1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nghị sĩ Đức nói Ukraine có thể tấn công trụ sở quân sự, tình báo của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Phát ngôn của nghị sĩ Đức có thể khiến quan hệ giữa Đức và Nga căng thẳng hơn nữa sau những vụ việc gần đây liên quan đến việc Berlin viện trợ quân sự cho Ukraine.

Nghị sĩ Đức nói Ukraine có thể tấn công trụ sở quân sự, tình báo của Nga - 1

Trụ sở Bộ Quốc phòng Nga tại Moscow (Ảnh: Reuters).

RT ngày 7/3 đưa tin, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát quốc hội Đức Roderich Kiesewetter phát biểu trên truyền hình rằng: "Ukraine nên được trao cơ hội để đưa xung đột vào trong lãnh thổ Nga".

Ông cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã đề cập đến điều này từ tháng 4 năm ngoái.

"Điều duy nhất tôi sẽ bổ sung là việc tấn công Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan tình báo Nga cũng cần thiết. Rõ ràng đây không phải là về các mục tiêu dân sự và không phải về người dân", ông Kiesewetter nói khi cho rằng đó là những "mục tiêu tấn công hợp pháp" cho Ukraine.

Khi được hỏi liệu điều đó có nghĩa là Ukraine được phép sử dụng tên lửa Taurus do Đức sản xuất để tập kích thủ đô Moscow của Nga hay không, ông Kiesewetter cho biết: "Không. Trong khuôn khổ thỏa thuận, chúng tôi yêu cầu Ukraine chỉ được sử dụng tên lửa ở những vùng bị Nga kiểm soát và họ buộc phải tuân thủ nguyên tắc này".

Bộ Ngoại giao Nga và Đức hiện chưa bình luận về những phát ngôn của ông Kiesewetter. Tuy nhiên, những bình luận này chắc chắn sẽ khiến quan hệ giữa Berlin và Moscow căng thẳng hơn nữa.

Truyền thông Nga cuối tuần trước công bố một đoạn ghi âm dài 38 phút được cho là ghi lại cuộc thảo luận giữa tướng Ingo Gerhartz, chỉ huy Lực lượng Không quân Đức, và một số sĩ quan cấp cao khác của Đức ngày 19/2.

Các sĩ quan đã thảo luận về tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh và SCALP của Pháp mà những nước này viện trợ cho Ukraine. Ngoài ra, họ cũng bàn đến khả năng chuyển tên lửa hành trình Taurus của Đức cho Kiev.

Họ tranh luận những vũ khí đó liệu có đủ để tấn công cầu nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar của Nga hay không. Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi không được Ukraine và phương Tây công nhận.

Ông Gerhartz cho biết, Đức đang cân nhắc chuyển 100 trong số 600 tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine theo 2 đợt.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng cuộc trao đổi của các sĩ quan Đức là bằng chứng cho thấy nước này chuẩn bị phát động cuộc chiến với Moscow.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/3 bình luận: "Bản ghi âm cho thấy quân đội Đức đang thảo luận kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga một cách thực chất và cụ thể. Mọi thứ đều quá rõ ràng". Ông nhấn mạnh, điều này một lần nữa nhấn mạnh sự tham gia trực tiếp của các quốc gia phương Tây vào cuộc xung đột Ukraine.

Chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến nay vẫn chưa phê chuẩn viện trợ tên lửa Taurus cho Ukraine. Thủ tướng Scholz nêu rõ loại vũ khí có tầm bắn tới 500 km đòi hỏi phải sử dụng đúng cách và nếu muốn kiểm soát phải có sự hiện diện của binh sĩ Đức. Trong khi đó, điều này là không thể do Đức không điều quân tới Ukraine.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine