1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga thử trang phục "kẻ hủy diệt" tại Syria

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov, lực lượng này đã thử nghiệm Ratnik - bộ quân phục được truyền thông Mỹ gọi là "kẻ hủy diệt" - tại Syria

Trang phục "kẻ hủy diệt"

Tuyên bố trên được Sputnik dẫn lời ông Borisov cho biết: "Các hệ thống thông tin liên lạc, tình báo, tác chiến vô tuyến điện tử mới nhất, các loại súng hiện đại cũng như bộ quân phục chiến đấu Ratnik, đã được thử nghiệm thực chiến".

Ngay trước khi ông Borisov đưa ra tuyên bố thử nghiệm Ratnik tại Syria, Nga đã cho công bố một đoạn video quay lại cảnh một cô gái mặc một bộ giáp dùng cho Ratnik và dễ dàng vượt qua bãi mìn mà không hề hấn gì. Chứng kiến cảnh thử nghiệm này, truyền thông Mỹ gọi bộ giáp trong đoạn video là "kẻ hủy diệt".

Theo truyền thông Nga, bộ trang phục Ratnik gồm 40 thiết bị khác nhau như áo ngụy trang, áo giáp, mũ bảo hiểm, bộ bảo vệ chân, vai, hông, thiết bị liên lạc, kính ngắm…Tổng khối lượng bộ giáp này vào khoảng 20 kg.

Trang phục Ratnik.
Trang phục Ratnik.

Bộ áo giáp được quảng cáo có khả năng bảo vệ tới 90% diện tích cơ thể người mặc, chống lại các mảnh lựu đạn, mảnh đạn pháo và chịu nhiệt độ cao trong thời gian ngắn. Mũ bảo hiểm nhiều lớp và áo khoác chống đạn Ratnik có khả năng chặn được đạn AK-74 và đạn súng bắn tỉa.

Ngoài bộ Ratnik đầy đủ, Nga còn có bộ Ratnik cơ bản với khối lượng 15 kg dành cho những binh lính không tham chiến như nhân viên y tế. Bộ trang phục này sẽ không có phần giáp bảo vệ bắp đùi, vai và một số thiết bị chiến đấu khác.

Ngoài việc chú trọng phát triển giáp bảo vệ, Nga cũng đầu tư nhiều cho các thiết bị đi kèm Ratnik như hệ thống liên lạc Strelets sẽ giúp người mặc thực hiện các cuộc thoại tiếng và hình cũng như định vị qua hệ thống GLONASS.

Đặc biệt, người chỉ huy có thể xác định chính xác vị trí của các binh sĩ dưới quyền thông qua một máy tính bảng nhỏ như quyển sách. Chỉ huy cũng có thể sử dụng máy tính này gửi mệnh lệnh tới các thành viên trong đội, gửi dữ liệu hình ảnh hay âm thanh về sở chỉ huy.

Nga dù xuất phát chậm hơn nhưng lại vượt Mỹ khi đã sớm cho ra mắt bộ giáp chiến đấu thế hệ mới Ratnik.

Từ cuối năm 2015, Nga đã bắt đầu cho sản xuất hàng loạt loại giáp này với đơn đặt hàng 3 năm từ Bộ Quốc phòng. Số lượng dự kiến ban đầu là 50.000 bộ mỗi năm.

Mỹ gây ấn tượng

Dù đầy ưu điểm nhưng bộ trang phục Ratnik của Nga vẫn bị đánh giá thua kém bộ TALOS của Mỹ vì không có bộ khung đỡ ngoài. Quân đội Mỹ cho biết bộ khung đỡ ngoài của TALOS có thể giúp lính đặc nhiệm của họ di chuyển cơ động và dễ dàng ngay cả khi mang theo vật nặng trên 45 kg. Trong khi đó, Nga dự kiến từ năm 2020 mới bắt tay phát triển hệ thống tương tự.

Theo nguồn tin từ Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt của Mỹ (SOCOM), cơ quan này chính thức thông báo sẽ giới thiệu bộ giáp thế hệ mới vào năm 2018. Bộ trang phục mới có những chi tiết đặc biệt như khả năng biến hình từ dạng lỏng sang dạng rắn và nhiều thiết bị tối tân khác.

SOCOM đang thiết kế bộ giáp chiến đấu thế hệ mới nhằm tăng cường sức mạnh và độ bảo vệ, giúp lính đặc nhiệm Mỹ sống sót khi tham chiến. Bộ giáp mới được báo chí Mỹ mô tả có bề ngoài tương tự như trang phục của nhân vật chính trong phim Iron Man của Hollywood.

Hiện nay, SOCOM đang tiếp tục tiến trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm bộ giáp mới TALOS. Loại giáp này sẽ được trang bị cho các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ, như SEAL của Hải quân, với khả năng cơ động cao hơn và các công nghệ bảo vệ tiên tiến. SOCOM thông báo mẫu TALOS đầu tiên sẽ ra mắt vào năm 2018.

Theo tờ Scout Warrior, dự án TALOS đã đạt được những tiến bộ vững chắc về công nghệ kể từ khi các nỗ lực được tăng cường dưới thời cựu lãnh đạo SOCOM, Đô đốc William McCraven. Khi đó, vị Đô đốc này từng tuyên bố ông không muốn mất thêm người lính đặc nhiệm nào nữa.

Quân đội Mỹ cùng các cơ quan nghiên cứu và các nhà thầu tham gia dự án đang tiếp tục các nỗ lực phát triển công nghệ cho bộ khung ngoài, hệ thống trợ lực và giáp bảo vệ tăng cường. Trong một thông báo, SOCOM từng tiết lộ công nghệ đang được phát triển cho TALOS bao gồm giáp bảo vệ cải tiến, các máy tính chỉ huy kiểm soát, nguồn năng lượng và bộ khung ngoài linh hoạt.

Trang web của Lục quân Mỹ cho biết Viện Công nghệ Massachusetts đang phát triển loại giáp thế hệ mới có tên gọi “giáp bảo vệ dạng lỏng”. Loại giáp này sẽ “biến hình” từ thể lỏng sang thể rắn khi từ trường hoặc dòng điện thay đổi. Ngoài ra, TALOS sẽ được trang bị tiểu hệ thống sinh lý học với các cảm biến áp sát vào da nhằm đo nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, mức độ hydrat hóa.

Trong khi đó, CNN cho biết TALOS tuy không thể giúp lính đặc nhiệm bay được như trang phục Iron Man của Hollywood, nhưng lại gần giống một phiên bản viễn tưởng khi lớp giáp có khả năng thay đổi từ trạng thái lỏng sang trạng thái rắn bằng lệnh.

Giới chức quân đội Mỹ cũng từng tuyên bố bộ giáp TALOS đầu tiên sẽ ra mắt vào tháng 8/2018. Bộ Quốc phòng Mỹ không tiết lộ chi phí nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm TALOS, nhưng trang Defense Tech dẫn lời cựu Thượng nghị sĩ Tom Coburn dự tính khoản tiền này vào khoảng 80 triệu USD.

Clip Nga thử nghiệm giáp của trang phục Ratnik... "không dành cho người yếu tim":

Theo Đồng Tâm

Đất Việt