1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga, Trung, EU... chưa đủ tầm thay thế Mỹ!

Trang phân tích project-syndicate vừa có bài phân tích chỉ ra rằng cả Nga, Trung Quốc và châu Âu không thể thay thế vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Mỹ đang rút lui

Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuyển hướng trong cách tiếp cận các vấn đề toàn cầu. Kết quả là Mỹ sẽ không còn đóng vai trò lãnh đạo quốc tế vốn định hình chính sách đối ngoại của họ suốt 3/4 thế kỷ qua.

Cam kết truyền thống của Mỹ với các tổ chức toàn cầu đã bị thay thế bởi ý tưởng “nước Mỹ trên hết”. Các liên minh và các mối quan hệ nhằm đảm bảo an ninh một thời từng được coi là “nghiễm nhiên” giờ đang ngày một phụ thuộc vào mức độ các đồng minh chi tiêu cho quốc phòng và liệu họ có bị coi là đang lợi dụng sự mất cân bằng thương mại với Mỹ hay không.


Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Từ góc độ của người Mỹ, ngoại thương đang bị nhìn nhận với con mắt hoài nghi, bởi nó bị coi là nguyên nhân gây ra thất nghiệp thay vì là động lực của đầu tư, công ăn việc làm, tăng trưởng và ổn định. Các chính sách nhập cư và tị nạn đã được thắt chặt hơn.

Nhiều khoản tiền đang được dồn cho quốc phòng, nhưng rất ít nguồn lực được dành cho việc hỗ trợ y tế hay phát triển toàn cầu.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên thế giới. Họ đang sử dụng vũ lực ở Trung Đông và Afghanistan, tăng cường sức ép ngoại giao với Triều Tiên để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này và tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexio.

Các chính sách của các tiểu bang, thành phố và công ty sẽ được coi là cam kết của Mỹ với vấn đề biến đổi khí hậu, bất chấp quyết định của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, thế giới vốn chịu sự “thống trị” của Mỹ được cho là đang thay đổi. Điều đáng nói hơn là hiện chưa có một cường quốc nào sẵn sàng và có khả năng thay thế cũng như đảm nhiệm vai trò của Mỹ trước đó.

Các ứng cử viên

Theo project-syndicate, Trung Quốc vẫn là “ứng cử viên” được thường xuyên nhắc tới, nhưng ban lãnh đạo nước này chủ yếu tập trung vào việc củng cố trật tự trong nước và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao “giả tạo” để ngăn chặn bạo động. Mối quan tâm của Trung Quốc tới các thể chế khu vực và toàn cầu dường như chủ yếu là để thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị của họ, thay vì giúp tạo ra luật lệ và các thỏa thuận có lợi chung.

Tương tự, Nga là một quốc gia với nền kinh tế được lãnh đạo bởi một chính phủ tập trung vào việc duy trì quyền lực trong nước và tái lập ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông và châu Âu.


Máy bay chiến đấu Su-30 của Nga tại Syria

Máy bay chiến đấu Su-30 của Nga tại Syria

Ấn Độ đang bận tâm với thách thức đối với phát triển kinh tế và vướng vào quan hệ bất ổn với Pakistan.

Nhật Bản đang bị kìm chân bởi dân số thu hẹp, thách thức chính trị và kinh tế trong nước và sự hoài nghi của các nước láng giềng.

Về phần mình, châu Âu đang bị xao lãng bởi các vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa các nước thành viên và Liên minh châu Âu (EU). Kết quả là toàn bộ châu lục này vẫn chưa đủ khả năng để kế thừa vai trò của Mỹ trên trường quốc tế.

Hỗn loạn?

Tuy nhiên, việc thiếu vắng một quốc gia có thể "kế vị" Mỹ không đồng nghĩa rằng bất ổn đang chờ đợi. Ít nhất về nguyên tắc, các cường quốc hùng mạnh nhất thế giới có thể cùng nhau đảm nhiệm vai trò của Mỹ. Tuy vậy, trên thực tế, điều này sẽ không xảy ra, bởi các quốc gia này không có khả năng, kinh nghiệm và, trên hết là, thiếu sự đồng thuận về những gì cần làm và ai cần làm gì.

Một kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn đó là sự nổi lên của “hỗn hợp” các trật tự và bất ổn ở các cấp độ khu vực và toàn cầu. Trung Quốc sẽ thúc đẩy các cơ chế thương mại, cơ sở hạ tầng và an ninh ở châu Á. 11 nước còn lại trong Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ khởi động thỏa thuận thương mại riêng mà không có Mỹ.

Hiện cũng chưa rõ rằng liệu Trung Quốc có sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế Triều Tiên hay không, Ấn Độ và Pakistan sẽ né tránh xung đột như thế nào và giải pháp gì cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở châu Á.

Khu vực Trung Đông đang trải qua bất ổn chưa từng có, kết quả của sự thù địch và thực tế tại đây, sau 15 năm mà ở đó Mỹ ban đầu đã can thiệp quá nhiều và sau đó lại gần như không làm gì để định hình tương lai khu vực. Mối đe dọa trước mắt không chỉ làm tổn hại hơn nữa các quốc gia như Yemen, Syria, và Libya mà còn tác động trực tiếp đến xung đột giữa Saudi Arabia và Iran.


Tàu chiến USS Fort Worth của Mỹ hoạt động tài Biển Đông

Tàu chiến USS Fort Worth của Mỹ hoạt động tài Biển Đông

Châu Âu dường như là ngoại lệ trước các chiều hướng nói trên, với việc ông Emmanuel Macron đắc cử tổng thống tại Pháp giúp thành lập một chính phủ có quan điểm theo đuổi cải cách EU. Tuy nhiên, chính EU cũng đang đối mặt với tương lai bất ổn, trong bối cảnh xảy ra tiến trình Brexit và các cuộc khủng hoảng đang diễn ra “từ từ” tại Italy và Hy Lạp.

Ngoài ra, nhiều điểm nóng thế giới và các thách thức toàn cầu vẫn tiếp tục tồn tại. Trong khi đó, các nước dường như không sẵn sàng phối hợp cùng nhau giải quyết những thách thức.

Trang project-syndicate cho rằng hàng thập kỷ nay, nhiều quốc gia đã chỉ trích chính sách của Mỹ, cả về những gì họ đã làm và cả những gì họ không làm. Câu hỏi đặt ra là ứng phó thế nào với một thế giới mà ở đó Mỹ không còn giữ vai trò chủ đạo?

Mỹ vẫn chưa hết thời?

Trên thực tế, lời bàn tán về việc Mỹ đang dần đánh mất vai trò lãnh đạo thế giới đã được nêu ra nhiều năm qua. Ý kiến này đặc biệt nóng lên hồi năm 2015 khi Trung Quốc thu hút gần 50 quốc gia tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB).

Khi đó, truyền thông Trung Quốc vui mừng như thể AIIB là toàn bộ thế giới, cho rằng trong cuộc “đại chiến giữa Mỹ và Trung Quốc”, họ đã thắng. Tờ “Thời báo Tài chính” của Anh thậm chí còn xuất hiện chủ đề thảo luận: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã kết thúc thế kỷ Mỹ?”, “Nền quản trị thế giới hướng tới thời hậu Mỹ”… "Phải chăng Mỹ đã mất vị thế lãnh đạo thế giới?".


Trung Quốc đã dùng AIIB ve vãn nhiều đồng minh thân cận của Mỹ

Trung Quốc đã dùng AIIB "ve vãn" nhiều đồng minh thân cận của Mỹ

Quả thật, gần đây, Mỹ liên tục gặp bất lợi trong quan hệ đối ngoại như cuộc xung đột Ukraine, vấn đề Syria, Yemen, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng hay việc Trung Quốc lập AIIB… Tất cả đều ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ, cho thấy khả năng lãnh đạo thế giới của nước này đi xuống, làm xuất hiện thuyết “thế kỷ Mỹ kết thúc”, “Trung Quốc thay thế vị trí của Mỹ”.

Nhưng theo Giáo sư Joseph Nye thuộc Đại học Harvard, người đã phát minh ra khái niệm “quyền lực mềm”, thế giới vẫn chưa bước vào thời đại “hậu Mỹ”. Vào những năm 1970, 1980, mọi người cũng từng đánh giá quá cao Liên Xô và Nhật Bản, nhưng Liên Xô và Nhật Bản sau đó ra sao mọi người đã rõ.

Hiện nay, có người coi Trung Quốc là “người khổng lồ”, nói rằng “thế kỷ của Trung Quốc đã tới”. Có thể trong mấy chục năm tới, Trung Quốc sẽ tiến sát Mỹ, nhưng chưa chắc đã vượt được Mỹ về quân sự, kinh tế và quyền lực mềm.


Mỹ đang gặp khó khăn trong hàng loạt vấn đề nhưng vẫn chưa hết thời?

Mỹ đang gặp khó khăn trong hàng loạt vấn đề nhưng vẫn chưa hết thời?

Giáo sư Joseph Nye cho rằng Mỹ có một số điểm yếu như nợ công, giáo dục trung học, thu nhập bất bình đẳng, bế tắc chính trị…, nhưng lại chiếm ưu thế về quân sự, quyền lực mềm, kết cấu dân số, công nghệ và năng lượng.

Nếu xét ở khía cạnh địa lý và văn hóa sáng tạo, Mỹ càng có lợi. Đối với Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của nước này không phải vĩnh viễn đi lên, hơn nữa lại nằm ở thế bất lợi về địa chính trị ở châu Á. Ngược lại, Mỹ có quan hệ tốt với châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ.

Xem xét quá khứ sẽ thấy khi cực thịnh, Mỹ cũng từng nếm trải thất bại như năm 1956, Mỹ không thể ngăn được Liên Xô hành động ở Hungary hay như việc Mỹ rất khó ngăn chặn Anh, Pháp và Israel xâm phạm kênh đào Suez.

Theo vị giáo sư này, nếu chỉ lấy một lần thất bại mà suy đoán rằng vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ đã tới hồi chấm dứt, e rằng đó sẽ là một sự võ đoán, hơn nữa, phán đoán như vậy vẫn còn quá sớm.

Theo Đông Phong

Báo Đất việt