1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga thân thiết Donald Trump: NATO ngày càng rệu rã?

NATO trở nên rệu rã, mong manh khi mối thân tình giữa Tổng thống Putin và Tổng thống mới đắc cử Donald Trump ngày càng khăng khít.

Tướng NATO hoài nghi ông Donald Trump

Ngày 16/11, tờ Washington Post dẫn lời tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về thái độ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với khối quân sự này.

Theo ông Pavel, việc tỷ phú người Mỹ tuyên bố từ bỏ cam kết về Hiệp ước với NATO là không nghiêm túc vì hiệp ước này mang tính ràng buộc giữa Mỹ và các đồng minh của mình.

Vị tướng người Mỹ khẳng định, Hiệp ước NATO là những quy tắc ràng buộc đối với tất cả thành viên. Vì vậy không thể có việc một nhà lãnh đạo quốc gia đơn lẻ nào - dù có tầm ảnh hưởng lớn trong khối - lại khước từ những cam kết ràng buộc đó.

Tướng Petr Pavel hoài nghi về cách ứng xử của ông Donald Trump với khối quân sự NATO
Tướng Petr Pavel hoài nghi về cách ứng xử của ông Donald Trump với khối quân sự NATO

Trước đó, trả lời truyền thông Mỹ trước khi tham dự Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax tại Canada vào cuối tuần này, ông Pavel cũng cho rằng điều khoản phòng vệ tương hỗ của Điều 5 hiệp ước NATO là khá rõ ràng. “NATO sẽ bảo vệ bất kỳ thành viên nào của mình nếu nước đó bị tấn công vô điều kiện”, ông Pavel nói.

Ông Pavel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã có 70 năm lịch sử, đồng thời khẳng định hiệp ước này có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ cũng như là các đồng minh và mang tính ràng buộc mà không Tổng thống Mỹ nào sẽ dám thay đổi.

Tuyên bố trên của ông Pavel được đưa ra sau khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đang có nhiều động thái thân Nga và dành nhiều chỉ trích cho các nước thành viên NATO.

Ngay từ quá trình vận động tranh cử, ông Trump lên tiếng cáo buộc các đồng minh NATO không chi đủ tiền 2 % GDP cho quốc phòng, trong khi Mỹ phải trả quá nhiều.

Trả lời phỏng vấn tờ The New York Times hồi tháng 7, ông Trump tuyên bố, dưới sự lãnh đạo của ông, Washington sẽ không nhất thiết phải triển khai viện trợ cho NATO nếu các nước thành viên bị tấn công. Yếu tố đầu tiên là phải xem xét mức độ đóng góp của những nước thành viên NATO cho liên minh này.

NATO trở nên rệu rã?

Đây không phải là lần đầu tiên NATO lên tiếng bày tỏ lo ngại trước sự thân thiết bất thường giữa ông Donald Trump và Tổng thống Nga.

Phát biểu trước báo giới trong cuộc họp do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức mới đây, Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã không giữ được bình tĩnh khi nói về mối quan hệ đặc biệt này.

Theo ông Rasmussen, nếu tỷ phú người Mỹ chấp nhận việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các khu vực khác trên thế giới.

“Nếu chúng ta chấp nhận việc sáp nhập Crimea nghĩa là chúng ta sẽ phải từ bỏ trật tự dựa trên luật lệ, và điều đó sẽ gây hậu quả ở những nơi khác trên thế giới”, ông Rasmussen lo ngại.

Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông Rasmussen là Jaap de Hoop Scheffer cũng tỏ ra sốt ruột trước lời hứa của ông Donald Trum với Nga trong chiến dịch tranh cử.

Vào thời điểm đó, ông Trump nói rằng người dân Crimea muốn sống dưới sự lãnh đạo của Nga và khẳng định bản thân sẽ xem xét liệu Mỹ có công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo này hay không.

NATO trở nên rệu rã, mong manh khi mối thân tình giữa tổng thống Putin và tổng thống mới đắc cử Donald Trump ngày càng khăng khít.
NATO trở nên rệu rã, mong manh khi mối thân tình giữa tổng thống Putin và tổng thống mới đắc cử Donald Trump ngày càng khăng khít.

Ông Scheffer lo ngại, ông Trump sẽ biến lời nói trong chiến dịch tranh cử thành chính sách. Nếu điều đó xảy ra thì đây sẽ là món hời lớn với chính quyền Tổng thống Putin. Khi đó Washington sẽ "nhường lại" Crimea và Đông Ukraine cho Nga để đổi lại việc điện Kremlin không can thiệp vào các nước Baltic.

“Nếu chấp nhận sự sáp nhập này, đó sẽ là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, biên giới các nước bị thay đổi bởi vũ lực”, ông Scheffer nói.

Cựu Tổng thư ký NATO cho rằng, một thoả thuận như vậy sẽ được Nga và Tổng thống Putin coi như một cái cớ chính trị để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình.

“Tôi cho rằng điều đó sẽ tạo một tiền lệ rất xấu và có thể tạo ấn tượng sai lầm với Điện Kremlin rằng nếu họ kiên nhẫn chờ đợi thì NATO, EU và Mỹ cuối cùng cũng phải nhượng bộ”, ông Scheffer nhấn mạnh.

Thậm chí để trấn an đồng minh, giữ tinh thần trong khối NATO, ông Obama đã quyết định tiến hành chuyến công du vòng quanh châu Âu nhằm khẳng định ông Trump sẽ không thay đổi lập trường trong quan hệ với NATO.

Phát biểu trước báo giới trước khi lên đường, ông Obama nhấn mạnh: “Trong buổi đối thoại giữa tôi với tổng thống đắc cử, ông ấy đã bảy tỏ sự quan tâm đến việc duy trì những mối quan hệ quan trọng. Do đó, một trong những lời nhắn gửi của tôi ở chuyến đi này là sự cam kết của ông Trump với đồng minh và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”.

Trong khi đó, bất chấp lo ngại từ NATO và châu Âu, hôm 14/11, Điện Kremlin đã nhanh chóng thu xếp để Tổng thống Putin có cuộc điện đàm với ông Trump.

Ngoài việc tuyên bố nỗ lực để hướng tới bình thường hóa quan hệ, kết thúc cuộc điện đàm ông Putin và ông Donald Trump còn khẳng định sẽ duy trì liên lạc qua điện thoại và sắp xếp một cuộc gặp gỡ trực tiếp trong thời gian tới.

Chưa dừng lại, Điện Kremlin cũng tỏ thái độ thờ ơ sau khi Bộ Tài chính Mỹ quyết định đưa thêm 6 nghị sĩ Crimea vào danh sách trừng phạt mới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định, nhiệm vụ chính hiện nay của Moskva là định hướng tập trung thúc đẩy chương trình nghị sự tích cực trong quan hệ với Hoa Kỳ sau khi ê-kíp Obama kết thúc nhiệm kỳ.

“Chúng tôi hy vọng chính quyền thay thế cho ê-kip của ông Obama sẽ có cách tiếp cận trách nhiệm trong quan hệ với Nga”, ông Ryabtov nói.

Theo Tuấn Hùng

Đất Việt