1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghị sĩ từ 20 nước phản đối ứng viên Trung Quốc vào ủy ban của Interpol

Thành Đạt

(Dân trí) - Hơn 40 nghị sĩ từ 20 nước đã viết thư phản đối đề cử của Bộ Công an Trung Quốc để ông Hu Binchen vào vị trí giám sát tại Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol).

Nghị sĩ từ 20 nước phản đối ứng viên Trung Quốc vào ủy ban của Interpol - 1

Ông Hu Binchen được đề cử cho vị trí tại ủy ban điều hành của Interpol (Ảnh: SMH).

Ông Hu Binchen đã được đề cử làm ứng cử viên cho ủy ban điều hành gồm 13 thành viên của Interpol. Ủy ban này chịu trách nhiệm giám sát công việc của ban thư ký Interpol.

Ủy ban họp định kỳ 3 lần một năm, nhằm đề ra chính sách cũng như phương hướng hoạt động của tổ chức. Cuộc bầu chọn thành viên của ủy ban dự kiến được tổ chức vào tuần tới trong phiên họp toàn thể của Interpol ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn 40 nghị sĩ từ 20 nước đã phản đối ứng cử viên của Trung Quốc, cho rằng việc đề cử ông Hu đã làm dấy lên những lo ngại về nỗ lực của Trung Quốc trong việc thực thi luật pháp nước ngoài. Nhóm nghị sĩ cũng cáo buộc Bắc Kinh sử dụng lệnh truy nã đỏ hoặc hệ thống cảnh báo của Interpol sai mục đích.

Ông Hu đã làm việc tại Bộ Công an Trung Quốc hơn hai thập niên và là phó lãnh đạo bộ phận hợp tác quốc tế của cơ quan này.

Đề cử của ông Hu được đưa ra 3 năm sau khi ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu Thứ trưởng Công an Trung Quốc, cựu Giám đốc Interpol, bất ngờ "mất tích" trong một chuyến về thăm Trung Quốc. Ông Mạnh là giám đốc Interpol, có trụ sở tại Pháp, từ năm 2016-2018.

Trung Quốc sau đó xác nhận bắt giữ ông Mạnh và đưa ra xét xử. Cựu thứ trưởng Công an Trung Quốc bị kết tội nhận hối lộ 2 triệu USD hồi tháng 1 năm ngoái và lĩnh án tù 13 năm rưỡi. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng ông Mạnh đã nhận tội và không kháng án.

Vợ của ông Mạnh đã bác bỏ các cáo buộc từ phía Trung Quốc, cho rằng chồng bà là nạn nhân của tranh giành quyền lực. Bà Mạnh và các con đã được Pháp cấp cơ chế tị nạn.

Reinhard Butikofer, một thành viên của Nghị viện Châu Âu, nói rằng trong thời gian ông Mạnh Hoành Vĩ tại nhiệm, đã có báo cáo về việc ông cố gắng thay đổi hoạt động của Interpol và trao quyền lực lớn hơn cho ủy ban điều hành.

Một báo cáo hồi năm 2019 của báo Wall Street Journal cho biết ông Mạnh đã cố gắng thúc đẩy vị trí chủ tịch và ủy ban điều hành của Interpol để có quyền lực và ngân sách lớn hơn.

Interpol đã bác bỏ cáo buộc rằng, các thành viên trong ủy ban điều hành của cơ quan này có thể tác động đến việc ban hành hoặc hủy bỏ lệnh truy nã đỏ.

"Là một tổ chức thực thi pháp luật toàn cầu, Interpol cung cấp một nền tảng trung lập để lực lượng cảnh sát làm việc trực tiếp với các đối tác của họ, ngay cả giữa các quốc gia không có quan hệ ngoại giao", Interpol cho biết.

Interpol nắm giữ cơ sở dữ liệu chứa hàng triệu thông tin bao gồm hồ sơ sinh trắc học và thông tin chi tiết về tài sản bị đánh cắp như hộ chiếu, xe cộ và vũ khí.

Interpol cũng vận hành hệ thống truy nã đỏ quốc tế, trong đó các quốc gia thống kê tên của những cá nhân đã bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị bắt. Hệ thống này nhằm ngăn chặn tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài.