1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nghèo đói, bạo lực và cuộc tranh giành nguồn kim cương ở châu Phi

Nhiều tháng nay, kim cương thô của châu Phi đã tăng lên về mặt giá trị nhưng lợi nhuận từ mặt hàng này vẫn không tới được người dân. Thay vào đó, điều này chỉ có lợi cho tầng lớp giàu có và các công ty mỏ vốn do nước ngoài sở hữu.


Không nhiều người dân châu Phi được hưởng lợi từ nguồn xuất khẩu kim cương trong nước

Không nhiều người dân châu Phi được hưởng lợi từ nguồn xuất khẩu kim cương trong nước

Trung tuần tháng 9-2017, Cảnh sát Tanzania đã triệt phá vào một đường dây buôn lậu kim cương quốc tế. Một lô hàng kim cương trị giá khoảng 28 triệu euro đã bị thu giữ tại sân bay chính của đất nước này. Petra Diamonds, Công ty kim cương lớn nhất thế giới, có trụ sở tại thiên đường thuế của Jersey đã đăng ký xuất lô hàng 14kg. Tuy nhiên, theo nhà chức trách Tanzania, trọng lượng thực của nó là 30kg. Đó là cách mà chủ doanh nghiệp vẫn trốn thuế khi khai thác nguồn kim cương quý giá của châu Phi.

Mỏ đầy kim cương mà người dân vẫn nghèo đói

Những viên kim cương thô từ mỏ Williamson dự kiến sẽ được xuất sang Bỉ để chế tác. Mỏ Williamson là một doanh nghiệp liên doanh nằm ở phía Bắc Tanzania, trong đó 75% vốn sở hữu của hãng Petra Diamonds, còn lại thuộc quyền sở hữu của chính quyền nước sở tại.

Benedict Mahona, một chuyên gia kinh tế tại Đại học Dar-es-Salam cho rằng, việc thu giữ lô hàng kim cương từ mỏ Williamson là hợp pháp. Ông giải thích, Luật Hải quan của Cộng đồng Đông Phi quy định rõ ràng: Mỗi sản phẩm nhập khẩu hoặc xuất khẩu từ khu vực này phải được kê khai chính xác. “Các công ty khai thác trên toàn cầu đang cướp đi tài nguyên kim cương của châu Phi một cách có hệ thống. Chỉ một phần nhỏ khối lượng được khai báo và đóng thuế đầy đủ”, ông Mahona nói.

Sau vụ việc này, Tổng thống Tanzania, John Magufuli tuyên bố, người Tanzania có thể chiếm giữ các mỏ kim cương nếu các công ty nước ngoài tiếp tục “có vấn đề”. Ông Magufuli cũng nhắc lại rằng chống tham nhũng trong ngành khai thác mỏ là một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Haki Madini, một tổ chức phi Chính phủ nhận định, trong quá khứ điều này chưa từng xảy ra và “ít nhất, các công ty bản địa cũng tham nhũng như những người nước ngoài”.

Tanzania đứng thứ 10 trong các nước sản xuất kim cương lớn nhất châu Phi, tuy nhiên, hiện tại ngành mỏ chỉ đóng góp chưa đầy 4% cho GDP của nước này. Tương tự như Tanzania, kim cương cũng không mang lại sự giàu có cho Zimbabwe. Ba phần tư dân số Zimbabwe, nhà sản xuất kim cương lớn thứ năm của châu Phi, sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. “Hàng tỷ euro đã biến mất trước khi được đưa vào Kho bạc Zimbabwe”, báo cáo của nhóm chống tham nhũng Global Witness của Anh khẳng định.

Theo đó, kim cương chưa bao giờ giúp dân thường Zimbabwe hưởng lợi mà ngân sách thường bị thất thoát vào tay quân đội và những cơ quan bí mật. Đó là chưa kể, tranh giành nguồn kim cương cũng dẫn đến nghèo đói, bạo lực và làn sóng phản đối ở Angola hay Cộng hòa Dân chủ Congo.

Điểm sáng Botswana

Tuy nhiên, nổi lên trên bức tranh ảm đạm đó là Botswana, nước có vẻ như đã rút ra được bài học tiêu cực ở các nước láng giềng châu Phi. Một lượng lớn các viên kim cương thô được chia cắt, đánh bóng hay khoan ngay ở Boswana, trong khi chỉ vài năm trước, điều này chỉ có thể thực hiện được ở thành phố Antwerp của Bỉ hay Israel.

Quốc gia sản xuất kim cương lớn nhất châu Phi này đang được coi như một mẫu hình về chuyển đổi dòng lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên trở lại xã hội. 75% doanh thu ngoại hối của đất nước này đều đến từ việc bán kim cương thô.

Không giống như hầu hết các nước châu Phi khác, Botswana xử lý nguồn lợi nhuận này rất kỹ càng, nhất là họ có một chương trình an sinh xã hội khiến nhiều nước khác phải ghen tị, bao gồm giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí. Ngoài ra, một phần tiền thu được từ khai thác mỏ kim cương được đầu tư cải tiến đường bộ, mạng lưới viễn thông và Internet.

Cho rằng hiện giờ điều Botswana cần làm là đầu tư lợi nhuận từ việc khai thác kim cương sang các ngành công nghiệp khác, ông Ricardo Soares de Oliveira, một chuyên gia châu Phi tại trường Đại học Oxford nhấn mạnh: “Có như thế mới đảm bảo rằng tiền sẽ về với họ nhiều hơn trong tương lai”.

Theo Yến Chi

An ninh thủ đô