1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ngậm miệng ăn tiền!

Trong khi cả LHQ lẫn EU đều tỏ ra sốt ruột trước tình hình chiến sự gia tăng ở Trung Đông và đã tính đến việc tăng cường các hoạt động ngoại giao, để tiến tới ngừng bắn và hòa đàm giữa các bên thì Mỹ dường như vẫn rất thụ động, không có nỗ lực ngoại giao nào ngoài việc khẳng định sự hậu thuẫn cho Israel.

Khác với những người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ G.Bush dường như không ưa dùng loại hình ngoại giao con thoi. Khi xưa, H.Kissinger, J.Baker và D.Ross thường xuyên có mặt ở Trung Đông mỗi lần xảy ra khủng hoảng. Còn bây giờ, khi chiến sự đã lan ra gần khắp đất nước Libăng và cả xung đột vũ trang giữa Israel và lực lượng Hamas ở Palestine lại tái phát, chính quyền của ông Bush như thể vẫn đứng ngoài cuộc, ông Bush mới chỉ tuyên bố là Ngoại trưởng Mỹ Rice sẽ đi Trung Đông, nhưng chưa nói cụ thể khi nào.

 

Thái độ đó có nguồn gốc một mặt từ lợi ích của Mỹ trong việc để mặc cho Israel sử dụng sức mạnh quân sự ở cả Libăng lẫn Palestine. Mỹ  ngầm hậu thuẫn Israel nhân cơ hội này đè bẹp mọi hoạt động quân sự chống lại Israel của cả Hezbollah ở Libăng lẫn Hamas ở Palestine vì cho rằng nếu không sẽ chẳng thể nào giải giáp được hai lực lượng này. Hơn nữa, chiến sự bùng nổ và leo thang càng tạo cớ cho Mỹ đổ vấy trách nhiệm sang cho Iran và Syria, rồi từ chuyện cho rằng Iran và Syria hậu thuẫn hai tổ chức kia sẽ lấn sang cả chuyện khác như khủng bố hay vấn đề hạt nhân. Thái độ thụ động và dửng dưng của Mỹ trong câu chuyện này có lợi cho Mỹ như thế.

 

Nhưng cũng còn có thể chính quyền Bush bế tắc trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại ở Trung Đông. Cử bà Rice đi Trung Đông thì dễ nhưng nếu chuyến công cán của bà không thành công thì tác động đối với ông Bush còn tai hại hơn cả khi cứ đứng ngoài cuộc. Mỹ suy tính rằng sớm hay muộn thì các bên liên quan cũng sẽ phải đi đến giải pháp, cho dù đó chỉ là ngừng bắn tạm thời, và trong mọi trường hợp đều cần đến vai trò của Mỹ. Khi đó Mỹ không thể không can dự. Còn bây giờ, đối với Mỹ cứ đứng ngoài có lợi hơn là can dự, thụ động  có lợi hơn là chủ động mà lợi bất cập hại.

 

Theo Mạc Vương

Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm