1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga và phương Tây đồng ý lộ trình hòa bình tại Syria

Gạt qua bất đồng, cùng nhau thỏa hiệp để chống IS là khẩu hiệu chung hiện nay của các lãnh đạo phương Tây khi tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong sự thỏa hiệp đó, có sự thỏa hiệp về tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria để đi đến giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng, nhằm tập trung nguồn lực quân sự cho cuộc chiến chống IS.

Hội nghị Vienna lần thứ hai về Syria hôm 14/11 đã đi đến kết quả là các nước phương Tây đã đồng ý với bản kế hoạch của Nga về lộ trình chính trị để đi đến tiến hành các cuộc bầu cử mới ở Syria trong vòng 2 năm, mặc dù vẫn còn khác biệt trong một số vấn đề.

Trong một tuyên bố chung, các quốc gia dự hội nghị, bao gồm Arập Xêút, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã vạch ra kế hoạch các cuộc nói chuyện chính thức giữa Chính phủ Syria và các nhóm phiến quân sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2016. Tuyên bố chung không nêu rõ các nhóm phiến quân đối lập này sẽ được chọn lọc như thế nào, nhưng tuyên bố có đưa ra một số tiêu chí, như phải cam kết ủng hộ một Syria "không chia rẽ" và duy trì nguyên vẹn các định chế nhà nước Syria. Và thỏa thuận về danh sách các nhóm đối lập được thừa nhận và các nhóm nào được xem là khủng bố cũng chưa đạt được.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, Jordan sẽ giám sát tiến trình xác định nhóm nào được xem là khủng bố để gạt ra, không cho tham gia tiến trình chính trị. Tiến trình chọn lựa này sẽ phải hoàn tất trước khi tiến trình đàm phán chính trị giữa các nhóm đối lập với Chính phủ Syria chính thức bắt đầu vào đầu tháng 1/2016.

Sự đồng thuận theo kế hoạch hòa bình do Nga đề xuất một phần là do lợi thế của bản kế hoạch là trong đó nước Nga đã đưa ra sẵn một số nhượng bộ quan trọng có thể chấp nhận được, giúp cho việc triển khai giải pháp hòa bình cho Syria được diễn ra nhanh hơn, không phân tâm, phân tán ý kiến đề xuất.

Mặt khác, cũng cần đề cập một biến cố bất ngờ xen ngang hội nghị: Đó là vụ tấn công khủng bố đẫm máu của IS tại thủ đô Paris, Pháp, làm chết 129 người, hơn 250 người bị thương xảy ra tối hôm "thứ Sáu ngày 13"! Vụ tấn công, dù trực tiếp hay gián tiếp, đã có tác động nhất định đến hội nghị.

Nga và phương Tây đồng ý lộ trình hòa bình tại Syria - 1

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị Vienna lần thứ hai về Syria hôm 14/11.

Theo Reuters, vụ tấn công ở Paris đã làm cho các nước tham gia hội nghị chuyển trọng tâm đàm phán từ việc cân nhắc các nhóm nào được xem là đối lập, các nhóm nào là khủng bố, sang tập trung vào phương án quân sự để đánh bại IS. Tuy vẫn còn khác biệt về một số vấn đề, như vấn đề vai trò của ông Bashar al-Assad ở Syria trong tương lai, nhưng do tác động của vụ tấn công đó là việc các Bộ trưởng Ngoại giao Nga và Mỹ đã gạt sang một bên các bất đồng lâu nay giữa 2 nước để cùng nhau hướng đến vấn đề chung lớn nhất hiện nay là IS.

Ông Kerry cũng đồng ý với kế hoạch của Nga trong đó có nêu rõ, lệnh ngừng bắn tại Syria sẽ chỉ áp dụng cho các nhóm phiến quân đối lập với chính phủ của Tổng thống Assad, không áp dụng với IS, vì sự thật thì không thể có sự dừng lại trong cuộc chiến chống IS hiện nay, nhất là sau vụ tấn công máy bay 7K9268 của Nga và vụ tấn công đẫm máu ở Paris.

Ngoài ra, cũng do tác động từ vụ khủng bố của IS tại Paris, Arập Xêút và Iran, hai nước ủng hộ các phe phái Syria ở hai chiến tuyến khác nhau và kình chống nhau trong nhiều vấn đề ở khu vực Trung Đông, cũng tạm thời gạt bỏ bất đồng, mâu thuẫn để cùng lên án hành động khủng bố và cùng đồng ý kế hoạch hòa bình cho Syria để tập trung cho cuộc chiến đánh IS.

Sau thỏa thuận tại Vienna hôm 14/11, Nga và Mỹ tiếp tục có thêm động thái "hòa giải" tại Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia phát triển và mới nổi (G20). Trong cuộc gặp bên lề hội nghị hôm 15/11 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhất trí với nhau rằng Liên Hiệp Quốc sẽ làm trung gian các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Syria với các nhóm phiến quân đối lập sau khi một lệnh ngừng bắn được triển khai. Hai bên đã không nhắc lại những vấn đề còn khác biệt giữa hai nước trong bối cảnh khủng bố đang trở thành trọng tâm chú ý toàn cầu hiện nay.

Ngày 16/11, đến lượt Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã gặp Tổng thống Nga Putin trong một tiếng đồng hồ để thảo luận những vấn đề tương tự. Theo các quan chức Anh, Thủ tướng Cameron đã tập trung thảo luận với Tổng thống Putin về tiến trình hòa bình cho Syria, bên cạnh đó là mối đe dọa khủng bố của IS và chiến lược quân sự chống IS tại Syria và Iraq.

Phát biểu trên chương trình Radio 4 của Đài BBC, ông Cameron cũng đã tuyên bố: "Chúng ta có thể thỏa hiệp với Nga để chấm dứt nội chiến Syria". Ông Cameron nhấn mạnh rằng, tất cả các bên đều thấy cần thiết phải chấm dứt xung đột tại Syria. Ông cho rằng cần phải tìm giải pháp cho khác biệt lớn nhất giữa phương Tây và Nga xung quanh vấn đề "Assad đi hay ở".

Tổng thống Nga Putin khẳng định, phải để cho người dân Syria chọn lựa người lãnh đạo họ trong cuộc bầu cử, còn Mỹ, Anh, Pháp và Arập Xêút chỉ đồng ý cho ông Assad tạm tiếp tục nắm quyền trong giai đoạn chuyển tiếp mà thôi.

IS đang khiến cho nhu cầu chấm dứt nội chiến Syria càng trở nên cấp thiết hơn. Tuy nhiên, yêu cầu mà ông Cameron đặt ra là Tổng thống Nga Putin cùng lúc phải phối hợp với phương Tây đẩy IS ra khỏi miền Bắc Syria và mang lại một chính phủ mới ở Syria vừa không hợp lý, vừa dư thừa, vì cả hai việc nước Nga đều đã và đang tiến hành. Vấn đề bây giờ là phải ưu tiên cho việc nào và trọng tâm cần nhất hiện nay là gì. Sau vụ tấn công khủng bố tại Paris, có lẽ không nói ai cũng hiểu rằng phương Tây và Nga sẽ cùng phối hợp.

Hôm 16/11, ngay trước khi gặp Thủ tướng Anh Cameron, Tổng thống Nga Putin đã nói: "Những sự kiện bi thảm vừa xảy ra ở Pháp cho thấy chúng ta nên cùng phối hợp để ngăn chặn khủng bố".

Theo An Châu (tổng hợp)

An ninh thế giới

Nga và phương Tây đồng ý lộ trình hòa bình tại Syria - 2