Nga tung chiến thuật tấn công mới, bóp nghẹt lưới phòng không Ukraine
(Dân trí) - Nga đã triển khai chiến thuật tấn công mới bằng tên lửa, gây sức ép đáng kể cho các hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Trong trận tập kích vào rạng sáng 23/1, Nga đã phóng loạt tên lửa vào 3 thành phố của Ukraine, trong đó có thủ đô Kiev. Tổng thống Ukraine cho biết, trận tập kích khiến 18 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, phá hủy nhiều công trình và phương tiện tại các thành phố.
Không quân Ukraine xác nhận Nga đã phóng 41 tên lửa trong trận tập kích hôm 23/1. Chiến thuật được Moscow sử dụng là phóng kết hợp cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cùng lúc vào Ukraine từ 5 khu vực khác nhau của Nga.
Kể từ mùa hè năm ngoái, quân đội Nga đã xây dựng một kho vũ khí khổng lồ gồm tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Hiện tại, Nga vẫn sử dụng những vũ khí này để tấn công phía sau phòng tuyến của Ukraine, nhưng Moscow đã thay đổi chiến thuật.
Trong trận tập kích vào ngày 23/1, Không quân Ukraine tuyên bố bắn hạ 21 trong số 41 tên lửa do Nga phóng vào Kiev và các thành phố khác. Như vậy, một nửa số mục tiêu của đối phương đã bị Ukraine đánh chặn, thấp hơn mức đánh chặn trung bình 80% mà Kiev từng đạt được vào năm 2023.
Những kết quả tương tự cũng được ghi nhận vào ngày 8/1 khi Nga phóng 59 tên lửa và máy bay không người lái tự sát Shahed, với 40% bị đánh chặn.
Thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận tập kích hôm 23/1 là Kharkov, nơi chỉ cách biên giới Nga 40km, nơi có 5 người trong các tòa nhà chung cư thiệt mạng và 40 người khác bị thương. Tại Kiev, các cuộc không kích của Nga đã khiến một phụ nữ thiệt mạng và hơn 20 người bị thương. Tại Pavlohrad, một trung tâm hậu cần quan trọng ở tỉnh Dnipro gần mặt trận Donetsk, một phụ nữ khác đã thiệt mạng.
Nga đã phóng tên lửa từ mặt đất và từ máy bay ném bom cất cánh ở 5 khu vực khác nhau của Nga. Mikhail Shamanov, người phát ngôn của chính quyền quân sự Kiev, cho biết, trái ngược với chiến thuật được triển khai trong những tháng trước, trong đó tên lửa được phóng theo từng đợt cách đều nhau, cuộc tấn công của Nga hôm 23/1 gần như diễn ra đồng thời.
Nga lần đầu tiên phóng tên lửa hành trình Kh-101 và Kh-555 từ biển Caspi. Khi chúng bay qua không phận mục tiêu vào lúc 6h30, tên lửa đạn đạo Iskander tiếp tục được phóng từ các tỉnh Belgorod và Voronezh của Nga.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự Kiev cho biết tên lửa Iskander, có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh, đã bay đến không phận Kiev khi lực lượng phòng không Ukraine đang bắn hạ tên lửa hành trình. Nhiều tiếng nổ liên tiếp đã được nghe thấy ở các địa điểm khác nhau tại Kiev.
Hệ thống phòng không ở Kiev, thành phố được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Ukraine, đã ngăn chặn cuộc tấn công gần như đồng thời, nhưng điều này không xảy ra với Kharkov.
Vị trí gần lãnh thổ Nga khiến Kharkov dễ bị tổn thương hơn, nhưng lần này, Kharkov không chỉ bị tấn công bởi tên lửa S-300 và S-400 được phóng từ vùng Belgorod ở biên giới, mà còn là mục tiêu của các tên lửa Iskander và Kh-22 được phóng từ máy bay ném bom ở tỉnh Bryansk và Oryol. Đây là nguyên nhân gây ra phần lớn thiệt hại tại thành phố này.
Cảnh báo đầu tiên về chiến thuật tấn công mới của Nga được đưa ra vào ngày 29/12. Vào thời điểm đó, 122 tên lửa đã được Nga phóng vào các thành phố của Ukraine, nhưng 70% trong số đó đã bị bắn hạ. Cuộc tấn công được phát động từ các khu vực khác nhau của Nga và được tiến hành theo các đợt khác nhau.
Trong những tháng gần đây, Nga cũng áp dụng chiến thuật tấn công cùng một mục tiêu bằng các máy bay không người lái Shahed được phóng theo "bầy đàn" từ các hướng khác nhau. Chiến thuật này khiến các hệ thống pháo phòng không của Ukraine khó phối hợp phòng thủ hơn.
Một trong những mục tiêu tấn công của Nga là làm cạn kiệt kho đạn phòng không của Ukraine. Lực lượng Không quân Ukraine ngày 8/1 cảnh báo việc thiếu tên lửa Patriot của Mỹ đang gây nguy hiểm cho hiệu quả phòng không của nước này.
Tên lửa Patriot là vũ khí chính được Ukraine sử dụng trong hệ thống phòng không, tiếp theo là Iris-t của Đức và Nasam của Na Uy. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đang ngăn cản Nhà Trắng phê duyệt gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Kết quả là nguồn lực của Ukraine đang bị cạn kiệt đến mức giới hạn.
Quân đội Ukraine đã phải di chuyển đến các vị trí phòng thủ trên hầu như toàn bộ mặt trận, thậm chí còn rút lui dần trên mặt trận ở các tỉnh Donetsk và Kharkov.