Nghệ thuật lấy lòng công chúng phương Tây của đệ nhất phu nhân Trung Quốc
(Dân trí) - Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện đã gây ấn tượng với truyền thông Anh khi bà xuất hiện trong những bộ váy và vest bắt mắt trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây. Báo chí Anh đã dùng những từ như “duyên dáng”, “lộng lẫy”, “tinh tế”, “quyến rũ”, “thanh lịch” để miêu tả bà Bành.
Tờ Daily Telegraph gọi bà Bành là “bậc thầy trong nghệ thuật chọn trang phục ngoại giao”, miêu tả bộ váy giả áo khoác lụa màu xanh mà bà mặc trong quốc yến tại cung điện Buckingham là “đỉnh cao của sự duyên dáng có chừng mực”.
Bộ váy màu xanh là bộ trang phục thứ 3 bà thay trong ngày. Tại trụ sở quốc hội Anh, bà mặc một chiếc áo khoác màu xám thanh lịch, kết hợp ăn ý với chiếc khăn lụa thắt nơ tinh tế. Khi gặp Nữ hoàng Anh, bà chọn một bộ vest trắng đơn giản.
“Bà Bành không chỉ giữ hình ảnh của chính mình, mà còn giúp gây dựng một hình ảnh mới của Trung Quốc với thế giới”, Telegraph bình luận.
Hình ảnh được chăm chút kỹ lưỡng của bà Bành đối lập hoàn toàn với phu nhân của các cựu lãnh đạo Trung Quốc. Tại quốc yến với Nữ hoàng trong chuyến thăm Anh của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào 10 năm trước, vợ ông Hồ mặc bộ trang phục phù hợp với một cuộc họp hơn là quốc tiệc.
Bà Bành, một ca sĩ nổi tiếng tại Trung Quốc, ban đầu khá kín tiếng khi chồng bà mới nhậm chức hồi cuối năm 2012. Nhưng trong những năm gần đây, bà đã giữ vai trò lớn hơn nhằm trợ giúp nâng cao hình ảnh của chồng và quyền lực mềm của Trung Quốc ở nước ngoài.
Bà Bành tự tin trò chuyện bằng tiếng Anh với Công nương Anh Kate Middleton (Ảnh: AFP)
Trên cương vị đệ nhất phu nhân, phong cách thời trang của bà Bành đã gây ấn tượng. Tạp chí Vanity Fair đã bình chọn bà Bành vào danh sách mặc đẹp nhất năm 2013. Năm 2014. Forbes bình chọn đệ nhất phu nhân Trung Quốc là người phụ nữ quyền lực thứ 57 thế giới.
Trong các chuyến công du nước ngoài của ông Tập, trong đó có các điểm đến Mexico, Indonesia, Bỉ, Nga, Mỹ, Anh, phong cách thời trang của bà Bành được quan tâm không kém gì chương trình nghị sự của ông Tập.
Bà Bành, một đại sứ của UNESCO về giáo dục dành cho phụ nữ, cũng gây ấn tượng tại Liên hợp quốc hồi tháng trước với một bài phát biểu bằng tiếng Anh về tầm quan trọng của giáo dục cho phụ nữ. Đệ nhất phu nhân Trung Quốc còn là đại sứ thiện chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bệnh lao và HIV/AIDS.
Bà Bành rất tự tin. Bà đã chứng tỏ giọng hát trong chuyến thăm một trường nhạc hàng đầu ở New York tháng trước. Còn khi bà và ông Tập thăm London, bà Bành đã trò chuyện niềm nở với Công nương Anh Kate Middleton mà không cần phiên dịch.
Kerry Brown, một giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học King ở London, nói với tờ Thời báo Hoa Nam Buổi sáng rằng bà Bành và ông Tập giờ đây là “một phần của cùng chiến dịch tuyên truyền” và việc quảng bà hình ảnh của bà ở nước ngoài nhằm thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc là “rất khôn ngoan”.
Bà Bành cũng gây ấn tượng với bài phát biểu bằng tiếng Anh trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập hồi tháng 9 (Ảnh: AP)
Khả năng tiếng Anh và phong cách thời trang của bà Bành là “các tài sản lớn nhằm thúc đẩy hình ảnh của Trung Quốc như một đất nước hiện đại và năng động… và cho thấy khía cạnh mềm mại và cởi mở hơn với công chúng của thời đại Tập Cận Bình”, ông Brown nói.
Nhà khoa học chính trị về hưu Joseph Cheng, từng làm việc tại Đại học Thành phố ở Hong Kong, cho hay bà Bành đã cho thấy một sự thay đổi trong thế hệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, giống như bà Raisa Gorbachev, phu nhân của cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào những năm 1980.
Theo BBC, các đệ nhất phu nhân Trung Quốc luôn giữ một vai trò rất kín đáo trong 20 năm qua. Vợ cựu Chủ tịch Hồ Cầm Đào rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, phu nhân ông Giang Trạch Dân, người tiền nhiệm của ông Hồ, cũng luôn đứng đằng sau hậu trường.
An Bình