi sẽ giải quyết ngay lập tức tất cả các vấn đề liên quan có thể ảnh hưởng tới khả năng chiến đấu của các đơn vị”. 

Theo nhà quan sát quân sự Leung Kwok-leung làm việc tại Hong Kong, các dấu hiệu nêu trên cho thấy “Trung Quốc đang tập trung phát triển hải quân”. Ông cho rằng: “Quá trình xây dựng căn cứ mới trên đảo Trường Hưng cho thấy căn cứ của Hải quân Trung Quốc tại Wusongku ở thành phố Thượng Hải đã không đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao hiện nay”. 

Trước khi dự án quy mô nêu trên được triển khai, đảo Trường Hưng từng có thời gian dài được quân đội Trung Quốc sử dụng làm căn cứ huấn luyện cho các đơn vị bộ binh, hải quân và không quân, cũng như lực lượng công an.

Ngọc Anh 
Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm