1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga, Trung Quốc bắt tay đối phó lệnh trừng phạt của phương Tây

Minh Phương

(Dân trí) - Nga và Trung Quốc nhất trí hợp tác để đáp trả các lệnh trừng phạt bị coi là "phi pháp" mà phương Tây áp đặt nhằm gây sức ép, giữa lúc Mỹ và các đồng minh gia tăng đối phó với 2 nước này.

Nga, Trung Quốc bắt tay đối phó lệnh trừng phạt của phương Tây - 1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt tay nhau tại cuộc hội đàm ngày 23/3 ở Quế Lâm, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tại cuộc hội đàm ở thành phố Quế Lâm ngày 23/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov nhất trí "hợp tác để đối phó các lệnh trừng phạt". Họ cũng kêu gọi tổ chức một hội nghị của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để giải quyết các vấn đề chung của nhân loại ở giai đoạn cao trào của biến động chính trị toàn cầu.

Ngoài ra, hai nhà ngoại giao Nga và Trung Quốc cũng đề xuất một diễn đàn đối thoại mới để giải quyết các quan ngại an ninh trong khu vực. "Các nước phương Tây nên hiểu rằng thời kỳ mà họ có thể can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc đã lùi xa", thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương nghị nói trong cuộc hội đàm.

Kết thúc hội đàm, hai bên đã ra một thông cáo chung phản đối các hành động chính trị hóa và can thiệp các vấn đề nội bộ của hai nước. Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Lavrov kêu gọi, Nga và Trung Quốc hợp tác để gạt đồng đô la Mỹ khỏi hệ thống thương mại để giảm các rủi ro do lệnh trừng phạt gây ra.

Cuộc hội đàm giữa hai nhà ngoại giao Nga và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp hứng các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây. Hôm 22/3, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố lệnh trừng phạt với 4 quan chức và thực thể Trung Quốc do quan ngại các hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương. Đây là các lệnh trừng phạt đầu tiên EU áp đặt lên Trung Quốc sau hơn 30 năm. "Nối gót" EU, Mỹ, Anh và Canada cũng áp các lệnh trừng phạt tương tự với các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc, bao gồm lệnh cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản.

Ông Vương chỉ trích các lệnh trừng phạt này của phương Tây là "đơn phương" và "phi pháp". "Chúng tôi phản đối các trò chơi địa chính trị và phản đối các lệnh trừng phạt phi pháp mà các nước phương Tây ngày càng lạm dụng", ông Vương nói.

Trung Quốc cũng ngay lập tức công bố các lệnh trừng phạt đáp trả phương Tây. Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức và Italia hôm qua đã triệu tập các đại sứ của Trung Quốc để phản đối các lệnh trừng phạt đáp trả của Bắc Kinh. "Các biện pháp trừng phạt (của Trung Quốc) nhằm vào các nghị sĩ và học giả là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói. Đáp lại, Trung Quốc cũng triệu tập đại sứ EU để phản đối các lệnh trừng phạt.

Giới quan sát nhận định, những diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến các thỏa thuận đầu tư mà hai bên đạt được gần đây. Nghị viện châu ÂU dự kiến sẽ bỏ phiếu với thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc vào đầu năm 2022 sau 7 năm đàm phán. Nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ cho phép các nhà đầu tư EU tiếp cận thị trường Trung Quốc với mức độ chưa từng có.