1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga truy lùng kho tên lửa phương Tây ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Các cuộc tập kích lớn chưa từng có của Nga gần đây ở miền Tây Ukraine được cho là nhằm phá hủy kho vũ khí tầm xa mà phương Tây cấp cho Kiev.

Nga truy lùng kho tên lửa phương Tây ở Ukraine - 1

Một tòa nhà ở Lviv, miền Tây Ukraine bị phá hủy sau một cuộc tập kích tên lửa của Nga hôm 15/8 (Ảnh: Reuters).

Những vũ khí do phương Tây cung cấp, trong đó có tên lửa Storm Shadow của Anh, Scalp của Pháp, đã hỗ trợ đáng kể chiến dịch phản công hơn 2 tháng qua của Ukraine. Tuy nhiên, chiến dịch của họ cần nhiều hơn thế trong bối cảnh Nga dường như không che giấu mục tiêu phá hủy hoàn toàn kho tên lửa tầm xa mà phương Tây cấp cho Kiev.

Tuần qua, Nga đã phóng hàng chục tên lửa vào miền Tây Ukraine, trong đợt tập kích được cho là lớn nhất từ trước đến nay.

Theo giới chức Ukraine, chỉ riêng trong ngày 15/8, Moscow đã bắn tới 28 tên lửa hành trình nhắm vào các căn cứ không quân, đường băng và cơ sở đào tạo phi công của Ukraine, cách tiền tuyến tới 1.000km. Ukraine tuyên bố đánh chặn thành công 16 tên lửa trong số đó.

Theo nguồn thạo tin, Kiev và các đồng minh cho rằng những cuộc tập kích này của Nga nhằm phá hủy các đường băng quân sự, phi đội máy bay ném bom của Ukraine vốn được sử dụng để phóng tên lửa Storm Shadow và Scalp.

Nguồn tin cũng cho biết thêm, để tránh các rủi ro khi bị tấn công, Ukraine đang chạy đua với thời gian để di tản kho vũ khí quan trọng và phi công tới khu vực an toàn.

Phát ngôn viên không quân Ukraine Yuriy Ihnat cho biết: "Với những gì mà phi công Ukraine có thể gây ra với lực lượng Nga, không có gì ngạc nhiên khi họ phải cố gắng phá hủy không quân của chúng tôi".

Valeriy Kondratiuk, cựu lãnh đạo quân đội Ukraine và các cơ quan tình báo nước ngoài, cho biết: "Tên lửa tầm xa Scalp của Pháp và Storm Shadows của Anh thực sự đóng một vai trò quyết định. Quân đội Nga không có cách nào khác để ngăn chặn các cuộc tấn công ngoài việc đánh vào sân bay, nơi đặt các máy bay phóng những tên lửa này".

Khác với Anh, Pháp, Mỹ và Đức vẫn tỏ ra thận trọng hơn trong việc viện trợ tên lửa tầm xa cho Ukraine do lo ngại xung đột leo thang, đặc biệt khi chúng có khả năng tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, quân đội Ukraine khẳng định họ chỉ sử dụng tên lửa trong biên giới quốc gia nhằm vào các kho vũ khí, sở chỉ huy và điểm hậu cần của Nga tại các vùng lãnh thổ Moscow kiểm soát.

Trong giai đoạn đầu xung đột, quân đội Ukraine chủ yếu dựa vào kho tên lửa đất đối không từ thời Liên Xô như S-300 và Buk nhằm ngăn chặn Nga chiếm ưu thế trên không.

Hệ thống phòng không theo tiêu chuẩn NATO do các đồng minh phương Tây cung cấp, bao gồm Patriot do Mỹ sản xuất, NASAMS của Na Uy, Mỹ và Iris-T của Đức đã giúp Ukraine nâng cao năng lực phòng không. Tuy nhiên, theo ông Ihnat, các hệ thống này cần được gia cố hơn nữa trước tần suất tấn công gần như hàng ngày của Nga.

Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết Nga gần đây gia tăng các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân của Ukraine và liên tục kêu gọi "đẩy mạnh lực lượng không quân".

Tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cho rằng: "Ngay bây giờ, chúng ta nên đưa hệ thống ATACMS, tên lửa Taurus, Storm Shadow và các hệ thống tầm xa khác tới Ukraine càng nhanh càng tốt".

Ông đánh giá việc Nga liên tục không kích vào căn cứ không quân của Ukraine là nhằm ngăn chặn nguy cơ Ukraine đang đứng trước một bước ngoặt của cuộc chiến.

"Với Nga, không gì tệ hơn khi Ukraine có khả năng không kích thường xuyên và chính xác vào các  căn cứ Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol, các căn cứ không quân và trung tâm hậu cần", ông nói.

Tại Berlin, cuộc tranh luận xung quanh việc cung cấp tên lửa Taurus kéo dài không hồi kết như lần viện trợ xe tăng Leopard. Gần đây, bộ trưởng Bộ Tài chính Christian Lindner ủng hộ lời kêu gọi của Kiev. Ngoài ra, Norbert Rottgen, một thành viên nổi bật của Hạ viện Đức thuộc Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo, cũng thúc giục Berlin giúp Ukraine tăng cường hệ thống phòng không.

Ngoài các hệ thống phòng không, Kiev còn kêu gọi đồng minh đẩy nhanh tốc độ đào tạo các phi công và tiến trình viện trợ máy bay chiến đấu F-16. Quan chức nước này nhận định đây sẽ là yếu tố then chốt giúp Ukraine chiếm ưu thế lớn trong giai đoạn tới của cuộc xung đột.

Theo FT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine