1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga truy nã thẩm phán Tòa Hình sự Quốc tế

Minh Phương

(Dân trí) - Nga truy nã một thẩm phán của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), người hồi đầu năm đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin các vấn đề ở Ukraine.

Nga truy nã thẩm phán Tòa Hình sự Quốc tế - 1

Thẩm phán ICC Sergio Gerardo Ugalde Godinez (Ảnh: Twitter).

Hãng thông tấn TASS ngày 8/11 dẫn thông tin trên trang web của Bộ Nội vụ Nga cho biết, Nga đã phát lệnh truy nã đối với Thẩm phán Sergio Gerardo Ugalde Godinez của ICC theo điều khoản trong Bộ Luật hình sự của Liên bang Nga.

Thẩm phán Godinez, 52 tuổi, là người Costa Rica. Tháng 12/2020, ông được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu vào Tòa án Hình sự Quốc tế.

ICC ngày 17/3 đã phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".

Đây không phải lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia đang tại nhiệm, nhưng cơ quan này chưa từng có động thái như vậy với lãnh đạo của một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, như nhiều quốc gia, Nga không công nhận thẩm quyền của ICC và coi bất kỳ tuyên bố nào của ICC là vô hiệu về mặt pháp lý.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng khẳng định, đối với Nga, các quyết định của ICC không có ý nghĩa. Nga không phải một bên của Quy chế Rome về ICC và Nga không có nghĩa vụ tuân theo quy chế này.

Thay vào đó, Nga lập tức mở cuộc điều tra chống lại các thẩm phán của ICC gồm Ugalde Godinez, Tomoko Akane và Rosario Salvatore Aitala. Nga đưa hầu hết lãnh đạo ICC vào danh sách truy nã.

Nga truy nã thẩm phán Tòa Hình sự Quốc tế - 2

Nga truy nã hầu hết lãnh đạo ICC (Ảnh: EPA).

Nga thừa nhận việc đưa hàng nghìn trẻ em ra khỏi Ukraine, song khẳng định điều này nhằm bảo vệ trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi do chiến sự.

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn một năm qua và chưa có dấu hiệu lắng xuống. Giới quan sát cho rằng, cuộc xung đột đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.

Trong một cuộc chiến như vậy, Nga được cho là có lợi thế hơn do nguồn lực dồi dào hơn. Ngược lại, Ukraine đang tìm cách phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường, kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ để thúc đẩy chiến dịch phản công đã kéo dài hơn 5 tháng qua.

Những ngày qua, một số phương tiện truyền thông đưa tin, giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu thảo luận với Ukraine về kịch bản hòa đàm, nhượng bộ Nga. Tuy nhiên, Ukraine và Mỹ đồng loạt lên tiếng bác bỏ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, sẽ không có chuyện Ukraine đồng ý đàm phán với Nga kèm theo những nhượng bộ.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel ngày 7/11 cũng nhấn mạnh: "Như chúng tôi tuyên bố nhiều lần trước đó, không có chuyện gì về Ukraine mà không có sự tham gia của Ukraine. Chúng tôi không biết về bất cứ cuộc thảo luận nào với Ukraine liên quan đến hòa đàm (với Nga) nằm ngoài công thức hòa bình".

Nhà ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Theo Reuters, TASS