1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngân hàng Thế giới viện trợ khẩn cấp cho Palestine

Hôm qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê chuẩn khoản viện trợ 42 triệu USD để duy trì hoạt động của chính quyền Palestine sắp mãn nhiệm cho đến khi quốc hội do Hamas kiểm soát thành lập được chính phủ mới.

Khoản tiền viện trợ này sẽ được chính quyền Palestine sử dụng để duy trì những dịch vụ công cộng cơ bản và những nhu cầu khẩn cấp của người dân, WB cho biết.

 

Các quan chức WB cho biết họ đang chờ đợi một quyết định của 4 nước trung gian hòa giải trong nhóm bộ tứ - gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Liên Hợp Quốc - về cách thức cung cấp viện trợ cho Palestine trong tương lai sau khi chính phủ do Hamas lãnh đạo được thành lập.

 

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay của Palestine có nguyên nhân trực tiếp từ quyết định ngừng chuyển tiền thuế của Israel cho phía Palestine, bắt đầu từ tháng này, nhằm cô lập Hamas. Trị giá của khoản tiền thuế mỗi tháng mà Israel thu hộ Palestine vào khoảng 50-55 triệu USD. Khoản tiền này rất cần thiết với người Palestine vì nó được dùng để trả lương hàng tháng cho khoảng một phần tư dân số, chủ yếu là công chức nhà nước. Đặc phái viên quốc tế James Wolfensohn tuần trước đã cảnh báo rằng bạo lực có thể bùng phát nếu lương của công chức Palestine không được thanh toán.

 

David Craig, giám đốc WB tại Bờ Tây và Gaza, cho biết số tiền viện trợ sẽ giúp chính quyền Palestine "duy trì được sự ổn định kinh tế và xã hội trong một thời gian ngắn thông qua việc trang trải những khoản chi tiêu cấp thiết nhất, chẳng hạn như trả lương cho công chức nhà nước".

 

Nhưng ông nói thêm: "Chính quyền Palestine cần phải coi việc tiến hành những cải cách toàn diện để đưa thâm hụt ngân sách xuống mức thấp nhất là ưu tiên hàng đầu".

 

Hôm nay, Na Uy cũng tuyên bố rằng nước này sẽ viện trợ cho Palestine 10 triệu USD để giúp chính quyền trả lương tháng 2 và 3 cho giáo viên. Liên minh châu Âu, Nga và Ảrập Xêút cũng sẽ viện trợ cho Palestine.

 

Ngân hàng Thế giới đã quản lý quỹ viện trợ cải cách đa quốc gia cho chính quyền Palestine từ năm 2004. Palestine cần khoảng 1 tỷ USD tiền viện trợ quốc tế mỗi năm. Các quan chức WB cho biết khoản viện trợ 42 triệu USD nói trên là tiền đóng góp của Liên minh châu Âu, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Tây Ban Nha và Anh.

 

Hiện vẫn chưa rõ khoản viện trợ này có bị phong tỏa khi Hamas hoàn thành việc thành lập chính phủ mới hay không. Theo Hiến pháp Palestine, chính phủ mới phải được thành lập vào cuối tháng này.

 

Chính quyền Bush khẳng định luật pháp Mỹ ngăn cấm cung cấp viện trợ trực tiếp cho chính quyền Palestine tương lai.

 

Các quan chức Liên minh châu Âu cho biết họ cũng sẽ ngừng viện trợ trực tiếp cho Palestine ngay sau khi Hamas lên nắm quyền trừ khi nhóm Hồi giáo vũ trang công nhận Israel, từ bỏ bạo lực và chấp nhận những thỏa thuận đã ký kết với nhà nước Do Thái.

 

Israel và các nước tài trợ đang thảo luận về khả năng phân phối viện trợ quốc tế cho người dân Palestine thông qua Ngân hàng Thế giới. Việc mở rộng vai trò của Ngân hàng Thế giới cho phép các nước tài trợ duy trì được việc viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine trong khi không phải làm việc với chính quyền Palestine tương lai do Hamas lãnh đạo.

 

Theo Việt Linh

Vnexpress/Reuters