1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Nga tính chế tạo tên lửa bị cấm trong hiệp ước với Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẵn sàng sản xuất các tên lửa tầm trung và tầm ngắn vốn bị cấm theo hiệp ước với Mỹ.

Nga tính chế tạo tên lửa bị cấm trong hiệp ước với Mỹ - 1

Tên lửa Iskander Nga rời bệ phóng (Ảnh: Sputnik).

"Liên quan đến việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này và thông báo rằng họ đang bắt đầu sản xuất tên lửa, chúng tôi cũng cho rằng mình có quyền bắt đầu nghiên cứu, phát triển và sản xuất trong tương lai", Tổng thống Putin phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana, Kazakhstan hôm 4/7.

"Chúng tôi đang tiến hành hoạt động nghiên cứu, phát triển và đã sẵn sàng bắt đầu sản xuất (tên lửa). Về nguyên tắc, chúng tôi đã đưa ra các hướng dẫn liên quan cho ngành này", ông Putin nói thêm.

Tuần trước, Tổng thống Putin đã đề cập trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia về khả năng Nga có thể tiếp tục sản xuất các hệ thống tên lửa bị cấm trước đây, viện dẫn lý do "hành động thù địch" của Mỹ.

"Bây giờ chúng tôi biết rằng Mỹ không chỉ sản xuất những hệ thống tên lửa này mà còn đưa chúng đến châu Âu, Đan Mạch để sử dụng trong các cuộc tập trận. Cách đây không lâu, có thông tin rằng chúng được đưa đến Philippines", ông Putin giải thích.

Ông Putin tuyên bố các động thái của Washington khiến Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khôi phục các chương trình tên lửa tầm trung và tầm ngắn, đồng thời cho biết chúng sẽ được triển khai "dựa trên tình hình thực tế, nếu cần thiết".

Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km.

Vào thời điểm ra đời, hiệp ước INF được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt căng thẳng ở châu Âu, nơi cả Nga và Mỹ cùng triển khai nhiều tên lửa dẫn tới nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Cuối năm 2018, Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF với cáo buộc Nga đã phát triển tên lửa bị cấm, song Moscow đã bác bỏ cáo buộc này và "tố ngược" Washington. Tuy vậy, Mỹ cho biết có thể sẽ quay trở lại INF nếu Nga loại bỏ những khí tài vi phạm.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn chấm dứt hiệp ước INF vì cho rằng Nga đã vi phạm hiệp ước nhiều năm và lo ngại về kho tên lửa tầm trung của Trung Quốc.

Tổng thống Putin từng cảnh báo việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Thiếu tướng Vadym Skibitskyi, đại diện Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, hồi tháng 4 cho biết Nga hiện có "khoảng ít nhất 950 tên lửa chiến thuật và chiến lược với tầm bắn hơn 350km". Ông Skibitskyi ước tính trung bình mỗi tháng Nga sản xuất vài chục tên lửa.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng tính năng kỹ thuật và tầm bắn của tên lửa đạn đạo Nga đang gây nguy hiểm cho các nước châu Âu.

"Nếu nói về Ukraine, sự an toàn của người châu Âu đang bị đe dọa vì nước này nằm cách biên giới của chúng ta chỉ khoảng 1.500km. Nếu Nga giành chiến thắng, chỉ mất một giây để Romania, Ba Lan, Lithuania hay đất nước chúng ta bị mất an ninh", Tổng thống Macron cảnh báo.

Theo Tass