1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngân sách viện trợ nước ngoài bí mật của Lầu Năm Góc

Tháng 2-2016, chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiết lộ bản đề xuất ngân sách năm 2017 bao gồm hàng ngàn trang, trong đó đề cập đến số tiền yêu cầu lên đến gần 600 tỷ USD dành cho Lầu Năm Góc!

Khoản tiền khổng lồ này được dành cho một loạt những dự án lớn; ví dụ như 1,8 triệu USD dùng để mua sắm trang thiết bị quân sự cho Bộ chỉ huy Tác chiến Đặc biệt Mỹ (SOCOM), và 1,2 tỷ USD dành cho chương trình quốc phòng nghiên cứu phát triển các loại vũ khí hóa học và sinh học. Trong mỗi trường hợp, chính quyền Mỹ đều cẩn thận giải trình về mục đích của yêu cầu ngân sách.

Trong bản đề xuất ngân sách này không bao gồm khoản tiền khổng lồ 10 tỷ USD viện trợ quân sự nước ngoài mà Lầu Năm Góc quản lý hàng năm dành cho chương trình có tên gọi khá mỹ miều là Xây dựng Năng lực Đối tác (BPC). Thực ra, khó có thể tính toán chi phí cho mỗi chương trình viện trợ riêng biệt cũng như khó xác định được các chương trình BPC có hiệu quả hay không.

Những khoản tiền viện trợ nước ngoài của Lầu Năm Góc không được minh bạch.
Những khoản tiền viện trợ nước ngoài của Lầu Năm Góc không được minh bạch.

Đó là điều đáng lo ngại, bởi vì đôi khi BPC khiến cho những vấn đề trở nên rắc rối hơn là giải quyết chúng. Ngày 16-3-2016, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ tổ chức buổi điều trần về những chương trình này. Song theo các chuyên gia đánh giá thì hành động giám sát này diễn ra quá chậm. Quốc hội Mỹ cần có trách nhiệm giải trình công khai về hoạt động quản lý các chương trình BPC trước khi chúng vô tình gây tổn hại thêm cho các lợi ích của Mỹ trên toàn cầu.

Vào thập niên 1990, Quốc hội Mỹ bắt đầu cho phép Bộ Quốc phòng nước này cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp cho quân đội nước ngoài nhằm phản ứng trước mối lo ngại tăng cao về sự sử dụng ma túy ngay trên đất Mỹ. Sau đó, Lầu Năm Góc bắt đầu triển khai nhiều chương trình huấn luyện và trang bị khí tài quân sự cho các lực lượng quân đội ở Tây bán cầu đồng thời giám sát chặt chẽ mạng lưới cartel ma túy. Hành động này dẫn đến quyền lực mới đáng kể cho Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD).

Tiền viện trợ quân sự của Mỹ chỉ khiến nhiều người ủng hộ phe cực đoan Al Shabaab.
Tiền viện trợ quân sự của Mỹ chỉ khiến nhiều người ủng hộ phe cực đoan Al Shabaab.

Trước hết, ngân sách Bộ Ngoại giao Mỹ dành gần một nửa khoản tiền cho mọi sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. Kể từ sau ngày 11-9-2001, những chương trình BPC bắt đầu gia tăng gấp đôi về quy mô cũng như số lượng.

Theo tổ chức nghiên cứu quốc tế phi lợi nhuận RAND Corporation, Lầu Năm Góc hiện nay có ít nhất 70 thẩm quyền khác nhau nhằm giúp BPC đối đầu với nhiều thách thức đang tăng trên khắp thế giới – như cuộc nổi dậy ở Philippines, bạo lực băng nhóm ở El Salvador, khủng bố ở Vùng châu thổ Nigeria, vấn đề Biển Đông và buôn lậu ma túy ở Tajikistan. Tổng cộng, DOD đã chi tiêu ít nhất 122 tỷ USD để vũ trang và huấn luyện cho quân đội nước ngoài trong vòng 15 năm qua.

Tuy nhiên, sự chi tiêu của Lầu Năm Góc không rõ ràng và luôn nằm trong bí mật. DOD là cơ quan chính quyền duy nhất của Mỹ không đòi hỏi phải giải trình ngân sách hàng năm với Quốc hội, do đó công chúng không thể biết được Lầu Năm Góc chi tiêu bao nhiêu cho một quốc gia nào đó và tại sao phải cung cấp sự hỗ trợ tài chính. Nếu không có cơ sở dữ liệu tham khảo, người ta khó thể đánh giá những chương trình BPC có thành công hay không cũng như việc sử dụng nguồn tài chính viện trợ của một quốc gia nào đó có thật sự hiệu quả hay không.

Viện trợ nước ngoài của Mỹ được đánh giá là chưa hiệu quả.
Viện trợ nước ngoài của Mỹ được đánh giá là chưa hiệu quả.

Năm 2016, trưởng ban tài chính của DOD tiết lộ thêm nhiều tài liệu ngân sách viện trợ nước ngoài hơn trước đây, cung cấp chi tiết về 5 chương trình trong đó bao gồm Quỹ Đối tác chống Khủng bố trị giá 1 tỷ USD. Hành động này được coi là sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn đến 66 chương trình viện trợ khác do DOD quản lý chưa được cung cấp chi tiết. Mặc dù những chương trình này có quy mô nhỏ nhưng chúng cũng chiếm hàng tỷ USD. Trong khi đó, các tổ chức giám sát của Quốc hội cũng hết sức mù mờ về các chương trình viện trợ BPC.

Tháng 12-2015, Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ - cơ quan trực thuộc Thư viện Quốc hội và có quyền truy cập toàn bộ các tài liệu và file máy tính Lầu Năm Góc – tiến hành đánh giá các chương trình BPC có hoàn thành mọi mục tiêu như ban đầu đề ra hay không. CRS tìm thấy ít có bằng chứng cho thấy những chương trình này giúp kết thúc những cuộc chiến tranh, chấm dứt bạo lực hay kiểm soát được tình hình bất ổn trong khu vực. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu ở CRS cũng không thể đánh giá được tính hiệu quả của những khoản tiền viện trợ do thiếu sổ sách kế toán bên trong Lầu Năm Góc.

Họ viết trong báo cáo: “Hiện nay, việc xác định DOD chi tiêu bao nhiêu tiền cho các hoạt động BPC là gần như không thể được”. Tuy nhiên, thông tin về chi tiêu viện trợ quân sự cho nước ngoài của Lầu Năm Góc có thể tham khảo cơ sở dữ liệu của chương trình Giám sát Hỗ trợ An ninh (SAM) thuộc Trung tâm Chính sách Quốc tế - tổ chức phi lợi nhuận theo dõi và phân tích những chương trình hỗ trợ quốc phòng và an ninh của Mỹ trên toàn thế giới.

Theo số liệu từ SAM, các khoản tiền viện trợ của Lầu Năm Góc tăng từ 1 tỷ USD trong năm 2002 đến 10,8 tỷ USD năm 2015. Ngoài những vấn đề trách nhiệm tài chính, những chương trình của BPC bị phê phán là vô tình phá hoại ngầm an ninh quốc gia Mỹ.

Nghiên cứu mới đây của Saferworld – tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở tại thành phố London nước Anh – về những nỗ lực chống khủng bố ở Afghanistan, Somalia và Yemen cho thấy những chương trình hỗ trợ quân sự của Mỹ đã tạo thêm nhiều kẻ thù nguy hiểm cho nước Mỹ.

Ví dụ như ở Yemen, Mỹ đã viện trợ hơn 1 tỷ USD từ năm 2010 đến 2104 để tăng cường sức mạnh cho các lực lượng an ninh chính quyền Yemen. Song tiền viện trợ vô tình củng cố sức mạnh cho chế độ Yemen tham nhũng và vi phạm nhân quyền tràn lan đã làm những tầng lớp dân chúng căm phẫn và gia nhập các nhóm nổi loạn như Houthi và cực đoan như Al Qaeda ở Bán đảo Arập hoặc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ở Somalia, chính quyền Mỹ tiêu tốn hơn 1 tỷ USD từ năm 2007 để hỗ trợ cho đồng minh khu vực trong nỗ lực chống lại chiến binh Al Shabaab. Nhưng tiền viện trợ quân sự của Mỹ chỉ càng khiến cho nhiều người trong khu vực ủng hộ phe cực đoan Al Shabaab. Sự ủng hộ của Mỹ ở Uganda và Burundi cũng giúp cho chính quyền 2 nước này gây ra những vụ thảm sát hàng loạt những người chống đối.

Theo 2 tổ chức Minh bạch Quốc tế và Carnegie Endowment for International Peace, những khoản tiền viện trợ quân sự nước ngoài không minh bạch của DOD tạo điều kiện cho giới chức địa phương tham nhũng và bòn rút ngân quỹ Mỹ.

Theo Diên San (tổng hợp)

An ninh thế giới